Saturday, June 26, 2010

Dude, where's my city?

Đọc vài bài viết về Hà Nội của một số bạn cựu du học sinh khi trở về Hà Nội trên Facebook tôi nghĩ: Tại sao tôi sống ở HN, tại sao tôi lại trở về. Nói chính xác thì tới giờ, tôi cũng không chắc là tôi muốn sống ở Hà Nội nốt quãng đời còn lại không. Hà Nội là một đô thị ngột ngạt và ngày càng ngột ngạt. Hầu như không có không gian riêng cho mỗi người. Khi về Hà Nội, cái làm tôi nhớ khi ở nước ngoài là những lúc không gian tuyệt đối yên tĩnh và những khi có thể dạo bộ trong công viên hay ven sông, ven hồ mà không bị ngột ngạt bởi tiếng ồn, bụi và người. Ở Hà Nội, con người không có không gian riêng. Nói đơn giản, cả ngày thứ bảy này, thay vì được yên tĩnh nghỉ ngơi trong một ngày cuối tuần thì những tiếng ồn từ công trình xây dựng hàng xóm cứ đập vào tai suốt cả ngày.

Hà Nội ngày càng xấu, ngày càng nhiều bụi và khói. Con người cũng dường như ngày càng trơ khấc hơn. Không gian đó cùng với sự giả dối, khệnh khạng và chụp giật ở khắp nơi khiến cho người ta cũng dễ trở nên bực bội, khó chịu và mệt mỏi hơn.


Vậy tại sao tôi trở về Hà Nội. Sau khi tôi về, có nhiều người hỏi tôi câu này và thực sự tôi cũng không biết trả lời ra sao. Có rất nhiều lý do để (tìm cách) ở lại nước ngoài, và cũng có không ít lý do để trở về Việt Nam và câu trả lời của tôi (nếu có) thường tùy thuộc vào ý nghĩ đập vào óc tôi lúc đó hoặc là một câu trả lời khuôn sáo đã có sẵn (nhưng có những lúc tôi chán trả lời câu này đến nỗi phải đề nghị không trả lời). Một phần có lẽ vì gia đình nhưng cũng không phải quá quan trọng vì tôi không phải là người quá gắn bó với gia đình, hơn nữa gia đình tôi cũng hoàn toàn tôn trọng quyết định về hay ở của tôi (dù vẫn thích tôi về hơn).


Tôi nghĩ lý do sâu hơn là cảm giác thuộc về. Dù sao đi nữa, tôi vẫn có cảm giác là tôi thuộc về Việt Nam và sẽ cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn khi sống ở Việt Nam. Kiếp người ngắn ngủi và vốn dĩ cô độc. Nếu sống ở nước ngoài, làm việc ở một công sở nào đó, sáng đi chiều về, lập gia đình, nuôi dạy con cái cho tới lúc về hưu, tận hưởng sự yên bình và những dịch vụ sẵn có của xã hội đó, tôi cảm thấy một cuộc sống như thế thật buồn tẻ. Như một nơi ở trọ mà mình sẽ phải ở tới hết đời. Tôi không phải là một công dân thế giới để có thể tìm thấy niềm vui, sự tự do và sự thoải mái ở bất cứ nơi nào. Sống ở nước ngoài, tôi sẽ có yên tĩnh, có tự do cá nhân, có sự thoải mái và tiện nghi vừa đủ, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người và người, và có nhiều cơ hội cho con cái. Nhưng chắc chắn, đi kèm với nó sẽ là một nỗi buồn melancholy và nostalgia, là sự mờ đi của các ký ức, sự dần dửng dưng với quá khứ và quê hương, là mâu thuẫn và cố gắng cân bằng giữa khép và mở, là cố gắng hòa nhập rồi lại mỏi công tìm kiếm identity và nơi bạn thuộc về. Bạn thuộc về đâu? New York hay Hà Nội?
Where’s your city? Where’s your country? Are you Chinese? No, Japanese?

Tôi không phải là người mê say tri thức và có tinh thần cạnh tranh quyết liệt để lựa chọn sống ở những nơi có môi trường tri thức cao nhất. Cũng không phải là người giàu giá trị gia đình để lựa chọn sống ở những nơi tốt nhất cho sự phát triển của con cái (giấc mơ Mỹ, Harvard, Obama, Sarkozy...).

Đến bây giờ tôi cũng không biết là quyết định về nước có đúng không. Và càng sống ở Hà Nội, tôi càng thấy không ưa Hà Nội. Và trong tương lai, cũng chẳng biết rồi tôi có bỏ cái thành phố “năm cổng chào” chộn rộn này không- nơi trí tuệ nhìn vào chắc sẽ phải nhún vai và cái đẹp thì cười nửa miệng?

Nhưng tôi nghĩ là tôi không tiếc về quyết định này (nhưng kể ra đôi khi cũng thấy tiếc tiếc hehe). Ít nhất việc đó cũng giúp tôi đỡ phải băn khoăn trong chuyện là nên đi hay về, hay lúc nào thì nên về- những câu hỏi mà tôi sẽ phải suy nghĩ trong nhiều năm nếu tôi sống ở nước ngoài.


Trong cuốn tiểu thuyết All the Pretty Horses [bản dịch có tên Những con tuấn mã khá tệ] tôi vừa đọc xong có đoạn hội thoại giữa hai người bạn, hai chàng cowboy trẻ tuổi vừa trở lại Mỹ sau chuyến hành trình đầy nguy hiểm ở Mexico:


“I think I'm going to move on.
This is still good country.
Yeah, I know it is. But it aint my country”


Nhân vật chính trong cuốn sách lại ra đi, vì anh cảm thấy nước Mỹ của anh không phải là của anh. Đất nước của anh là đất nước của quá khứ, của ngựa chứ không phải ô tô, của những con chim lớn sải cánh bay trên hoang mạc chứ không phải những giàn khoan dầu hỏa dựng lên trên nền trời. Chừng nào bạn cảm thấy xa lạ với nơi bạn đang sống, thì bạn nên ra đi. Dù là để tìm kiếm một miền đất mới hay một thế giới quá vãng.


Với tôi thì điều đó chưa đến. Đất nước tôi đang ở hiện nay không phải là "good country”. Nhưng nó vẫn là “my country”. Còn có những đất nước mà tôi từng có dịp đến thì rõ ràng là “good country”. Nhưng tiếc thay, nó lại không phải là “my country”.


Thôi, tới giờ xem bóng đá, trận đấu giữa một nước giàu nhất thế giới và một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Dude, where's my country?

29 comments:

  1. Chia sẻ, và cảm ơn bạn, vì tớ đã tìm thấy rất nhiều sự đồng cảm và suy nghĩ khi đọc entry này của bạn, giống như có người gọi tên được những băn khoăn của mình trước quyết định ở lại học tiếp, hay trở về, giữa việc chọn lựa được ở "good country" và "not-good-but-my country".

    Tớ cũng cùng suy nghĩ với bạn về "nơi ở trọ mà mình sẽ ở tới hết đời", và tớ thích câu "Where’s your city? Where’s your country? Are you Chinese? No, Japanese?". Có lẽ ai đi học xa, ở xứ lạ cũng có cảm giác ấy. Những khi đó mới nghĩ, ở nhà mình vẫn là nơi duy nhất mà khi gặp mọi người, không ai phải đoán đi đoán lại (và thường là không đoán đúng) quốc tịch của mình.

    Giờ chắc bạn đã trở về Hà Nội xô bồ và nóng nực, lộn xộn nhiều cáu kỉnh, ngột ngạt nhiều bế tắc. Nhưng đó vẫn là nhà, nhỉ.

    Tớ đọc entry này của bạn vào buổi sáng, và cảm ơn bạn vì điều đó thật sự dễ chịu.

    Giờ chuẩn bị đi xem trận đấu giữa hai đội bóng giàu ngang ngửa nhau ở châu Âu, nhưng có lẽ sẽ thù hằn nhau vĩnh viễn trên sân cỏ :)

    ReplyDelete
  2. Thỉnh thoảng về sống ở Hà nội 1, 2 tháng thì được. Sống lâu thì mệt mỏi, nhức đầu.

    Chị chẳng hiểu mình thuộc về đâu nữa. Từ khi còn bé, chị đã thấy mình không giống những người Việt khác. Như thể sinh ra đã là một sự sai lầm.

    Nếu chỉ mệt mỏi với môi trường sống còn đỡ, chị mệt mỏi với cả cách tư duy của người Việt.

    Có lẽ Linh vào Sài gòn sẽ cảm thấy dễ sống hơn. Vẫn ồn ào, ngột ngạt, không có không gian riêng nhưng con người ít can thiệp vào cuộc sống của người khác hơn.

    ReplyDelete
  3. "Cuộc sống ở nơi khác"... hơi thở bây giờ mong chờ hơi thở kế tiếp... Paris mong New York, Tokyo ước Hong Kong, Hà Nội ngóng Sài Gòn, haizzz, always elsewhere, c'est la vie, huh, Dude?

    ReplyDelete
  4. Khó có câu trả lời chung. Khó có câu trả lời hoàn hảo. Suy nghĩ ngày hôm nay có thể khác những suy nghĩ trong tương lai. Có người luôn đặt câu hỏi như L, có người không bao giờ thấy cần/ phải đặt câu hỏi như L. Và liệu có nhất thiết cứ phải trói mình về 1 nơi nào đó?

    Nhưng tớ nghĩ VN cần những người như L trở về. Be proud.

    ReplyDelete
  5. Có một câu vô danh trong một bài rất sến của Phó Đức Phương, được ca sĩ rất sến Quang Linh ca: "Thiếu quê hương ta về đâu?" tôi thấy "vượt xa" câu thơ nổi tiếng của Đỗ Trung Quân: "Quê hương là chùm khế ngọt".

    Cảm giác không được "về" thật kinh khủng.

    ReplyDelete
  6. đến Sài Gòn đi, bạn sẽ thích ngay mà...
    cách đây vài hôm lang thang trên mạng, nghe thiên hạ kể chuyện cặp vợ chồng nhà văn sau hơn nửa đời người sống ở SG quyết định về Hà Nội, quê hương để sống hết quãng đời còn lại
    và chỉ vài tháng ngắn ngủi thôi 2 ông bà quay lại SG vì Hà Nội ko còn là HN ngày xưa nữa
    Người ở VN thì cảm thấy ngột ngạt, muốn tìm mọi cách thoát ra, người đi rồi thì ngày đêm mong nhớ trở về

    ReplyDelete
  7. Em nghĩ con người cũ, con người tuổi trẻ một thời của anh muốn quay về với HN. Nhưng HN bây giờ không còn là HN của ngày xưa nữa. Nhưng let your heart lead your way. Em nghĩ, luôn luôn, trong hơn một lựa chọn, bản thân mình sẽ biết mình nghiêng về cái nào. Em cảm giác thời điểm này anh cũng chưa thoải mái lắm khi về VN :)

    ReplyDelete
  8. Đến một lúc mình chẳng còn phải suy nghĩ về câu hỏi này nữa thì mình sẽ cảm thấy trọn vẹn và hài lòng. Một người quen của tôi, vừa đi Israel thăm họ hàng, quay về, nói là Israel là nơi số 1 trên thế giới. Và hôm sau, anh ta lại tiếp tục nói về chuyện xây cái hàng rào, hockey và bảo hiểm, như chuyến đi Israel chưa bao giờ xảy ra.
    Rất vui là anh Linh lại viết blog tiếp.

    ReplyDelete
  9. Đời nó bẽ bàng, nhiều mộng ước không thành, cho nên phải "tìm quên" bằng những cái bận rộn lẻ tẻ đấy bác ạ! Sau cùng, những trivialities nhạt nhẽo trở thành nếp sống "vinh quang": premature oblivion? Carpe diem!

    ReplyDelete
  10. Thật ra chúng ta chỉ "ở trọ trần gian" mà thôi thì tại sao suốt đời lại cứ loay hoay quoay quắt với trở về? Hà Nội bi chừ đã khác xưa quá nhiều rồi, nói chẳng đâu xa, tôi người Sài Gòn đi Hà Nội hàng năm 2 lần mà mỗi lần lại thấy Hà Nội ngày càng xấu đi, giống như 1 hoa hậu bị hủy hoại khuôn mặt.

    ReplyDelete
  11. Em đọc blog anh Linh từ hồi 360 yahoo, trước khi anh viết những bài mang tính báo chí, bình luận về chính trị, kinh tế... Đọc những bài viết của anh Linh lúc đó thấy chất riêng tư, tâm sự... Chúng gần gũi hơn là những bài viết sau này.

    360 yahoo sụp đổ, thỉnh thoảng vẫn ngó vào blog này. Bẵng đi 1 năm qua, hôm nay mới nghía lại. Tình cờ đọc được bài viết này, đúng là bài viết thuộc dạng em thích của anh Linh ngày trước. :-)

    Theo em thì anh Linh thử tìm đến đạo Phật, có lẽ là Phật giáo Nguyên Thủy thôi, bởi anh đã lăng xăng với cái đầu/tâm trí quá nhiều rồi. Và mọi rắc rối, mâu thuẫn - như anh đã viết trong bài này - chỉ xảy ra với bản ngã của anh thôi. Còn thực tại thì không hề phiền toái, gây khó chịu chút nào, cho ai ngoại trừ với bản ngã. Và cũng chẳng có mảnh đất trên trái đất này có thể làm bản ngã của anh hài lòng cả. Trừ khi anh phá bỏ bản ngã của mình. Vô ngã vô ưu mà anh :-)

    Nếu có dịp vào Sài Gòn, em khuyên anh nên đến chơi tổ đình Bửu Long và hỏi chuyện HT Viên Minh, một bậc thầy chứng ngộ. Hoặc anh thử đọc và nghe một số sách của thầy ở đây http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=library&function=viewall

    Chúc anh Linh sớm tìm được hạnh phúc đích thực.

    ReplyDelete
  12. Chào bạn Linh, lâu lắm mới tìm lại được cái blog của bạn để đọc những điều đáng suy ngẫm. Có còn nhớ bạn Kim không ? Đổi máy tính mấy lần nên cũng mất luôn link :-(

    Từ hồi 360 Yahoo tan hoang, bạn Kim cũng hông có cái nhà nào đàng hoàng, nói cho có cái đổi thừa, từ hồi bạn Kim về lại VN không thấy còn hứng thú viết nữa.

    Ừ, VN là nơi we belong, nhưng thật ra có nhiều cách để belong, không nhất thiết phải cứ ở đó mới belong được. Đôi khi gần quá lại sinh ra hiềm khích và không còn tình cảm tốt đẹp nữa...

    Điều mà Kim luôn tâm niệm là khi mình nói chuyện với người nước ngoài, mình đại diện cho mình, cho gia đình mình và cho cả dân tộc mình. Kim luôn muốn nghe câu " good girl, well educated and Vietnamese".

    All in all, "người ta chỉ hối tiếc vì cái mình chưa làm", in the long term là vậy đó.

    ReplyDelete
  13. nếu "my country" không phải là "good country" thì sao không lấy "good country" làm "my country", như hàng triệu người việt kia "trước đây thuộc thành phần phản quốc nay trở nên thành phần máu thịt cuả VN" :D

    ReplyDelete
  14. Bài viết phản ánh tâm trạng chung của du học sinh Việt Nam. Quyết định "về" hay "ở" quả thật là rất đau đầu, và rồi sẽ khiến cuộc đời bạn rẽ sang một hướng khác. That's life, right? Tuy là khó khăn, nhưng tôi nghĩ sau một thời gian mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy, bạn sẽ lại adapt với cuộc sống ở VN thôi mà.

    ReplyDelete
  15. entry quả thật rất hay , nơi mình đang học mặc dù không phải là tốt nhất nhưng khi nào đó so sánh với Hà Nội ,thì quả thật nó cũng tốt hơn cả về ý thức con người và điều kiện cuộc sống .Bạn có nghĩ để quên cả một đống đồ có cả những thứ rất quan trọng lại có thể dễ dàng nhận lại khi ở VN không ,?? có lẽ là khá khó ,..và còn rất rất nhiều nữa về môi trường học ,làm việc đều rất khác ,,những du học sinh như mình ,luôn nhận được câu hỏi học xong bạn sẽ về hay ở đó ..và tôi luôn đáp rằng tôi sẽ về vì đơn giản đó là { my country }..và không thể nào tách rời nơi này được ..

    ReplyDelete
  16. Mình thì hỏng bét rồi, tuy không bị mắc bệnh "xa lạ" với bất cứ nơi nào (trên đất nước nào) mình sống nhưng lại bị bệnh "bên lề", ngay cả ở Việt Nam. Chắc chẳng bao giờ mình có thể có lại cảm giác nguyên vẹn như xưa. Làm người tình phản bội rồi thì cứ cắm đầu mà đi tiếp cho đến hết kiếp thôi :)

    ReplyDelete
  17. Hay quá bạn ạ. Mình là fan của bạn từ thời 360, trong thời gian ở nước ngoài, blog của bạn đã là món ăn tinh thần quan trọng cho mình. Lâu rồi mới được đọc bài của bạn. Hình như blogger nào về VN cũng ít viết hơn trước. Đúng là thật khó cho người VN nói chung và người HN nói riêng khi lựa chọn giữa đi và ở. Như Hertha Muleer (Nobel văn học 2009)đã nói: “Quê hương là thứ người ta không chịu đựng nổi mà cũng không dứt bỏ nổi.” Nhưng chúng ta ai cũng bị cầm tù trong thế giới riêng của mình! Dù bạn lựa chọn định cư nơi đâu cũng đừng để khô cạn nguồn cảm hứng của mình nhé!

    ReplyDelete
  18. Kỳ lạ .. em cũng đang đọc All the pretty Horses .. mà chưa xong

    ReplyDelete
  19. Hà Nội ơi ! Thời gian vừa điểm Ngàn Năm …
    =================================

    Thân tặng Nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn – một Người Hà Nội khả kính …

    Hà Nội ơi ! Phố cũ Quê xưa !

    Phố đau khoản chi phí khổng lồ !

    Kỷ niệm Ngàn Năm …

    Thăng Long đâu cần thế !

    Pháo bông pháo hoa làm chi ?

    Cuộc diễu binh duyệt binh lớn thế làm gì ? !

    Lương Dân còn gian khổ

    Tiên phung phí lập trường học nhà thương

    Đặt tên Quốc Sư Vạn Hạnh hay Minh Quân Lý Công Uẩn

    Múa may quay cuồng như ngợm làm gì !

    Xích xe tăng rộn như vó câu ngòai biên ải Bắc

    Ải Nam Quan – Thác Bản Giốc còn đâu ?

    Tầu ngầm như bầy cá mập ngoài Biển Đông kia !

    Cờ Tàu cộng cắm sâu đáy biển !

    Pháo bông pháo hoa làm chi ?

    Cuộc diễu binh duyệt binh lớn thế làm gì ? !

    Lương Dân còn gian khổ

    Tiên phung phí lập trường học nhà thương

    Đặt tên Quốc Sư Vạn Hạnh hay Minh Quân Lý Công Uẩn

    Múa may quay cuồng hàng vạn người như ngợm làm gì !

    Trang phục tòan hàng Trung Quốc

    Sắc màu Trung quốc đang ngập tràn Tổ Quốc Đất Mẹ

    Thăng Long – Hà Nội ơi !

    Đã thoát Bắc thuộc từng bao Thế kỷ rồi !

    Tự buông cổ vào tròng xích xiềng sao ? ? ?

    Chưa bao giờ văn hoá Việt lệ thuộc Tàu như bây giờ

    Quan tham quan đỏ moi tiền thuế dân 1.001 cách !

    Chỉ cần gắn vào thương hiệu ” Ngàn Năm Thăng Long – Hà Nội”

    Càng hoành tráng càng xóay moi nhiều tiền

    Tiền chùa cho cái chuyện trên trời dưới biển

    Của các anh Tư Sang – Sáu Triết – Ba Dũng

    Dân không được bàn – dân cũng không được kiểm tra… !

    Hà Nội khắp nơi rực đỏ mầu cờ máu !

    Như Bắc Kinh đang đỏ rực mầu cờ máu mừng Quốc Khánh MAO

    Thăng Long – Hà Nội ơi !

    Hãy chân tình Người Hà Nội cùng Tòan Dân cùng nhau

    Tự lột xác mình !

    Tự dời đô trong mỗi Khối óc Trái tim mỗi riêng mình

    Tự dời đô Tâm hồn ta về chính mình chính ta

    Đừng để tự tha hóa vong thân

    Thăng Long – Hà Nội ơi !

    Thắp nén nhan hương cho hàng triệu Người Hà Nội

    Đã ngã mình quyết tử trong suốt Ngàn năm cho Hà Nội Bất diệt

    Thăng Long – Hà Nội ơi !

    Ngàn năm tuổi !

    Ngàn năm mãi mãi trong tôi !

    Nguyễn Hữu Viện

    ReplyDelete
  20. Bài viết sâu sắc, đúng với tâm trạng những ai đã từng sống một thời gian dài ở nước ngoài và đang phân vân chọn lựa sẽ sống ở đâu cho quãng đời còn lại.

    Riêng tôi, có thể vắn tắt thế này:
    - việt Nam nói chung (hay Hà Nội nói riêng) dành cho những ai mà ... khi người ta vẫn còn trẻ.
    - Nước ngoài nói chung (hay nơi có không gian yên tĩnh nói riêng) dành cho những ai mà... khi người ta không còn trẻ.

    Với một tuổi đời nhất định, liệu chúng ta có thể chịu đựng được lâu sự náo nhiệt, ồn ào, ngột ngạt, tranh đua xô bồ xô bộn của xã hội đó không? Nơi mà không thể tìm thấy chút thời gian để suy tư, ngẫm nghĩ và ... viết.

    ReplyDelete
  21. Mình rất thik bài viết này của bạn.
    Là một ng sinh ra và lớn lên ở HN, mình thấy HN thay đổi từng ngày với tốc độ thật chóng mặt.
    Ngày bé đi học bằng xe đạp, đường rất vắng, và ko khí rất trong lành. Bây h thì ngc lại, chẳng dám ra đường vì quá đông đúc, quá chật chội, giờ nào cũng là giờ cao điểm, khói bụi mù mịt đến nghẹt thở T.T

    ReplyDelete
  22. bài viết hay và xúc tích quá, mình xin +rep cho bạn.

    ReplyDelete
  23. Mình sống xa Hà Nội 10 năm, nhớ gia đình chứ chưa bao giờ nhớ HN. Quyết định không trở về sau khi đi du học đã được định từ khi mình nhận được thông báo học bổng. Ngày nhận được tin, mình còn nhớ là mình gào lên sung sướng, thế là được thoát khỏi hình chữ S, sẽ không phải hàng ngày đến Ngân hàng ngoại thương làm một công việc buồn tẻ.

    10 năm kể từ khi xa Hà Nội là 10 năm mình có cơ hội đến rất nhiều nước trên thế giới. Gần đây nhất, tuần trước thôi mình vừa tới Hàn Quốc, lang thang trong bảo tàng chiến tranh của họmà thấy thật khâm phục. Cũng là chiến tranh, cũng là xây dựng lại từ đống đổ nát nhưng nhìn Hà Nội mà so sánh với Seoul thì đúng là cống rãnh sánh đại dương. Mình tự nói với mình " it matters which side won.

    ReplyDelete
  24. khổ nhất vẫn là người nông dân , cái gì cũng tăng


    lioa
    on ap
    sua lioa
    sua on ap

    ReplyDelete
  25. Very helpful blog. Thanks for sharing. Astral City Binh Duong apartment project The project is positioned as a symbol of the pinnacle position in Binh Duong, see more astral city
    astral city bình dương
    astral city phát đạt
    căn hộ astral city bình dương
    astral city thuận an
    du an astral city
    dang realtor

    ReplyDelete