Thursday, April 30, 2009

Phản kiến nghị bauxite


Bạn nghĩ thế nào về một thông cáo báo chí mà người soạn thảo thậm chí không dám ký tên nhưng lại gọi bản kiến nghị của 135 người vời đầy đủ họ tên, cơ quan công tác là “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”. Trong số 135 người ký tên đấy đếm sơ sơ cũng có gần 50 người là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ, hàng chục người là nhà văn, nhà báo hay nghệ sĩ, có cả những tên tuổi được coi là rực rỡ trong khoa học Việt Nam hiện đại như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Quang Riệu, Phạm Xuân Yêm, Ngô Bảo Châu, Trịnh Xuân Thuận…

Nhưng trong mắt của kẻ giấu tên ở Bộ Công thương thì những trí thức này chẳng có milligram giá trị nào, và những ý kiến phản biện xã hội của họ “rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”, “hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”.

Có bao nhiêu cái mũ có thể chụp, Bộ Công thương đã đem chụp hết vào đầu các trí thức này, chắc là để chuẩn bị cho mai kia nếu có cái tròng nào cần quăng vào cổ họ thì sẽ đem ra quăng nốt. Bộ này còn sử dụng thế lực của mình để làm một cuộc truyên truyền trên mặt trận báo chí. Cụ thể, Bộ Công thương đề đạt : “rất mong các đ/c lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi tới công chúng”.

Với “đề đạt” này của Bộ Công thương, người ta có thể trông đợi sẽ có một trận mưa sa bão táp cuộc tổng tiến công vào giới trí thức mà cường độ và mức độ có thể không kém trận chiến truyền thông chống cha Kiệt ngày nào (mà một trong những người lĩnh xướng chính là Phó Tổng GĐ Đài truyền hình Việt Nam*). Nhất là khi Bộ Công thương đã có “nhời” nhờ giúp đỡ với Bộ 4T của anh Hợp, anh Doãn. Tất nhiên, những lời đề nghị giúp đỡ thực sự với các lãnh đạo báo chí, nếu có thì hẳn đã phải được đưa ra sớm hơn thời điểm Bộ Công thương phát thông cáo báo chí của mình cho 300 nhà báo vào ngày 28/4.

Nếu đọc một số tờ báo trong mấy ngày này, người ta đã thấy gió có phần chuyển hướng. Điển hình nhất là bài trên báo Nhân Dân mà anh Huy Đức đã phân tích hết sức chính xác và tỉ mỉ và cũng đoán được có mùi bàn tay can thiệp của nhóm lợi ích nào đó trong đấy. Có thể kể thêm bài trên Lao Động của Hà Văn Thịnh.

Ngay trên Tuần Việt Nam- tờ báo trực thuộc Bộ 4T-từ xưa tới nay vẫn thoải mái đăng các bài phản biện chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì ngày 26/4 cũng vội vàng đăng bài của một “bạn đọc” có tên Thái Nam giảng dạy về cách phản biện xã hội “Phản biện phải khách quan, mang tính khoa học và xây dựng, không được lồng vào tham vọng cá nhân hay động cơ chính trị, nói năng như thế là có dụng ý tát nước theo mưa, không phải là phản biện. Có thể nói, sự kích động quá lộ liễu như thế tự nó bóc trần mục đích và động cơ cá nhân của những người "tát nước theo mưa".

Ba ngày sau đó, cũng trên Tuần Việt Nam, TS. Phạm Gia Minh (người từng đòi đổi tên Hà Nội thành Thăng Long khi Hà Nội nhập Hà Tây trước đây) viết một bài mang tinh thần hà văn thịnh. Bài TS. Phạm Gia Minh khéo léo hơn bài của giảng viên Hà Văn Thịnh ở chỗ không phải tán vuốt kết luận Bộ Chính trị như ông Thịnh mà trích dẫn Tây Tàu loằng ngoằng Ngụy Trưng, Thái Tông đủ kiểu nhưng vẫn rút lại ở một lập luận có tính răn đe: “Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả.

Hiểu nôm na thì đây là lời răn của Chúa mà có lẽ ông Minh hay ông Thịnh chỉ là những người đoán trước ý. Các ông cũng là những người “thức thời” nên đã nhanh chóng tìm cách khẳng định rằng phản biện như các ông mới là phản biện xịn, là “hiến kế” cho Đảng, là hiền thần Ngụy Trưng hiến kế cho minh quân Thái Tông, chứ phản biện như mấy thằng cha kia là phản biện đểu, là luận điệu “thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí”. Túm lại, chúng nó không phải là “lương thần” như các ông. Vẫn là cái tư duy bẩm cụ, cụ cho con xin miếng thịt.

Trở lại với bài viết của Bộ Công thương, kể ra dù sao nếu so sánh giữa Xuân Quang trên Nhân Dân, Hà Văn Thịnh trên Lao Động với kẻ không dám ký tên ở Bộ Công thương thì có thể có những quan sát thú vị. Xuân Quang là bồi bút đích thực rồi, không có gì để nói. Có lẽ Xuân Quang cũng là một bút danh ít được dùng đến (có lẽ chỉ dùng đến khi làm chuyện ám muội đáng xấu hổ) nên xem ra giới nhà báo cũng ít người biết thực ra đó là ai. Có thể coi Xuân Quang là một tay lính đánh thuê, một Chí Phèo làng báo. Hà Văn Thịnh là kẻ giữa dòng, ngoái sáng trái, nhìn sang phải, vừa muốn là trí thức nói những điều mình muốn nói, vừa muốn được Đảng tin dùng (chú ý cách ông đối lập “những người trung thực” với Đảng và ông tự đặt mình vào thế ở giữa, bị cả hai bên ghét bỏ). Nhưng ông Thịnh dù sao cũng còn dám chịu trách nhiệm cá nhân khi ký tên thật mình vào bài trên báo Lao Động. Nghĩa là dù sao ông vẫn còn chút liêm sỉ của một kẻ tự biết là mình hèn. Còn cái công văn của Bộ Công thương chửi 135 trí thức là lũ bịa đặt, kích động và đề nghị Bộ 4T vào cuộc tuyên truyền thì thậm chí người chịu trách nhiệm công văn này còn không dám ký tên mình (cho dù văn bản đó được một ông Thứ trưởng Bộ Công thương đọc trong cuộc họp báo). Đó là cái dũng, cái liêm, cái sỉ của kẻ làm quan ở nước ta? Chửi người khác thì rất hăng nhưng không dám lưu tên mình cho thiên hạ soi vào.

Và lời đề nghị của Bộ Công thương nhờ các lãnh đạo báo “chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng” xem ra vấp phải sự thờ ơ của hầu hết các báo. Đa số các báo tuy không dám đưa tin về kiến nghị của 135 nhà khoa học và nhà hoạt động văn hóa-xã hội nhưng cũng tự biết thẹn không (hay chưa) dám tham gia chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Bộ Công thương, chống những kẻ “tiểu khí” này.

Tất nhiên nếu bao giờ Ban Tuyên giáo và Bộ 4T dứt khoát xuống tay thì lúc đó lại là việc khác. Nhưng với kết luận khá dè dặt, ôn hòa và xoa dịu của Bộ Chính trị thì cú phản đòn của Bộ Công thương xem ra có phần quá tay và lố lăng, thậm chí là phản tác dụng, gây thêm phẫn nộ trong dư luận. Trừ bọn làm nghề đĩ bằng bút hay bọn chuyên ngửi rắm thiên hạ để đoán hướng gió thì không nói.

Ở một khía cạnh khác, tôi nghĩ chính quyền nên xử lý vụ này trên tinh thần cầu thị và tiếp thu thay vì tìm cách khích động chiến dịch đấu tố chống bọn trí thức lầm đường lạc lối, kích động dư luận, tiếp tay cho các tổ chức phản động. Khi xưa Hiến chương 77 cũng chỉ từ 200 công dân Tiệp Khắc ký tên phản đối chính quyền Tiệp Khắc bắt giam một ban nhạc Rock để rồi phát triển thành một phong trào dân quyền có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội.

*Nhà bình luận Hà Văn Thịnh của báo Lao Động cũng từng góp phần mình trong chiến dịch đó với bài viết "Đáng rủa sả thay" mắng TGM Kiệt.

Wednesday, April 29, 2009

Hươu hay ngựa


Trong Sử ký có chép chuyện Triệu Cao muốn lật đổ Tần Nhị Thế, mới làm phép thử trước triều đình. Cao mang con hươu dâng Nhị Thế, nói đó là con ngựa. Nhị Thế ngạc nhiên bảo đây là hươu chứ đâu phải ngựa. Cao bèn đem hỏi triều thần, kẻ nói hươu, người nói ngựa. Sau đó Cao âm thầm tìm cớ giết hết những người nào nói hươu là hươu. Sử ký không viết rõ có ông quan nào ban đầu bảo là hươu, sau đó kịp phân trần là ngựa không; cũng không nói rõ những ông quan kịp thời "hối cải" đấy (nếu có) liệu có được Triệu Cao tha chết không?

Đó là chuyện xưa. Còn đây là bài trần tình (ngày 28/4) của cây bút bình luận (columnist) Hà Văn Thịnh của báo Lao Động gửi những người từng cùng ký tên với ông để phản đối việc khai thác bauxite. Nội dung thư này nhằm giải bày sự việc ông viết hai bài trên báo Lao Động về bauxite có tinh thần trái ngược hẳn nhau vào ngày 19/1 và ngày 27/4. Ông Thịnh này hình như là Giảng viên khoa Sử Đại học Huế. Đọc cứ như hề.


"Tôi như một kẻ tội đồ. Đảng không tin tôi. Những người chính trực trên đất nước này cũng thế. Có thể, "cách đi" của nghề báo nhọc nhằn, đau đớn đã làm cho tôi không biết cách né tránh hay dùng bút danh. Nhưng đó là số phận. Tôi chấp nhận. Tôi đã lường trước chuyện này lúc toà báo yêu cầu tôi viết khi tôi mới thấy tên mình trong danh sách [ký tên phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên] trước đó vài giờ"

Vài dòng đấm ngực khác của ông. Muốn kéo cả nhân loại xuống bùn để không phải chịu trách nhiệm cá nhân, ông cho rằng toàn giới nhà giáo (dạy KHXH nhân văn) đều nói dối như ông, toàn giới ăn lương đều từng làm bồi bút như ông.

Trên tư cách nhà giáo: "Không có một nhà giáo dạy KHXH nhân văn nào không nói dối để, nhận lương!"

Trên tư cách người viết báo: "Nói là bồi bút cũng phải, không sai đâu. Thế nhưng, cần phải lật ngược vấn đề rằng có ai ăn lương hiện nay mà đã không từng một lần “bồi bút”?"

Và ông thắc mắc với những người phản đối sự tráo trở, bất nhất của ông trong hai bài viết trước và sau khi có kết luận của Bộ Chính trị "Hơn nữa, tại sao quý vị không đánh thẳng vào các VIP đi mà lại cứ nhè vào một kẻ phải viết báo để kiếm sống, để mong mỏi chút thay đổi nhạt mờ...? "

Hiện tượng Hà Văn Thịnh thực ra trước đây không hiếm, kể cả ở các nhà văn, các nhà trí thức lớn trong thời Đảng kìm chặt văn nghệ và trí thức bằng cái gậy và củ cà rốt (hay có thể dùng hình ảnh khác, cái cần câu cá trộm của Phùng Quán và cái bánh vẽ của Chế Lan Viên). Nhưng đến thế kỷ 21 mà vẫn có người viết không biết thẹn như thế trên báo chí, lại dám công khai tên tuổi, nghề nghiệp mình, kể cũng là chuyện hiếm (trừ khi ông Thịnh cũng có động cơ gây xì căng đan để nổi tiếng kiểu Phí Thanh Vân "từng đau đớn vì Xuân Lan".)

Trong bài ngày 19/1
ông Thịnh viết:
"Có tài nguyên thiên nhiên là tốt, cần lắm. Nhưng, có những đất nước không có tài nguyên vẫn giàu có như thường - bài học từ Nhật Bản là một dẫn chứng điển hình. Nếu chúng ta cứ vắt thật nhanh, bòn thật nhiều "của để dành" cho con cháu, thì mai này lịch sử sẽ ra sao? "

Trong bài ngày 27/4, ông viết:

"Việt Nam là nước có trữ lượng quặng bauxite đứng thứ ba thế giới, ước tính khoảng 3 tỉ tấn. Khai thác một phần tài nguyên đó để đáp ứng nhu cầu phát triển và xuất khẩu là điều cần thiết. Nhất là khi nền kinh tế nước ta còn lạc hậu, thiếu vốn, thì sử dụng đúng nguồn tài nguyên là lợi ích thiết thực của cả dân tộc. "

Trong bài ngày 19/1, ông nhắc về trách nhiệm của người đi trước, về những cảnh báo của các nhà trí thức:

"Trách nhiệm của người đi trước luôn phải là đủ khả năng, tầm nhìn, hiểu biết để lượng định mọi hậu quả có thể xảy ra. Rất nhiều nhà khoa học, kinh tế học đã cảnh báo, có nghĩa là chúng ta đã biết; vậy thì, tại sao nơi này, nơi kia vẫn tiếp tục làm điều sẽ gây nguy hại đến cuộc sống của thế hệ sau?"

Trong bài 27/4, ông lớn tiếng vạch ra nguy cơ "diễn biến hòa bình":

"Một số phần tử muốn chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta, đã mưu toan lợi dụng, tung những tin đồn thất thiệt, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc hòng "diễn biến hoà bình" để phá vỡ sự ổn định của chúng ta."

Thậm chí, ông còn đứng ra thay mặt cho ai đó để dọa dẫm những người "xuyên tạc, chống phá" trong giới trí thức: "Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến trí thức, nhưng không có nghĩa bỏ qua việc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá."

(Và trong bài trần tình thì ông lại kể "Chính quyền cho tôi vào sổ đen, còn người trung nghĩa gạt tên mình ra. Đời thật là bi kịch. Nhưng, tôi đã bị nhiều lần như thế, quen rồi. Không sao đâu." Lạ nhỉ, ông làm gì mà để Đảng không "bỏ qua" cho ông để rồi lại phải phân trần với những người vừa bị ông dọa dẫm trên báo?)

Trong bài 19/1 ông cho rằng "Dù muốn hay không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận rằng chưa bao giờ tài nguyên của đất nước bị khai thác một cách vội vã đến như thế và, chưa đủ tinh thần trách nhiệm đến như thế."

Trong bài 27/4, ông khẳng định "chủ trương khai thác bauxite có từ Đại hội IX, có nghĩa là đã rất lâu và đã được cân nhắc, suy xét kỹ càng."

Vậy rút cục là chủ trương này "vội vã, chưa đủ tinh thần trách nhiệm" hay "được cân nhắc, suy xét kỹ càng"?

Trong bài 19/1, ông Thịnh khẳng định vấn đề bauxite không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề môi trường: "Không thể không khai thác nguồn tài nguyên quý giá, nhưng cũng không thể bất chấp hiểm hoạ môi trường và rất nhiều hệ lụy... Không thể vì lợi ích thu được tiền từ khai thác khoáng sản mà lại làm thiệt hại nghiêm trọng đến môi sinh của hàng triệu người. "

Nhưng trong bài 27/4, ông lại coi đó chỉ là vấn đề kinh tế và hoàn toàn không nhắc tới nguy cơ môi trường nữa: "Đa số người dân không hiểu tường tận sự thật của vấn đề nên dễ bị lợi dụng và bị kích động, đưa một chuyện riêng về kinh tế thành "nguy cơ" về chính trị, an ninh."

Trong khi đó, chính kết luận của Bộ Chính trị cũng còn khẳng định tới các khía cạnh an ninh, quốc phòng của khu vực Tây Nguyên: "
Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa."

Trong bài 27/4, ông hết lời ca ngợi Bộ Chính trị nào là có chủ trương từ lâu, cân nhắc suy xét kỹ càng, nào là biết tiếp thu ý kiến người dân, nào là có tầm nhìn xa một cách rõ ràng. Thế nhưng trong bài trần tình với những người cùng ký tên vào đơn phản đối việc khai thác bauxite, ông lại viết như thể xoa đầu Bộ Chính trị "Lời để kết thúc, tôi muốn nói rằng BCT đã ra thông báo như thế là đã biết sai rồi"

Vậy là "chủ trương đúng đắn" của BCT là đúng hay là sai đây? Hay ông Thịnh là người có biệt tài ngửi gió? Còn "thơm" hay "thối" thì là tùy hướng gió?

Xem ra ông Thịnh có thể có chữ "sĩ" nhưng ắt là không có chữ "sỉ". Hà Văn Thịnh hay Hà Phù Thịnh?

"Chiến tranh là Hòa Bình
Tự do là Nô lệ
Ngu dốt là Sức mạnh"
(Orwell)

Còn có mấy ai được như Phùng Quán:

"Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ"


Thế kỷ 16, chàng Hamlet của Shakespeare than thở "To be or not to be, that is the question."

Thế kỷ 21, chàng Hamlet Hà Văn Thịnh ở xứ Việt cũng gặp phải vấn đề không kém phần hệ trọng: "Là hươu hay không phải là hươu, đó chính là vấn đề.".

Monday, April 27, 2009

Biến đổi khí hậu và tác động tới Đông Nam Á



Nguồn: ADB

Truy tìm căn nguyên tăng trưởng



Sách mới, do Alpha Books phát hành. Tác giả là William Easterly, một nhà kinh tế học nổi tiếng với quan điểm mang tính phê phán đối với các "liều thuốc" phát triển kinh tế được giới học thuật cũng như các tổ chức quốc tế như WB, IMF áp dụng trong mấy chục năm qua.
Tham gia dịch cuốn sách chủ yếu là các nghiên cứu sinh (vào thời điểm dịch) ở các trường Đại học Mỹ như Harvard, New York, Princeton, Minnesota... Người tổ chức dịch là Đỗ Quốc Anh, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Harvard năm 2008 (hình như là du học sinh Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Ph.D. ngành Kinh tế học ở Harvard từ sau năm 1975) và hiện là phó giáo sư (assistant professor) ở trường Singapore Management University. Lời giới thiệu cuốn sách do TS. Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện kinh tế học viết.

Đọc trích đoạn cuốn sách ở đây.

Thơ Tagore

If you would have it so,
I will end my singing.
If it sets your heart aflutter,
I will take away my eyes from your face.
If it suddenly startles you in your walk,
I will step aside and take another path.
If it confuses you in your flower-weaving,
I will shun your lonely garden.
If it makes the water wanton and wild,
I will not row my boat by your bank.

Nếu em muốn
Anh sẽ ngừng bài hát của anh

Nếu điều đó khiến trái tim em rộn nhịp
Đôi mắt anh sẽ tránh nhìn mặt em

Nếu điều đó khiến bước chân em thảng thốt
Anh sẽ đứng sang bên, chọn đường khác cho mình.

Nếu trong vườn hoa, nó làm em bối rối
Anh sẽ rời xa khu vườn cô độc của em

Nếu vì nó mà mặt nước kia trào lên hoang dại
Anh sẽ không chèo thuyền mình bên cạnh bến bờ em


***

Love, my heart longs day and night for the meeting with you
-for the meeting that is all-devouring death.
Sweep me away like a storm; take everything I have;
break open my sleep and plunder my dreams. Rob me of my world.
In that devastation, in the utter nakedness of spirit, let us become one in beauty.
Alas for my vain desire! Where is this hope for union except in thee, my God?


Tình yêu ơi, trái tim anh ngày đêm mong gặp em
Bởi cuộc hẹn hò chính là cái chêt
Nó sẽ cuốn phăng anh như một trận bão, lấy đi tất cả mọi thứ của anh
Đập vỡ giấc ngủ anh, cướp đoạt giấc mơ anh.
Lấy đi của anh thế giới.
Trong nỗi tuyệt vọng đó, trong tinh thần trần trụi vô cùng
Chúng ta hãy trở thành một, trong cái Đẹp vô ngần.
Ôi, nhưng ta mới hão huyền sao!
Còn có hy vọng nào cho sự hòa thành một, trừ với người, Thượng đế của tôi.

***

Peace, my heart, let the time for the parting be sweet.
Let it not be a death but completeness.
Let love melt into memory and pain into songs.
Let the flight through the sky end in the folding of the wings over the nest.
Let the last touch of your hands be gentle like the flower of the night.
Stand still, O Beautiful End, for a moment, and say your last words in silence.
I bow to you and hold up my lamp to light you on your way.



Bình yên, hỡi trái tim, hãy để phút chia tay thật ngọt ngào
Để nó không phải là cái chết mà là hoàn tất
Để tình yêu tan vào ký ức, để nỗi đau hòa trong bài hát.
Để chuyến bay vượt bầu trời kết thúc
bằng đường chao lượn của cánh chim bay trên tổ.
Để làn hơi cuối cùng từ bàn tay em
dịu dàng như hoa của đêm.
Hãy đứng yên, hỡi Vẻ Đẹp Vô Cùng, dù chỉ trong khoảnh khắc,
nói lời cuối của mình trong im lặng.
Anh cúi đầu trước em
và giương cao ngọn đèn soi đường em bước.


***
Then finish the last song and let us leave.
Forget this night when the night is no more.
Whom do I try to clasp in my arms? Dreams can never be made captive.
My eager hands press emptiness to my heart and it bruises my heart.

Hãy kết thúc bài hát cuối cùng, rồi mình ra đi
Hãy quên đêm đi khi đêm đã xa.
Tôi gắng ôm ai trong hai cánh tay này?
Chẳng có ai giữ được giấc mơ.
Đôi cánh tay tôi khát khao ôm trống rỗng, nhấn nó vào tim mình
và nó khiến tim đau.

***
I have plucked your flower, O world!
I pressed it to my heart and the thorn pricked.
When the day waned and it darkened, I found that
the flower had faded, but the pain remained.

More flowers will come to you with perfume and pride, O world!
But my time for flower-gathering is over, and through the dark night
I have not my rose, only the pain remains.

Tôi đã hái đóa hoa của người, ôi cuộc đời!
Tôi ôm nó vào tim và gai đâm tôi.
Khi ngày nhạt dần và đêm đến,
Bông hoa cũng héo tàn, chỉ còn lại nỗi đau.

Còn nhiều hoa sẽ đến với người, ngát thơm và kiêu hãnh, ôi cuộc đời!
Nhưng thời khắc hái hoa của tôi qua rồi
Và trong đêm đen, không còn nữa hoa hồng
Chỉ nỗi đau ở lại cùng tôi.

***
Do not keep to yourself the secret of your heart, my friend!
Say it to me, only to me in secret.
You who smile so gently, softly whisper, my heart will hear it, not my ears.

The night is deep, the house is silent, the birds' nests are shrouded with sleep.
Speak to me through hesitating tears, through faltering smiles,
through sweet shame and pain, the secret of your heart!

Đừng giữ bí mật trái tim em, người bạn của anh!
Hãy nói với anh, chỉ với riêng anh điều bí mật
Em, người con gái với nụ cười dịu dàng đến vậy
Hãy thầm thì khe khẽ
Và trái tim anh sẽ lắng nghe, chẳng phải đôi tai.

Đêm sâu rồi, căn nhà im lặng, và giấc ngủ bao phủ những tổ chim
Hãy nói với anh, bằng những giọt nước mắt ngại ngần,
Bằng nụ cười ngập ngừng, bằng nỗi đớn đau và niềm hổ thẹn ngọt ngào
Hãy nói với anh bí mật trái tim em.

Hải quân Việt Nam

Theo tin VNNStrait Times, Nga sẽ đóng 6 tàu ngầm cho Việt Nam với chi phí lên tới 1,8 tỷ USD.
Cách đây mấy ngày, phái đoàn quân sự gồm 14 sĩ quan của quân chủng Hải quân và Không quân Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ.
Xem ra trước cái thế lấn lướt hùng hổ của hải quân Tàu trên biển Đông, quân đội Việt Nam
đang nỗ lực đầu tư nâng cấp hải quân, và thúc đẩy hợp tác quân sự với Nga, Mỹ.
Mong sao cái cảnh mấy trăm chiến sĩ hải quân Việt Nam phơi mình trần ra cho pháo Tàu giã vào mà không có khả năng chống chọi gì như trận "hải chiến" cách đây 20 năm sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Sunday, April 26, 2009

Trồng cao su ở Bình Dương

Bài viết của Huy Đức trên SGTT là một sự việc khá lạ lùng.

Lạ lùng là ở chỗ bài này lại lên báo được. Mặc dù bài viết có vẻ "khen" chính quyền địa phương huyện Bến Cát đã mạnh tay, dám cưỡng chế cả đất của anh Hai, chị Hai đương kim Thủ tướng nhưng có lẽ nội dung bài này không dừng ở chỗ đấy.

Đọc bài viết này, người ta có thể suy ra nhiều điều (đúng hay sai). Tại sao người nhà Thủ tướng lại dính vào một vụ làm ăn nhập nhằng như thế? Làm thế nào mà hơn 600 ha đất trồng cao su đã tăng từ giá 50 triệu/ha lên 1 tỷ/ha (giá đền bù)? Tức là số tiền chênh lệch mà các hộ gia đình này trong đó có nhà chị Hai Thủ tướng được nhận đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Bàn tay ai phù phép cho việc số đất này đầu tiên được bán với danh nghĩa vườn cây rồi cuối cùng trở thành bán quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ?

Một câu hỏi nữa là tại sao thanh tra Bình Dương đã kết luận việc cấp sổ đỏ là trái luật pháp mà người ta không có những biện pháp xử lý những người làm trái đó. Cũng không làm rõ xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm pháp luật này, có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ hay cố ý làm trái hay không?

Riêng điều 141 Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 đã có quy định đối với việc vi phạm pháp luật về đất đai của người quản lý.

"Điều 141. Xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. "

Thay vào đó chính quyền chấp nhận sự đã rồi. Và các hộ gia đình kia được nhận 1 tỷ trên mỗi ha, gấp 20 lần giá mua của họ. Trồng cao su mà lãi thế, trách gì toàn thấy người nhà quan chức đi trồng.

Trong bài báo của Huy Đức cũng nêu ý sau: "Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ."

Tôi thấy lập luận trong một số bài báo "gần đây" mà anh Huy Đức dẫn lại là vô lý. Trước hết không có khái niệm Nhà nước chung chung mà phải cụ thể, ví dụ như chính quyền tỉnh Bình Dương. Sự nhập nhằng về khái niệm như thế cũng sẽ dẫn tới nhập nhằng về trách nhiếm. Việc xử lý theo kiểu vì chính quyền tỉnh đã sai nên chính quyền tỉnh không thu hồi sổ đỏ cũng là không hợp lý. Nếu sổ đỏ này được cấp một cách trái pháp luật thì chính quyền cần vô hiệu hóa nó. Những thiệt hại của các hộ gia đình do chính quyền tỉnh Bình Dương gây ra (vì cấp sổ đỏ sai trái) sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh với các hộ (và những thỏa thuận này, cũng như số tiền chính quyền đền bù, cần nêu công khai để chịu sự giám sát của dư luận và báo chí) hoặc qua con đường tòa án (các hộ này có thể kiện chính quyền tỉnh Bình Dương vì làm sai, gây thiệt hại cho họ). Đó là cách giải quyết rõ ràng, minh bạch và cũng sẽ tạo nên một tiền lệ tốt cho việc làm của chính quyền các cấp, bởi chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật với những gì họ làm. Chứ cứ giải quyết kiểu bùng nhùng như hiện nay thì tình trạng chính quyền "bán" đất cho một số đại gia hay người nhà các quan chức một cách bất hợp pháp sẽ còn kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm trước những việc làm sai trái và tham nhũng đó cả.

Một khía cạnh khác từ bài này: phải chăng với việc bài viết này được đăng báo, thế của ông Dũng đang yếu dần? Trước kia, thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về các phi vụ làm ăn của vợ ông K, con ông K, con ông M...nhưng đó đều là các thông tin ngoài luồng, không nằm trong hệ thống báo chí XHCN. Còn trong trường hợp này là những thông tin được đăng tải trên báo chí chính thức về vụ mua bán và chuyển quyền sử dụng đất đai trái pháp luật liên quan tới gia đình chị ruột Thủ tướng!

Ở Anh, Bộ trưởng Nội Vụ Anh từng phải xin lỗi vì liệt kê nhầm mấy bộ phim người lớn do chồng bà xem vào số tiền Internet chính phủ phải thanh toán, với số tiền là 10 bảng Anh. Còn ở Việt Nam, người đọc thở phào (và ngạc nhiên) khi nghe tin cho dù vợ chồng chị ruột Thủ tướng phản đối, "chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào."

Link blog cũ


Link blog cũ của tôi trên Yahoo 360.
Các bài cũ trên Yahoo 360 đã được chuyển sang Blogspot. Link ở đây. Rất cảm ơn bạn Kazenka đã giúp trong việc chuyển bài từ Yahoo 360 sang Blogspot.

Friday, April 24, 2009

Thiếu tướng Lê Văn Cương thực sự nói gì (II)

Tiếp theo post này.
Trích ý kiến về khía cạnh an ninh quốc gia trong tham luận của thiếu tướng Lê Văn Cương.

(Hiện nay kiến nghị bauxite do nhóm Nguyễn Huệ Chi khởi xướng đã thu được 400 chữ ký.

"3. Dự án khai thác, chế biến Bauxite ở Tây Nguyên sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia

Các đe dọa đối với an ninh quốc gia không diễn ra nhanh chóng và dễ nhận thấy như hiệu quả kinh tế và tai biến môi trường. An ninh quốc gia bị suy yếu nghiêm trọng do:

- Một là, dự án không có hiệu quả về kinh tế, thậm chí thua lỗ, từ đó tác động lớn đến chính trị - xã hội của đất nước, dân mất lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước.

- Hai là, thảm họa về môi trường sinh thái sẽ tác động to lớn đến ổn định chính trị- xã hội. Hàng chục triệu người sẽ phải chịu hậu quả nặng nề về môi trường sống mà không thể khắc phục được trong thời gian ngắn.

- Ba là, Trung Quốc vào Tây Nguyên là họ đã có điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện nay Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri - sát biên giới tỉnh Dak Nông với thời gian 99 năm, và Trung Quốc đã làm chủ các dự án kinh tế lớn ở tỉnh A-Ta-Pu - tỉnh cực Nam của Lào, giáp với Việt Nam và Campuchia (tại ngã ba Đông Dương). Đây là hậu họa khôn lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người quyết định cho Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không?"

Và người Trung Quốc gọi đó là hải chiến

Wednesday, April 22, 2009

Suy lạm?

Xem ra có dấu hiệu Việt Nam rơi vào tình trạng stagflation (bác Vũ Quang Việt dịch là suy lạm).
Lạm phát tháng 4 tính theo năm đã lên tới 9,23%. Với tình hình này thì cuối năm, lạm phát 2 con số lgần như là chuyện chắc chắn.

Tuesday, April 21, 2009

Giá trị thực của nghiên cứu khoa học

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6722/index.aspx
Trên Tuần Việt Nam, Giáo sư Văn Như Cương tỏ ý không tán đồng lắm với việc đánh giá năng lực nghiên cứ các nhà khoa học theo các công trình được công bố trên tạp chí, nhất là tạp chí quốc tế. Ông lấy ví dụ GS. Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học tầm cỡ nhưng không có công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành.

"Có thể lấy ví dụ về cố GS Tạ Quang Bửu, một nhà toán học hàng đầu của Việt Nam. Ông là người đọc rộng, biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại, các bài giảng về toán của ông rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe.

Nhưng ông không viết một bài nào để đăng, có thể ông bận nhiều việc quản lý, hoặc có thể ông không thích. Ví dụ đó, dĩ nhiên, là một trường hợp "dị biệt" của một thời kỳ lịch sử."

Nhận định trên của giáo sư Cương xem ra không có cơ sở. GS Tạ Quang Bửu có thể là một người học rộng, hiểu nhiều, uyên bác và thông thái nhưng thực tế không thể xem ông là "nhà toán học hàng đầu của Việt Nam" chỉ vì ông "biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại" hay có những bài giảng "rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe". Một nhà khoa học hàng đầu luôn phải được đánh giá căn cứ vào các công trình nghiên cứu. GS Bửu có thể là một nhà sư phạm tài năng, một nhà quản lý có tài và có tâm nhưng không thể là nhà toán học hàng đầu nếu ông không có đóng góp nghiên cứu gì thực sự xuất sắc cho toán học Việt Nam và thế giới. Trên thực tế, người ta biết tới tài năng của giáo sư Bửu ở vai trò quản lý của ông, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục.

Giáo sư Cương cũng cho rằng ở các trường đại học, với các giáo sư đầu ngành thì nên ưu tiên cho mục đích nghiên cứu hơn là mục đích giảng dạy, ngược lại các giảng viên trẻ thì nên ưu tiên cho giảng dạy hơn là nghiên cứu. Quan điểm này tôi nghĩ cũng sai lầm. Nói chung, ở các nước, những giảng viên trẻ là thành phần năng nổ nhất trong nghiên cứu và các trường đại học lớn thường cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc thu hút những nhân tài mới hoàn thành tiến sĩ về dạy. Trong khoa học, rất nhiều công trình quan trọng cũng do những người trẻ sáng tạo.

Đoạn sau giáo sư Cương cũng viết cũng không hợp lý lắm:

"Nhưng đa số công trình tầm tầm bậc trung thì rất khó, có người khen hay, có người lại cho là không có ý nghĩa gì. Bởi vậy người ta mới nêu ra một tiêu chí có phần gượng ép: Bài đăng ở tạp chí quốc tế thì hay hơn bài ở tạp chí trong nước, đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín thì còn hay hơn nữa. Bài nào được trích dẫn nhiều hơn thì chất lượng hơn…
Đối với hoàn cảnh cụ thể những nước đang phát triển như VN, phải có thêm những tiêu chí đánh giá ý nghĩa thực tiễn to lớn của những đề tài khoa học ứng dụng.
Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về “Mắm tôm và bệnh tả” dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng. "

Nếu như không thể đánh giá được ý nghĩa của các công trình "tầm tầm bậc trung" thì lấy gì làm tiêu chuẩn tốt hơn ngoài các bài đăng tạp chí và các tiêu chí với bài đăng tạp chí như trên. Còn việc đánh giá ý nghĩa thực tiễn của các đề tài ứng dụng thì trước hết, chỉ áp dụng được với các công trình có tính ứng dụng và thứ hai, đánh giá thế nào và ai đánh giá (chẳng nhẽ lại phải thành lập CÁC hội đồng đánh giá ý nghĩa thực tiễn của các đề tài trong nhiều lĩnh vực khác nhau). Cũng nói thêm, tôi nghĩ nghiên cứu "mắm tôm và bệnh tả" hoàn toàn có thể đăng được ở các tạp chí quốc tế nếu như nó có cơ sở và được tiến hành một cách khoa học, có kết quả tốt.

Monday, April 20, 2009

If you are a Vietnamese

If you are a Vietnamese: Money is everything to you, yet you have no sense of finance. You don’t trust anyone, including yourself. So that you lie to everyone, including yourself. You think everyone else is stupid but when it comes to making decision you always want somebody else to do it for you, and if nobody does, you think following the crowd is the safest bet. You don’t believe in God, (state) media is God to you. Modern medicine means side effect and bear bile cures all diseases. You enjoy complaining about everything, but Hochiminh is untouchable.You love your country, but you’d do everything for your children to get out of it.
And when you go to FB and take the inner nationality quiz, most of you become German

(from today20's blog).

Friday, April 17, 2009

Kiến nghị về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên

Bản kiến nghị về ngừng khai thác vụ Bauxite Tây Nguyên. Chỉ trong ba ngày lưu truyền trên một số mailing list, bản kiến nghị này đã thu được 135 chữ ký, trong đó có sự tham gia của nhiều nhà trí thức, nhà hoạt động khoa học- văn hóa có tên tuổi ở trong và ngoài nước. Tiếc là bản kiến nghị chỉ được lưu hành trên các mailing list và chỉ dừng lại trong 3 ngày, nếu không hẳn số người ký tên sẽ còn nhiều hơn nhiều.

Xem danh sách và nội dung kiến nghị ở đây hay ở đây.

(Hình như Diễn Đàn đã bị firewall ở Việt Nam?)

Wednesday, April 15, 2009

Lao động Trung Quốc tại Việt Nam

Báo Tuổi Trẻ lại đưa tin về hàng vạn công nhân Trung Quốc đang có mặt trên các công trường Việt Nam, đa số là không có giấy phép. Hầu hết số này đều làm các công việc phổ thông tức là những lao động hoàn toàn có thể thuê được người Việt.

SGTT có phóng sự về tình hình lao động Trung Quốc tại Tân Rai, Lâm Đồng.

Vấn đề chính yếu là tình trạng lao động trái phép của người Trung Quốc ở Việt Nam. Nói cách khác đó là nhập cư trái phép. Chính phủ Việt Nam đã miễn visa cho khách du lịch Trung Quốc trong khi Trung Quốc vẫn yêu cầu khách du lịch Việt Nam có visa. Hầu hết các công nhân Trung Quốc sang làm việc ở Việt Nam đều dùng visa du lịch.

Vấn đề này thực ra chẳng có gì khó giải quyết. Chỉ cần kiểm tra giấy tờ của người Trung Quốc trên các công trường Việt nam và trục xuất người không có visa hay giấy phép làm việc hợp pháp ở Việt Nam. Nhưng chắc chính quyền không dám làm vậy vì e ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc.

Và ngành du lịch cuối năm sẽ báo cáo: Năm nay dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhờ chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ và quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành du lịch, khách du lịch từ một số nước vẫn tăng đáng kể, nhất là khách du lịch Trung Quốc....Đây là một thành tích không dễ có trong điều kiện kinh tế khủng hoảng...

Import dữ liệu từ Yahoo 360 sang blogspot

Bạn nào biết cách import dữ liệu từ Yahoo 360 sang blogspot thì cho tớ biết nhé. Cảm ơn nhiều.

Saturday, April 11, 2009

Thưởng hoa kiểu Việt






6: Số cây anh đào Nhật trong Lễ hội hoa anh đào ở Hà Nội.

500: Số cảnh sát được huy động để bảo vệ 6 cây anh đào khỏi bị xâm hại bởi khách thăm thiếu ý thức.
200.000: Ước tính số người sẽ đi xem 6 cây anh đào Nhật.

Đời sống văn hóa ở Hà Nội nói riêng, và ở Việt Nam nói chung thật nghèo nàn.

100 nhà kinh tế và bánh đậu xanh Hải Dương


Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, 100 nhà kinh tế họp nhau ở Hải Dương trong một hội thảo có quy mô lớn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức để bàn về suy thoái kinh tế và các chính sách đối phó. Đây là một hội thảo rất có quy mô vì lần đầu tiên quy tụ được các chuyên gia kinh tế từ các viện kinh tế, các trung tâm nghiên cứu kinh tế khắp cả nước. Đọc bài tường thuật này trên VNN thì có cả Đinh Văn Ân ở CIEM, Trần Đình Thiên ở Viện Kinh tế học, Vũ Thành Tự Anh ở chương trình Fulbright, Bùi Đức Sơn ở Viện KT-CT Thế giới, Lê Đăng Doanh và Nguyễn Quang A ở Viện Nghiên cứu Phát triển, Nguyễn Đức Thành ở CEPR (theo VTV thì còn cả Trần Du Lịch ở VIện kinh tế TP HCM)... Có thể tóm lại rằng đây là một hội thảo quy mô hoành tráng. Chủ đề hội thảo cũng hết sức thiết thực, chính là những vấn đề mà hơn 80 triệu người dân Việt Nam phải đối phó, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách bấy lâu nay (nhưng cũng có thể là không?) và được nói đến hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thế nhưng nếu đọc trên báo chí thì có thể thấy ngoại trừ VNN và SGTT, hầu như không có mấy báo nhắc tới hội thảo này cùng với ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Trên Tuổi Trẻ, nhật báo lớn nhất Việt Nam, chỉ có vài dòng về hội thảo, lược ghi ý kiến ông Thiên và bà Susan Adams. Trên Thanh Niên (bản online) và Lao động (bản online), tôi cũng không đọc được bài nào về thông tin hội thảo. Xem ra ý kiến của 100 nhà kinh tế Việt Nam và chuyên gia kinh tế nước ngoài không hề được quan tâm.

Lý do cũng dễ hiểu khi đọc hai bài tường thuật trên hai tờ báo hiếm hoi đưa tin tương đối chi tiết về hội thảo này, không thấy nhắc tới các nhà hoạch định chính sách, ngoại trừ Bí thư tỉnh ủy Hải Dương- địa phương đăng cai hội thảo, cho dù hội thảo này là do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì. (Phát biểu của ông Bí thư này khá thú vị, nó cho biết thêm nhiều điều về thực trạng kinh tế hiện nay). Phải chăng đây cũng là lý do khiến giới truyền thông bỏ qua Hội thảo này vì cảm thấy nó không có ảnh hưởng gì tới chính sách kinh tế trên thực tế.

Điều này hoàn toàn có lý bởi từ trước tới nay, các chính sách kinh tế được đưa ra mà người ta không thấy nhiều sự tham vấn các chuyên gia kinh tế từ trước. Trước đây còn có Ban cố vấn kinh tế cho Thủ tướng nhưng khi Thủ tướng Dũng lên cầm quyền, một trong những việc làm đầu tiên của ông là dẹp bỏ Ban này. Gần đây, trước các biến động phức tạp về tài chính-ngân hàng, Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia do cựu Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy làm Chủ tịch. Nhưng rút cục, chức trách của Hội đồng này là gì, quyền lực Hội đồng ra sao thì không ai thực sự biết (có lẽ kể cả ông Thúy).

Và các "quyết sách lớn" của Đảng và Nhà nước thường được đưa ra rất đột ngột, không kèm theo các lý giải về sự cần thiết cũng như các đánh giá khách quan đầy đủ về hiệu quả của các chính sách được thực thi. Lấy ví dụ về gói kích cầu đợt 1 trị giá 1 tỷ USD và sau đó được nâng lên thành 6 tỷ USD. Gói này gồm nhiều thành phần như cho tiền Tết người nghèo, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng...Tuy nhiên cho tới nay, người ta vẫn không rõ cụ thể gói này gồm bao nhiêu phần là hỗ trợ lãi suất, bao nhiêu là các chính sách chi tiêu, bao nhiêu là giảm thuế....Cũng chưa có đánh giá nào thực sự nghiêm túc về hiệu quả của gói kích cầu này thời gian qua, chẳng hạn riêng với gói hỗ trợ lãi suất thì tỷ lệ vay để thực hiện đầu tư mới là bao nhiêu, vay để đáo nợ là bao nhiêu, bao nhiêu % cho DNNN, bao nhiêu cho DN ngoài quốc doanh, tạo được bao nhiêu việc làm mới...Ngay trong số liệu về thất nghiệp cũng đầy mâu thuẫn và mập mờ về phương pháp luận (ví dụ tính thế nào với trường hợp làng nghề?). Cũng không có công bố nào đánh giá khả năng ảnh hưởng tới lạm phát của các chính sách kích cầu này.

Thế nhưng chỉ đùng 1 cái, Chính phủ đã công bố gói kích cầu 2, lần này hướng tới đối tượng vay trung và dài hạn. Gói này còn mập mờ hơn cả gói 1 vì thậm chí không công bố số tiền mà Chính phủ định bỏ ra để hỗ trợ lãi suất. Trong khi Quốc hội Mỹ bàn bạc cả hàng tháng, đập lên đập xuống nghị sự về các gói kích cầu rồi mãi mới thông qua được thì ở Việt Nam chỉ cần Thủ tướng đặt bút ký thế là gói kích cầu được thông qua mà không gặp phải bất cứ sự phản biện nào.

Thế nên không có gì lạ khi các nhà kinh tế nói gì thì cứ nói, hội nghị cứ hội nghị còn Chính phủ thì việc mình cứ làm. Thậm chí hình như còn chẳng có vị quan chức cao cấp nào dự Hội thảo này- bởi lẽ các vị còn bận rộn trong việc hoạch định chính sách, đưa Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Báo chí cũng chẳng buồn đưa tin. Đóng góp lớn nhất của 100 nhà kinh tế tại Hội nghị về suy thoái kinh tế ở Hải Dương, có lẽ là những gói bánh đậu xanh Hải Dương họ mua về làm quà. Như vậy âu cũng là góp phần làm tăng
sức mua, đóng góp thiết thực cho chính sách kích cầu của Chính phủ.
PS: Có bài này khá thú vị trên vneconomist.

100 nhà kinh tế ngồi trên kim tự tháp ngược



Friday, April 10, 2009

Thiếu tướng Lê Văn Cương thực sự nói gì?

Theo bài tường thuật trên VNN, bản đã bị rút xuống bởi quá chi tiết, chú trọng tới những ý kiến phản biện (xem bản lưu ở đây, bản Google Cache ở đây), ông Lê Văn Cương, Thiếu tướng, Viện khoa học chiến lược Bộ Công an phát biểu như sau:

"Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện khoa học Chiến lược Bộ Công an đồng ý: Bô-xít là tài sản lớn của quốc gia, cần được khai thác nhưng nếu làm với cung cách ào ạt, làm nhanh sẽ mang đến những hậu quả khôn lường, nhất là về mặt an ninh kinh tế, an ninh xã hội.

Nhắc lại nhận định của các nhà địa chính trị quốc tế: "Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương. Ai làm chủ được Tây Nguyên, sẽ làm chủ Đông Dương", TS Lê Văn Cương lưu ý cần đặc biệt coi trọng các dự báo, cảnh báo sớm về tác động đối với an ninh quốc gia của các dự án bô xít Tây Nguyên.

"Các đe doạ đối với an ninh quốc gia không diễn ra nhanh chóng và dễ nhận thấy như hiệu quả kinh tế và tai biến về môi trường. Do đó, cần đặc biệt coi trọng các dự báo, cảnh báo sớm", ông Cương nói."

Theo báo Thanh Niên trong một bài viết đúng lề bên phải thì ông Cương lại phát biểu hơi khác: "Sau khi bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, GS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học - Bộ Công an nói rằng, điều làm ông lo lắng chính là dự án chưa thể hiện quan điểm phát triển kinh tế bền vững."

Vậy ông Lê Văn Cương thực sự nói gì? Cùng một tham luận mà tại sao nhà báo VNN nghe thành ông Cương lo ngại "những hậu quả khôn lường, nhất là về mặt an ninh kinh tế, an ninh xã hội" trong khi nhà báo Thanh Niên lại khẳng định ông Cương "bác bỏ quan điểm cho rằng các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể tác động đến vấn đề an ninh, " mà chỉ lo về phát triển bền vững?

Hoặc là micro trên hội trường bị trục trặc nên cho ra các version trái ngược nhau của cùng một bài phát biểu, hoặc có ai đó đã bẻ cong ngòi bút, bóp mồm bóp miệng thiếu tướng Cương.

Tôi không dám khẳng định trong hai tường thật khác nhau này, bài nào đáng tin cậy hơn. Người đọc có thể tự rút ra kết luận. Nhưng nếu giả sử rằng lời tường thuật trên VNN về ý kiến ông Cương là chân thực thì đúng là sự giả dối, tráo trở đang ngự trị khi mà bài báo VNN đã bị xóa sổ trong khi ý kiến trái ngược về lời ông Cương lại được lưu hành trên bài báo Thanh Niên.

Cho điểm tổng thống



Tờ Tạp chí Phố Wall phỏng vấn chừng 50 nhà kinh tế (có lẽ chủ yếu là các nhà kinh tế phố Wall?) và yêu cầu họ cho điểm những người lãnh đạo kinh tế nước này: Tổng thống Obama, Bộ trưởng tài chính Geithner và Chủ tịch Fed Bernanke. Trong tháng 3, cả Obama và Geithner đều bị điểm rất thấp: trung bình Obama được 59 điểm còn Geithner là 51. Bernanke được điểm cao nhất: 71.

Nhưng theo điều tra mới nhất trong tháng 4 thì điểm các vị này đã được tăng. Điểm trung bình của Obama đã được 65, Geithner 61 và Bernanke 76. Điểm trung vị (median) của họ còn khá hơn: Obama 75, Geithner 70 và Bernanke 80. Xem ra phố Wall đã bắt đầu chấp nhận chính sách kinh tế của Obama.

Nếu ở Việt Nam mà có một cuộc điều tra tương tự, không biết giới chuyên môn sẽ cho điểm ông Dũng, ông Ninh, ông Giàu như thế nào?



Wednesday, April 8, 2009