Thursday, August 20, 2009
"Con bài chính trị"?
" Lê Công Ðịnh là đối tượng trực tiếp được các cơ quan tình báo, ngoại giao nước ngoài sử dụng làm "con bài chính trị", "nuôi dưỡng" thành "lãnh tụ" sau khi ở Việt Nam có sự thay đổi thể chế chính trị."
Trong mục "nhận tội" trên truyền hình hai hôm trước, Lê Công Định cũng được khai thác để nhận tội về những mối quan hệ với các quan chức ngoại giao Mỹ từ Thứ trưởng Ngoại giao cho tới Đại sứ, Tổng lãnh sự...Theo ông Định, những người này bày tỏ sự ủng hộ quan điểm tư pháp độc lập, nâng cao vai trò của luật sư...- là những quan điểm mà ông cũng theo đuổi. Không thấy ông Định thừa nhận là các quan chức ngoại giao Mỹ có mục đích "nuôi dưỡng" ông thành lãnh tụ sau này, cũng như không có sự thừa nhận về sự tiếp xúc với cơ quan tình báo nước ngoài. Vậy kết luận chính thức trên báo Đảng là từ đâu?
Thật khó hiểu được động thái của chính quyền Việt Nam. Một mặt nghênh đón thịnh soạn TNS. Jim Webb (cựu chiến binh Việt Nam, có vợ người gốc Việt), cho phép hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên được in một bài chống "lưỡi bò" của Trung Quốc. Mặt khác cho TV phát ngay bản nhận tội của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung trong thời gian ông Webb vẫn đang ở Việt Nam trong đó ông Định thừa nhận việc tiếp xúc với các quan chức ngoại giao Mỹ như một phần tội trạng của mình; đồng thời báo Nhân Dân tố cáo việc các cơ quan tình báo, ngoại giao nước ngoài sử dụng Lê Công Định làm con bài chính trị? Không rõ đây là động thái nhất quán, có chủ trương hay do các phe khác nhau tiến hành?
Nhưng cũng lạ khi vừa muốn dùng Mỹ để kiềm chế tham vọng của Tàu ở biển Đông, lại vừa (ngấm ngầm) tố cáo tình báo Mỹ, ngoại giao Mỹ giật dây cho lực lượng chống phá Nhà nước; hơn nữa lại làm như thế ngay khi ông TNS phụ trách về khu vực Đông Nam Á của Quốc hội Mỹ đang ở VN thì không thể coi là một sự tế nhị về mặt ngoại giao được.
Thursday, August 13, 2009
Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?
Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2009 cho phép các tổ chức khoa học công nghệ do cá nhân thành lập được hoạt động trong một số lĩnh vực phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các tổ chức do cá nhân thành lập.
Nhưng mặt khác, nội dung của quyết định đặt ra một số vấn đề chưa thực sự thuyết phục. Theo Quyết định này, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Giải thích rõ hơn về quy định này, ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết các cá nhân vẫn được phép tự công bố ý kiến phản biện của mình nhưng không được phép sử dụng danh nghĩa của tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, cũng không được nêu ra tên của tổ chức KHCN mà cá nhân đó trực thuộc. Lấy ví dụ cụ thể, giả sử Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Viện nghiên cứu chính sách đầu tiên do tư nhân thành lập ở Việt Nam năm 2007) có những ý kiến phản biện về chính sách kích cầu thì Viện này cũng không được phép công bố kết quả nghiên cứu của mình cho công chúng. Tiến sĩ A ở Viện này có thể viết bài trên báo đưa ra ý kiến phản biện nhưng ông không được ghi đó là ý kiến của Viện mà ông làm việc, cũng không được gắn tên mình với Viện khi đăng bài, và có lẽ cũng không được sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện để minh họa cho các ý kiến phản biện của mình.
Điều này bất hợp lý. Nó đi ngược lại với tinh thần nghiên cứu trung thực, khách quan trong khoa học. Các kết quả nghiên cứu khoa học phải được công bố rộng rãi, nhận được các ý kiến đóng góp, phê bình từ nhiều bên liên quan thì mới có thể tạo ra một môi trường khoa học năng động và thực sự có ích. Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học, nhất là trong các ngành kinh tế và khoa học xã hội, sẽ ít nhiều phải đề cập tới lĩnh vực chính sách, và không thể mong đợi là tất cả các chính sách này đều hợp lý và hoàn thiện, mười phân vẹn mười cả. Lấy ví dụ, một nghiên cứu của một tổ chức tư nhân về chính sách kinh tế nêu ra tình trạng tiêu cực trong việc một số cán bộ xã, thôn ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo cũng có nguy cơ “phạm luật” nếu được công khai. Hay một nghiên cứu về giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong đó có phê bình những bất cập về chính sách dẫn tới tình trạng lô-cốt dai dẳng cũng vậy.
Quyết định trên, do đó đã vô hiệu hóa vai trò của các tổ chức KHCN tư nhân trong việc góp ý kiến công khai với các chính sách của Nhà nước. Nó cũng cản trở khả năng bàn bạc, đánh giá, phê bình chính những ý kiến trên của các nhà khoa học trong ngành tại các hội thảo công khai hay trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, lấy gì đảm bảo rằng các ý kiến phản biện của các tổ chức nghiên cứu tư nhân sau khi gửi cho các cơ quan Nhà nước sẽ không bị xếp xó trong chồng chồng, lớp lớp các thứ công văn, giấy tờ, làm uổng công và nản lòng những nhà khoa học tâm huyết? Nguy hiểm hơn, nó có thể tạo ra tín hiệu sai, khuyến khích tình trạng “khen lấy được” trong các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN của tư nhân cũng như Nhà nước.
Quyết định nói trên còn giới hạn khả năng của các tổ chức nghiên cứu tư nhân do đưa ra giới hạn lĩnh vực hạn hẹp cho hoạt động của các tổ chức này. Trong khi đó, một số nghiên cứu đòi hỏi tính chất liên ngành. Lấy ví dụ, nghiên cứu về phát triển một vùng sẽ đòi hỏi đánh giá nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, địa lý…Nhưng danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ mà cá nhân được phép hoạt động lại chỉ cho phép một số lĩnh vực hạn hẹp, riêng rẽ. Trong nhóm lĩnh vực “Kinh tế và kinh doanh” danh mục này cũng chỉ cho phép hai lĩnh vực là “Quan hệ sản xuất kinh doanh” và “Kinh doanh và quản trị kinh doanh”. Điều này có nghĩa là các tổ chức nghiên cứu tư nhân về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành hay kinh tế vùng sẽ không được phép hoạt động?
Trong khi đấy, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 tỏ ra khá cởi mở. Luật này quy định cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có quyền “Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật” (Điều 17). Luật cũng khuyến khích vai trò phản biện, giám định xã hội của các cá nhân: “Các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ.” (Điều 7). Thiết nghĩ, tiếp tục phát huy tinh thần cởi mở của Luật này thay vì kìm hãm sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào sự nghiệp khoa học công nghệ mới thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Tuesday, August 4, 2009
nới dây hay thắt dây?
"Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do nghiên cứu của mọi tổ chức và cá nhân, quyền dân chủ của công dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chính sách, kể cả việc khuyến khích toàn dân tham gia ý kiến xây dựng các văn kiện của Đảng, các dự luật, quy hoạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước [sic], cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.
Vì thế, Điều 2 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng quy định: cá nhân “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền” để được nghiên cứu, thẩm định và tiếp thu, tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.
- Liệu quy định “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ” có thể hiểu là cá nhân vẫn được phép công bố công khai ý kiến phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước?
- TS. Nguyễn Quân: Nhà nước yêu cầu cá nhân khi công bố công khai ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì không được nhân danh tổ chức KHCN hoặc không được gắn tên mình với tên của tổ chức KHCN, để tránh gây nhầm lẫn về chủ thể của ý kiến đó, hoặc làm cho công luận hiểu sai về pháp nhân hoạt động của một tổ chức KHCN, tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng thực chất là của tư nhân, do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thành lập và tự điều hành. (Ví dụ, nếu Tiến sĩ X làm việc tại Viện Y là tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, thì khi công bố ý kiến phản biện không được nói đó là ý kiến của Viện Y hoặc ý kiến của Tiến sĩ X cán bộ của Viện Y, mà chỉ được nói là ý kiến của Tiến sĩ X)."