Friday, September 25, 2009

Tướng Sĩ Tượng



Tin 1: trước phiên tòa

“Khác với thường lệ, trước khi phiên xử bắt đầu, tòa đã yêu cầu tất cả mọi người rời khỏi phòng xử trước khi các bị cáo được dẫn giải đến vành móng ngựa. Phóng viên trong và ngoài nước phải tác nghiệp ngoài, thông qua 2 màn hình lớn. Lý do được chủ tọa đưa ra là để giữ sự nghiêm trang và không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử cũng như các bị cáo.”


Tin 2: sau phiên tòa

“…chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cũng cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa ánTP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.


Tòa án TP HCM đuổi người dự phiên xử, trong đó có cả các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ra ngoài với lý do “không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử”. Nhưng cũng chính chủ tọa phiên tòa lại thừa nhận rằng trước khi xử ông ta đã “đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.” Và một phần nhờ đó mà án phạt ông Sĩ chỉ còn là 3 năm tù giam, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 10-20 năm tù giam theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.


Thật buồn cười. Ông Tòa đuổi người dự xử một phiên tòa công khai vì sợ ảnh hưởng tới Hội đồng xét xử. Nhưng ông lại gián tiếp thừa nhận rằng Hội đồng xét xử đã chịu ảnh hưởng của những “công văn của các ban ngành, tập thể” (?)… đề nghị tòa “giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”. Đó là điều buồn cười thứ nhất.


Cơ quan tư pháp không độc lập, xét xử căn cứ vào tội trạng và bằng chứng mà lại thừa nhận ảnh hưởng của các ban ngành, tập thể trong quyết định xét xử. Đó là điều buồn cười thứ hai.


Bị cáo Sĩ bị phía Nhật cáo buộc là nhận 820.000 USD tiền hối lộ nhưng như những gì báo chí tường thuật về phiên tòa thì sự việc này không hề được Viện kiểm sát nhắc đến. Từ vụ án 820.000 USD xuống còn vụ án 52 triệu VND (là số tiền ông Sĩ nhận từ những người thuê nhà hữu hảo). Đó là điều buồn cười thứ ba.


Phiên tòa “gửi giấy triệu tập tới 87 người có liên quan trong vụ án nhưng chỉ có hơn chục người có mặt”. Và việc vắng mặt tới 60-70 người liên quan đó cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc xét xử chóng vánh trong 2 ngày của phiên tòa. Đó là điều buồn cười thứ tư.


Một vụ án được đích thân “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo”, với sự tham gia hợp tác của cơ quant ư pháp hai nước mà hậu quả của nó khiến Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam mà cuối cùng thành ra một thứ đầu voi đuôi chuột, liên quan vỏn vẹn tới số tiền hơn 1 tỷ đồng cho thuê nhà sai nguyên tắc. Đó là điều buồn cười thứ năm.


Bị cáo Sĩ chắc hẳn sẽ chỉ phải ngồi tù chừng 1 năm, rồi sẽ được “đặc xá” sớm còn kịp đi ăn cưới con gái (bị hoãn do vụ án). Cũng là sui gia nhưng sui gia Tổng thống Indonesia thật xui xẻo, đường đường là sui gia Tổng thống đương nhiệm mà bị bốn năm rưỡi tù vì tội “tham nhũng”. Đúng là một quốc gia không có tình. Ở Việt Nam “đất nước tình yêu” chúng ta thì chỉ là sui gia (dù chưa chính thức) của ai đó thì tòa án đã có thể nhận được rất nhiều đơn từ, công văn (sao không thấy ông Tòa nhắc tới thư tay hay điện thoại) xin giảm tội rồi. Và theo đó mức án cũng giảm chóng mặt, từ 10-20 năm tù (khung hình phạt) xuống còn 5-6 năm tù (đề nghị của VKS) xuống nữa còn 3 năm tù (án tuyên) và chắc sẽ xuống nữa còn…xxx (đặc xá).


Giá các lô-cốt đang gây tắc nghẽn, kẹt xe, lãng phí không biết bao nhiêu của cải, tài nguyên ở TP HCM cũng giảm đi với cùng tốc độ!.

Thursday, September 10, 2009

"Diện kiến"

Sau khi báo Đảng đăng huấn thị của Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải với binh sĩ Trung Quốc đóng tại Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa cần "tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc" thì đến lượt trang web Chính phủ trang trọng đăng ảnh Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải "diện kiến" Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải diện kiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Nhìn ảnh này có thể rút ra được ít nhất một điều. Đó là muốn mặc complet cho đẹp thì nên đứng thẳng như họ Ôn, chứ vừa cúi người, vừa đưa cả hai tay ra bắt như họ Hoàng thì dáng lúm khúm, áo lại bị nhiều nếp nhăn, khó gọi là đẹp được. Đó là chưa kể hình như Phó Thủ tướng của ta tiếc tiền giặt là ở khách sạn hay sao mà thấy cái quần của ông cũng hơi bị nhăn nhúm.


Tôi cũng băn khoăn về việc sử dụng chữ "diện kiến" trong trường hợp này. Chữ "diện kiến" như tôi hiểu là "gặp mặt" nhưng được sử dụng với dụng ý đề cao người được "diện kiến" so với người đi "diện kiến" (diện kiến= thấy mặt?). Trong trường hợp này, tuy cấp bậc của ông Hải thấp hơn ông Bảo nhưng ông Hải vẫn là người đại diện Chính phủ Việt Nam trong khi ông Bảo là người đại diện chính phủ Trung Quốc. Để đảm bảo sự bình đẳng lẽ ra nên dùng từ khác có ý nghĩa cân đối hai bên như "hội kiến" chẳng hạn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo - Ảnh: Chinhphu.vn