Saturday, June 26, 2010
Dude, where's my city?
Hà Nội ngày càng xấu, ngày càng nhiều bụi và khói. Con người cũng dường như ngày càng trơ khấc hơn. Không gian đó cùng với sự giả dối, khệnh khạng và chụp giật ở khắp nơi khiến cho người ta cũng dễ trở nên bực bội, khó chịu và mệt mỏi hơn.
Vậy tại sao tôi trở về Hà Nội. Sau khi tôi về, có nhiều người hỏi tôi câu này và thực sự tôi cũng không biết trả lời ra sao. Có rất nhiều lý do để (tìm cách) ở lại nước ngoài, và cũng có không ít lý do để trở về Việt Nam và câu trả lời của tôi (nếu có) thường tùy thuộc vào ý nghĩ đập vào óc tôi lúc đó hoặc là một câu trả lời khuôn sáo đã có sẵn (nhưng có những lúc tôi chán trả lời câu này đến nỗi phải đề nghị không trả lời). Một phần có lẽ vì gia đình nhưng cũng không phải quá quan trọng vì tôi không phải là người quá gắn bó với gia đình, hơn nữa gia đình tôi cũng hoàn toàn tôn trọng quyết định về hay ở của tôi (dù vẫn thích tôi về hơn).
Tôi nghĩ lý do sâu hơn là cảm giác thuộc về. Dù sao đi nữa, tôi vẫn có cảm giác là tôi thuộc về Việt Nam và sẽ cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn khi sống ở Việt Nam. Kiếp người ngắn ngủi và vốn dĩ cô độc. Nếu sống ở nước ngoài, làm việc ở một công sở nào đó, sáng đi chiều về, lập gia đình, nuôi dạy con cái cho tới lúc về hưu, tận hưởng sự yên bình và những dịch vụ sẵn có của xã hội đó, tôi cảm thấy một cuộc sống như thế thật buồn tẻ. Như một nơi ở trọ mà mình sẽ phải ở tới hết đời. Tôi không phải là một công dân thế giới để có thể tìm thấy niềm vui, sự tự do và sự thoải mái ở bất cứ nơi nào. Sống ở nước ngoài, tôi sẽ có yên tĩnh, có tự do cá nhân, có sự thoải mái và tiện nghi vừa đủ, sự tôn trọng lẫn nhau giữa người và người, và có nhiều cơ hội cho con cái. Nhưng chắc chắn, đi kèm với nó sẽ là một nỗi buồn melancholy và nostalgia, là sự mờ đi của các ký ức, sự dần dửng dưng với quá khứ và quê hương, là mâu thuẫn và cố gắng cân bằng giữa khép và mở, là cố gắng hòa nhập rồi lại mỏi công tìm kiếm identity và nơi bạn thuộc về. Bạn thuộc về đâu? New York hay Hà Nội? Where’s your city? Where’s your country? Are you Chinese? No, Japanese?
Tôi không phải là người mê say tri thức và có tinh thần cạnh tranh quyết liệt để lựa chọn sống ở những nơi có môi trường tri thức cao nhất. Cũng không phải là người giàu giá trị gia đình để lựa chọn sống ở những nơi tốt nhất cho sự phát triển của con cái (giấc mơ Mỹ, Harvard, Obama, Sarkozy...).
Đến bây giờ tôi cũng không biết là quyết định về nước có đúng không. Và càng sống ở Hà Nội, tôi càng thấy không ưa Hà Nội. Và trong tương lai, cũng chẳng biết rồi tôi có bỏ cái thành phố “năm cổng chào” chộn rộn này không- nơi trí tuệ nhìn vào chắc sẽ phải nhún vai và cái đẹp thì cười nửa miệng?
Nhưng tôi nghĩ là tôi không tiếc về quyết định này (nhưng kể ra đôi khi cũng thấy tiếc tiếc hehe). Ít nhất việc đó cũng giúp tôi đỡ phải băn khoăn trong chuyện là nên đi hay về, hay lúc nào thì nên về- những câu hỏi mà tôi sẽ phải suy nghĩ trong nhiều năm nếu tôi sống ở nước ngoài.
Trong cuốn tiểu thuyết All the Pretty Horses [bản dịch có tên Những con tuấn mã khá tệ] tôi vừa đọc xong có đoạn hội thoại giữa hai người bạn, hai chàng cowboy trẻ tuổi vừa trở lại Mỹ sau chuyến hành trình đầy nguy hiểm ở Mexico:
“I think I'm going to move on.
This is still good country.
Yeah, I know it is. But it aint my country”
Nhân vật chính trong cuốn sách lại ra đi, vì anh cảm thấy nước Mỹ của anh không phải là của anh. Đất nước của anh là đất nước của quá khứ, của ngựa chứ không phải ô tô, của những con chim lớn sải cánh bay trên hoang mạc chứ không phải những giàn khoan dầu hỏa dựng lên trên nền trời. Chừng nào bạn cảm thấy xa lạ với nơi bạn đang sống, thì bạn nên ra đi. Dù là để tìm kiếm một miền đất mới hay một thế giới quá vãng.
Với tôi thì điều đó chưa đến. Đất nước tôi đang ở hiện nay không phải là "good country”. Nhưng nó vẫn là “my country”. Còn có những đất nước mà tôi từng có dịp đến thì rõ ràng là “good country”. Nhưng tiếc thay, nó lại không phải là “my country”.
Thôi, tới giờ xem bóng đá, trận đấu giữa một nước giàu nhất thế giới và một trong những nước nghèo nhất thế giới. Dude, where's my country?
Saturday, June 12, 2010
Đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Hình như các nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam hiện nay đều gặp phải vấn đề với số thống kê?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết [ông Thuyết kỳ này được hỏi nhiều nhỉ- ông này có lẽ là đại biểu có trình độ và có các câu hỏi sát và sắc nhất trong Quốc hội hiện nay], Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “"So với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác".
Không phải quá khó để kiểm định câu nói này của ông Nhân được đưa ra để chứng minh cho thành công của ông trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Câu này có hai mệnh đề, thứ nhất là lương giáo viên tăng gấp 2,1 lần và thứ hai là lương giáo viên cao hơn so với các ngành khác. Còn có một cách hiểu trong mệnh đề thứ 2 là mức tăng lương giáo viên cao hơn các ngành khác nhưng có vẻ như ông Nhân muốn nói theo cách hiểu thứ nhất vì mệnh đề “cao hơn các ngành khác” được đưa ra sau khi ông nêu ra mức lương giáo viên hiện nay “vào khoảng 2,5-4 triệu đồng/tháng). Ở đây có vấn đề không nhỏ là tại sao ông Nhân lại đưa ra một khoảng quá rộng như vậy, thay vì nêu ra mức lương trung bình của giáo viên.
Chúng ta thử kiểm định hai mệnh đề trên. Ở mệnh đề thứ nhất, vì hiện nay mới là giữa năm 2010 nên TCTK chưa có số liệu về năm 2010 mà chỉ có số liệu về năm 2009. Theo số liệu của TCTK thì tiền lương trong giai đoạn 2006-2009 của một số ngành như sau:
Bảng sau là Thu nhập trung bình hàng tháng của lao động ở khu vực Nhà nước được lấy từ Niên giám thống kê tóm tắt 2009 của TCTK. Cột 2 và 3 là thu nhập các ngành trong hai năm 2006 và 2009. Cột 4 là mức tăng trong 4 năm này. Cột 5 là mức tăng thực tế sau khi trừ đi lạm phát. Lạm phát được tính bằng cách tính dồn chỉ số CPI các năm 2007, 2008 và 2009 do năm 2006 được chọn làm mốc. Tính trung bình, giá cả năm 2009 sẽ cao hơn 42,3% so với năm 2006. Sau khi trừ đi lạm phát thì mức thu nhập trung bình toàn xã hội trong năm 2009 tăng 12% so với năm 2006, còn ngành giáo dục tăng 18,2%. Do hầu hết người lao động trong ngành giáo dục đều thuộc khu vực Nhà nước nên con số này sẽ phản ánh thu nhập hàng tháng của người lao động trong ngành giáo dục.
So sánh kết quả này với phát biểu của ông Nhân, có thể thấy hai điều:
-Thứ nhất, thu nhập danh nghĩa (chứ không chỉ lương) của ngành giáo dục trong năm 2009 chỉ tăng 68% so với năm 2006. Sau khi loại trừ yếu tố lạm phát thì thu nhập này chỉ tăng 18,2%, thấp hơn nhiều con số tăng 2,1 lần mà ông Nhân đưa ra. Nếu kể cả năm 2010 thì thu nhập của người làm giáo dục cũng chỉ tăng chừng 25% là cùng.
- Thứ hai, thu nhập người làm trong ngành giáo dục tuy được nâng lên và có tốc độ cao hơn tốc độ tăng của đa số các ngành khác nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của tất cả các ngành. Tiền lương trung bình của ngành giáo dục năm 2009 là 2.7 triệu trong khi trung bình của tất cả các ngành là 3,1 triệu. Như vậy mệnh đề “cao hơn so với các ngành khác” của ông Nhân là không chính xác.
Có thể phát biểu của ông Nhân căn cứ vào số liệu chi trả lương của Bộ giáo dục. Thật tiếc là hiện nay những số liệu này chưa được công khai và thuận tiện cho tiếp cận nên khó kiểm định. Nhưng theo số liệu của TCTK thì rõ ràng phát biểu của ông Nhân không thể đúng, nếu không nói là rất sai.
Bảng: Thu nhập theo giá hiện hành của lao động khu vực Nhà nước
Thu nhập (nghìn VND/tháng) | ||||
2006 | 2009 | Mức tăng | Mức tăng thực tế (sau khi trừ lạm phát) | |
Tất cả các ngành | 1936 | 3085 | 59.3% | 11.94% |
Nông nghiệp và lâm nghiệp | 1223 | 2788 | 128.0% | 60.19% |
Thủy sản | 1291 | 2974 | 130.3% | 61.76% |
Khai mỏ | 4013 | 5675 | 41.4% | -0.65% |
Công nghiệp chế biến | 2013 | 3136 | 55.8% | 9.46% |
Điện, khí đốt và cung cấp nước | 3468 | 4585 | 32.2% | -7.11% |
Xây dựng | 1669 | 2552 | 52.9% | 7.44% |
Thương nghiệp | 1952 | 3250 | 66.5% | 17.01% |
Khách sạn, nhà hàng | 2190 | 3488 | 59.3% | 11.89% |
Vận tải, kho bãi, thông tin | 3269 | 4586 | 40.3% | -1.45% |
Tài chính tín dụng | 4603 | 7357 | 59.8% | 12.30% |
Khoa học công nghệ | 2009 | 3347 | 66.6% | 17.07% |
Kinh doanh tài sản, tư vấn | 2806 | 4535 | 61.6% | 13.53% |
Giáo dục | 1601 | 2694 | 68.3% | 18.23% |
Y tế | 1679 | 2858 | 70.2% | 19.57% |
QLNN và ANQP | 1473 | 2457 | 66.8% | 17.21% |
Văn hóa thể thao | 1676 | 2658 | 58.6% | 11.41% |
Đảng, đoàn thể | 1268 | 2012 | 58.7% | 11.47% |
Phục vụ cá nhân và cộng đồng | 1740 | 2326 | 33.6% | -6.12% |
Nhìn bảng này, còn có thể có 1 số nhận xét khác như việc thu nhập thực tế của một số ngành còn giảm. Cũng lưu ý là bảng này chỉ dành riêng cho khu vực Nhà nước. Thu nhập thực tế trung bình của khu vực tư nhân trong nước có lẽ còn thấp hơn.
Đến lượt Phó Thủ tướng
Sau Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thì lại đến lượt Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đăng đàn, nói phét về kinh tế Việt Nam.
Theo VNN, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định về tương lai kinh tế Việt Nam “Phó Thủ tướng phấn khởi: "Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050".
Chúng ta cứ giả định là con số thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1200 USD mặc dù theo ước tính của cả WB, IMF và CIA thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam đều chỉ khoảng 1060 USD trở xuống. Nhưng cứ giả định là con số của ta tốt hơn của Mỹ, tức là GDP bình quân đầu người hiện nay là 1.200 USD, chúng ta thử tính xem tới năm 2020 liệu con số này có lên tới 3000 USD không?
Có thể tính tốc độ tăng GDP đầu người bằng cách lấy tốc độ tăng trưởng bình quân trừ đi tốc độ tăng dân số. Trong năm 2005, tốc độ tăng dân số của Việt Nam là 1,35%. Giả sử rằng trong 10 năm tới, dân số Việt Nam tăng ổn định ở mức 1% mỗi năm thì tốc độ tăng trưởng GDP cần phải bao nhiêu để đạt tới mức thu nhập bình quân đầu người 3000 USD trong 10 năm tới. Gọi tăng trưởng GDP là g ta sẽ có công thức: 1200*(1+g-0.01)10=3000.
Không khó có thể tính ra g=0.106 hay 10,6%. Như vậy chúng ta sẽ phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP thường xuyên liên tục ở mức 10,6% trong 10 năm tới mới có thể đạt được điều này. Không biết ông Hùng dựa vào đâu để tin là Việt Nam có thể lập được kỳ tích này khi trong quá khứ, chưa có năm nào Việt Nam đạt tăng trưởng 2 chữ số cả và tăng trưởng GDP trung bình trong 9 năm qua cũng chỉ vào khoảng 7,2%. Trên thế giới cực kỳ hiếm nước nào có thể đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 2 chữ số trong suốt 1 thập niên. Thành tích thần kỳ như Trung Quốc trong thập niên 1990 cũng chỉ đạt 9,5% một năm.
Thursday, June 10, 2010
Vinashin thua lỗ vì "nhu cầu vận tải giảm 100 lần"?
Đọc bài này trên Dân Trí cứ tưởng báo này ghi nhầm. Chưa nói chuyện Bộ trưởng cho rằng "“Đu dây qua sông là sáng tạo không ngờ” của người dân (chắc cũng tương tự như sáng tạo dùng hầm chông diệt Mỹ hay bắn xuyên táo 10 thằng địch?) thì còn có chi tiết này đáng chú ý.
"Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình trách nhiệm về việc thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mua tàu chở khách Hoa Sen hơn 1.000 tỷ đồng nhưng hoạt động không mang lại hiệu quả.
Việc “tậu” tàu của Vinashin, thời điểm mua Vinashin vấp rủi ro là khủng hoảng tài chính, nhu cầu vận tải giảm 100 lần. Bộ trưởng GT-VT nhận định, DN chưa tính hết các vấn đề khi đầu tư nên con tàu hoạt động không hiệu quả. Đây là vấn đề phương án làm ăn của một DN, HĐQT Vinashin quyết định và phải chịu trách nhiệm."
Khi đọc tin này, tôi cứ tưởng đọc nhầm ở câu "nhu cầu vận tải giảm 100 lần". Kiểm tra lại trên VietnamNet thì đúng là Bộ trưởng có nói ý như vậy nhưng VietnamNet thì ghi thành "Theo ông Dũng, Vinashin sắm tàu Hoa Sen "rơi" đúng lúc thế giới đang khủng hoảng kinh tế, giá cước giảm hàng trăm lần, thị phần hàng hoá giảm."
Không biết báo nào tường thuật đúng và ông Dũng nói là giảm 100 lần hay hàng trăm lần nhưng việc Bộ trưởng phụ trách Giao thông của Việt Nam lại có một phát biểu lấy được đến như vậy, trước hàng trăm đại biểu Quốc hội trong một kỳ họp quan trọng nhất, được hàng triệu người theo dõi thì thật khó tin. Bởi vì nếu nhu cầu vận tải giảm hàng trăm lần hay 100 lần thì đã là đại họa từ lâu chứ chẳng còn chỗ cho các ông báo cáo Quốc hội về việc đầu tư hàng trăm tỷ đô-la để nâng cấp hệ thống giao thông.
Vậy giá cước giảm như thế nào? Chỉ số Baltic Dry đo lường giá cước vận tải hàng hóa quốc tế. Đây là một chỉ số rất quan trọng, phản ánh nhu cầu thị trường và thường được coi là một trong các chỉ số tốt nhất để phản ánh "sức khỏe" nền kinh tế thế giới. Theo bảng dưới đây (được lấy từ trang web này) thì từ tháng 12/2007 tới 12/2008 (là khoảng thời gian hoạt động của tàu Hoa Sen), giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 10 lần (từ 10.000 xuống còn 1000), một mức giảm kinh khủng nhưng còn xa mới đạt con số 100 lần (hay hàng trăm lần) như ông Dũng khẳng định. Hơn nữa, chỉ số Baltic Dry là chỉ số đo lường quốc tế và năm 2008 thì khủng hoảng còn chưa lan đến Việt Nam. Trái lại, kết quả vận tải hàng hóa đường biển năm 2008 ở Việt Nam lại rất khả quan. Theo TCTK, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường biển năm 2008 tăng tới 21,8% so với năm 2007.
Do tàu Hoa Sen chủ yếu là để chở khách (ngoài ra còn chở ô tô) nên có lẽ chỉ số Baltic Dry cũng như mức thay đổi lượng hàng hóa vận tải có thể không phản ánh chính xác nhu cầu thị trường đối với con tàu này. Rất tiếc là tôi không biết có chỉ số nào phản ánh nhu cầu vận tải hành khách du lịch. Nhưng với giả định là tàu Hoa Sen với mức giá khá cao với hành khách (5 triệu đồng 1 chuyến vào năm 2008) nên nhằm tới thị trường là khách du lịch nước ngoài hay người Việt trong nước có mức thu nhập cao, nên tạm lấy số khách du lịch quốc tế để làm một chỉ số không hoàn hảo thay thế. Theo website của TCTK thì “Số khách quốc tế đến nước ta năm 2008 ước tính đạt 4,3 triệu lượt người, tăng 0,6% so với năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 1%”. Cũng theo TCTK, trong năm 2008, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2008 theo giá thực tế của ngành du lịch tăng 41,8% so với năm 2007. Trong năm 2008, khối lượng vận chuyển hành khách tăng 9.0% so với năm 2007, trong đó đường sắt giảm 2,3%; đường bộ tăng 8,8%; đường sông tăng 11,1% và đường hàng không tăng 14,4% (không có số liệu vận chuyển hành khách đường biển chắc do quá ít!).
Như vậy, xét về mặt nào đi chăng nữa (du lịch, vận chuyển hành khách hay vận tải hàng hóa) thì cũng đều không có lý do gì để cho rằng tàu Hoa Sen thua lỗ nặng nề là do khủng hoảng. Tương lai ngành giao thông vận tải của chúng ta đang trông chờ vào những người vừa dốt vừa hay nói láo bất kể lý lẽ như ông Hồ Nghĩa Dũng. Đề nghị ông Dũng mỗi sáng tập thể dục bằng đu dây từ tầng 3 tới trước cửa nhà cho đầu óc thêm phần “sáng tạo” và bổ sung IQ cho đỡ nhũn não.