Bắt chước New York Times, New Yorker, Amazon, The Guardian và đại gia Goldmund, tôi cũng xin post những cuốn sách hay tôi đọc (hết) trong năm 2009 (tính tới giờ). Năm nay không còn mòn chân đạp tấm sưởi, ngắm tuyết bên cửa sổ nên cũng ít thời gian đọc sách nhảm hơn; mà cũng không có được cái tài đọc sách với tốc độ máy chém Robespierre như bạn Nhị Linh.
Danh sách này không xếp theo thứ tự.
1. Moon Palace- Paul Auster
Tác phẩm theo tôi là hay nhất, nhiều chất thơ nhất của Paul Auster tuy không nổi tiếng bằng bộ ba New York Trilogy của ông (được dịch ra tiếng Việt với cái tên “lạ lùng” Trần trụi với văn chương).
2. Phía sau nghi can X- Higashino Keigo
Một truyện trinh thám kỳ lạ, mới mẻ và cảm động. Đáng khâm phục nữa là khả năng kiềm chế, làm chủ ngòi bút của tác giả.
3. A Concise History of Russian Revolution- Richard Pipe
Chỉ cần cái tên tác phẩm và tên tác giả là cũng đủ hiểu về nội dung rồi. Richard Pipe là một học giả hàng đầu về Liên Xô cũ. Cuốn sách này là bản rút gọn từ ba tập đồ sộ viết về cách mạng Nga của ông. Kết luận tất nhiên cũng thấy ngay: Cách mạng Tháng 10 là thảm họa.
4. Hội hè miên man- Ernest Hemingway
Hồi ức của Hemingway về Paris, xen giữa những chuyện gossip về giới văn nghệ lưu vong tại Pháp là cuộc sống của gia đình Hemingway. Chương cuối cuốn sách và những đoạn viết (độc địa) về Scott Fitzgeralt rất hay. Hemingway luôn là một người thích sắm nhiều vai khác nhau, và điều đó không phải là ngoại lệ trong cuốn tự truyện- tiểu thuyết này. Nhưng có lẽ Hội hè miên man là cuốn sách có tính chất confessional nhiều hơn cả.
5. Sự trở lại của kinh tế học suy thoái- Paul Krugman.
Không cần phải nói gì hơn về tác giả này rồi, người góp phần đưa kinh tế vĩ mô đến với mọi nhà (giống như Steven Levitt với kinh tế ứng dụng, Richard Dawkins với thuyết tiến hóa hay Malcolm Gladwell với xã hội học đại chúng).
6. McMafia Toàn Cầu Hoá Tội Ác – Misha Glenny.
Hành trình trên thế giới tội ác toàn cầu qua ngòi bút của một phóng viên Anh. Đọc khá thú vị và lôi cuốn. Khoảng cuối năm nay, thể loại phóng sự tội phạm còn có thêm tác phẩm Gomorra rất nổi tiếng nhưng tôi chưa đọc.
7. Du hành cùng Herodotus- Ryszard Kapuscinski
Một trong những cuốn du ký hiếm hoi đáng đọc. Du ký thực sự là một thể loại rất khó viết vì người viết rất dễ rơi vào việc khoe khoang “thành tích” hay kể lể về những phong tục kỳ lạ, những xứ sở kỳ hoa dị thảo…Điều Kapuscinski đã làm được là ông không khiến người đọc du hành cùng ông. Trái lại, ông kể về hành trình của ông tới với “những người khác” và bạn đồng hành của ông là một người Ionia (người Hy Lạp định cư ở Tiểu Á) từ hơn 2000 năm trước có tên là Herodotus. Trong tác phẩm Bệnh nhân người Anh của nhà văn người Canada gốc Sri Lanka Michael Ondaatje, vật sở hữu duy nhất của “bệnh nhân người Anh” là cuốn Sử ký của Herodotus. Và cuốn sách này của Herodotus cũng là bạn đồng hành của Kapuscinski trong hàng chục năm chu du thế giới của ông. Nhưng có lẽ điều cuốn sách này khiến tôi thích hơn cả là ở giọng văn trầm tư, giàu cảm xúc và hồi tưởng của tác giả.
Cũng nhân đây, xin nói thêm một trong những cuốn sách tôi thích nhất năm 2008 là cuốn The Egyptian của Mika Waltari. Nhân vật chính trong cuốn này sống khoảng thế kỷ 14 TCN và trong cuốn sách, anh ta đi lang thang từ Ai Cập sang Tiểu Á, từ Tiểu Á tới Hy Lạp, sống giữa những người Babylon, Hitties và Crete. Những nền văn minh cổ đại luôn có gì đấy hấp dẫn tôi: những người Ai Cập ngự trên chiến xa, những người Hittie thiện chiến, những người Babylon hào nhoáng, những người Ba Tư khắc khổ và thạo bắn cung, những chiến sĩ Hy Lạp kỷ luật và hay cãi cọ…
8. Di sản của mất mát- Kiran Desai
Nỗi cô đơn trên dãy Himalaya. Không phải là nước Ấn Độ buồn đau, bí ẩn, sôi động và quyến rũ của Salman Rushdie mà là một mảnh đất bị bỏ quên, với những số phận buồn tỉnh lẻ.
9. Những kẻ thiện tâm- Jonathan Littell
Một tác phẩm đồ sộ, khiến người đọc phải kinh ngạc về tầm vóc và sự không khoan nhượng của nó.
10. The Girl With the Dragon Tattoo- Stieg Larsson
Hình như những cuốn truyện trinh thám ở Bắc Âu thường không chỉ là để giải trí đơn thuần. Cuốn sách này vừa hấp dẫn, cuốn hút người đọc lại vừa có gì đó khiến tôi cảm thấy sờ sợ không muốn đọc tiếp, có lẽ bởi những mô tả trần trụi của nó về xã hội Thụy Điển, nơi ẩn đằng sau bề mặt một xã hội dân chủ- công bằng và yên bình là những biến thái và bất công. Tập hai của cuốn này mang tên “The Girl Who Played with Fire” cũng rất hay.
(Phù, gom mãi mới đủ 10)
Trong số này thì cuốn số 2, 4, 7, 8, 9 đều do Nhã Nam xuất bản. Cuốn số 5 của Nhà xuất bản Trẻ và số 6 của NXB Văn hóa-Thông tin (trường hợp hiếm hoi sách hay của NXB này).
Một vài cuốn sách lẽ ra cũng phải được đưa vào danh sách sách hay nhất nhưng thật đáng tiếc là không thể vì dịch quá tệ. Người dịch đã góp công giết chết những tác phẩm xuất sắc này. Cả hai cuốn này đều của NXB Văn hóa-thông tin, một nhà xuất bản vô trách nhiệm và tồi tệ bậc nhất.
Không chốn nương thân, dịch từ No Country for Old Men của Cormac McCarthy
Cuộc diễu hành lễ phục sinh- dịch từ The Easter Parade của Richard Yates.
Cũng có thể xếp hai tác phẩm lớn này vào top sách tồi tệ trong năm 2009 do đóng góp của người dịch.