skip to main |
skip to sidebar
Vị người ngồi trên?
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hoài Thanh, trên nhiều báo chí trong nước đã có các bài của nhiều người nhằm "minh oan" cho Hoài Thanh. Đáng chú ý là một bài viết của ông con trai cả Hoài Thanh là nhà phê bình Từ Sơn (viết từ năm 2004, nhưng mới in lại trong cuốn sách "Tìm hiểu Hoài Thanh" xuất bản tháng 5/2009), trong đó ông khẳng định Xuân Sách viết không đúng sự thật trong việc Hoài Thanh xin Xuân Sách sửa mấy chữ "vịnh" về ông (Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ "Thi nhân" còn một chút duyên/ Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau).
Việc Từ Sơn bảo vệ cha, rửa "tiếng oan" cho cha tất nhiên cũng dễ hiểu . Có điều đoạn này của Từ Sơn viết hơi chướng:
"không biết ông Xuân Sách có nhận thức được rằng mức độ phê phán trong câu “nửa đời sau lại vị người ngồi trên” là nhẹ hơn “nửa đời sau lại phải vị người ngồi trên” hay không? Rõ ràng là câu trước mức độ đả kích chỉ nhằm vào một người, còn câu sau (thay bằng chữ phải) thì mức độ đả kích đã mở rộng giới hạn: đả kích vào một cơ chế rất tầm bậy là bắt người ngồi dưới phải nịnh bợ người ngồi trên vì người ngồi trên thích như thế. Ông Xuân Sách định ám chỉ cơ chế nào đây? Hoài Thanh là một nhà văn chân chính có đầy đủ phẩm chất yêu nước, yêu dân tộc, yêu Đảng, yêu và thực tâm gắn bó với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc thể hiện trong lối sống cũng như trong toàn bộ văn nghiệp của ông. Công lao và sự nghiệp của ông đã được Đảng, Nhà nước và rất đông các thế hệ công chúng ghi nhận. Các phẩm chất ấy Hoài Thanh ngời sáng giữa thanh thiên bạch nhật khi ông còn sống cũng như khi ông đã mãi mãi đi xa."
Dường như Từ Sơn đang tìm cách "mở rộng án" khi quy kết là Xuân Sách có ý "phản động" đả kích cơ chế, nói xấu cơ chế, nói xấu lãnh đạo? Từ Sơn muốn khẳng định là Hoài Thanh "yêu Đảng" thực lòng, do đó nếu có "vị người ngồi trên" cũng là do thực tâm ông muốn thế chứ không phải vì chữ "phải" kiểu Ngô Thì Nhậm (Gặp thời thế thế thời phải thế)? Giả sử Hoài Thanh có nịnh bợ cấp trên thì giữa việc ông nịnh bợ do ông "yêu Đảng" hay do "phải" nịnh bợ, hãy cứ để độc giả quyết định xem cái nào "nặng" hơn cái nào. Có điều tôi vẫn thắc mắc về tính logic trong mối liên hệ giữa "yêu Đảng" và "vị người ngồi trên"?
Đọc thêm một số bài "minh oan" cho Hoài Thanh là Hoài Thanh "vị nhân sinh" chứ không "vị nghệ thuật" của Từ Sơn và Phạm Xuân Nguyên lại càng buồn cười. Tới năm 2009 rồi mà các nhà phê bình văn học danh tiếng vẫn còn loay hoay "minh oan" rằng thật ra thì, Hoài Thanh "vị nhân sinh" chứ đâu có "vị nghệ thuật". Cứ như thể cho tới tận bây giờ, "nghệ thuật vị nghệ thuật" vẫn là một cái tội không thể chấp nhận được của các nghệ sĩ.
Nhằm "minh oan" cho nửa đời sau của Hoài Thanh, Phạm Xuân Nguyên viết: "Nỗi ức này còn để lụy cho ông nỗi oan cuối đời. Nỗi oan trong câu thơ vẽ chân dung ông: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” của Xuân Sách. Thực hư chuyện này chỉ cần mở ra đọc lại các bài ông bình thơ của các nhà thơ từng ở những vị trí lãnh đạo thời ông sống sẽ có câu trả lời thỏa đáng. “Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ” đó là điều “thiên lương” mà tôi chắc ông đã cố giữ gìn, nâng niu."
Cũng đọc các bài phê bình của Hoài Thanh trong giai đoạn sau 54 nhưng trong cuốn “Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản”, nhà phê bình hải ngoại Nguyễn Hưng Quốc lại có cảm nhận khác với Phạm Xuân Nguyên:
“Trong số 19 bài viết về văn học Việt Nam hiện đại được chọn in trong Tuyển tập Hoài Thanh (1982), Hoài Thanh đã tập trung viết về Hồ Chí Minh đến sáu bài, về Tố Hữu cũng sáu bài. Trong số bảy bài còn lại, có một bài viết về Sóng Hồng, một bài viết về Xuân Thủy. Tổng cộng, như vậy, có 14 bài trên tổng số 19 bài là dành cho các “lãnh tụ”.
Và mặc dù Hoài Thanh khẳng định "khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ" nhưng Nguyễn Hưng Quốc lại cho rằng phê bình văn học của Hoài Thanh nửa đời sau là điển hình cho “phê bình văn học qua con người”. Nguyễn Hưng Quốc trích một đoạn phê bình của Hoài Thanh về thơ Hồ Chí Minh để minh họa:
“Những câu thơ chúc Tết của Bác nhiều khi chỉ là lời nói thường:
Chúc hòa bình thống nhất thành công
Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi
(Tết 1961)
Nhưng rõ ràng không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào. Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói. Đằng sau lời nói có một con người vô song, một cuộc đời vô song, có cái sáng suốt, cái kiên gan của một chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu, có ý chí sức mạnh của một dân tộc anh hùng, có cả những ý tưởng cao đẹp nhất của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do đó mà từng chữ, từng câu dầu bình thường thôi vẫn có sức nặng khác thường trong lời thơ Bác.”
Quả thật, nếu đọc đoạn này thì khó mà nói là khi xem thơ, Hoài Thanh chỉ biết có thơ. Ngay trong đoạn bình, ông đã khẳng định: "Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói".
Và trong hai câu thơ ngắn của cụ Hồ, ông không nhìn thấy thơ mà nhìn thấy Người (một con người vô song, một cuộc đời vô song), thấy Đảng (chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu), thấy dân tộc (một dân tộc anh hùng), thấy lý tưởng (những ý tưởng cao đẹp nhất) và thấy nhân loại (hàng trăm triệu người trên thế giới). Cũng chính những cái ngoài thơ đó đã làm cho "từng câu dầu bình thường thôi vẫn có sức nặng khác thường trong lời thơ Bác" "không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào."
Trên CAND cũng có một bài mới của Phạm Khải bênh vực cho Hoài Thanh khi bình thơ lãnh đạo. Phạm Khải lấy một số ví dụ là Hoài Thanh có khen, có chê với thơ Sóng Hồng, Xuân Thủy, Nguyễn Đình Thi (hehe, ông này có thực sự là "ngồi trên"?).
Chỉ có điều một số chỗ bênh vực cũng hơi buồn cười. Ví dụ về thơ Xuân Thủy:
" "Như khi Xuân Thủy viết: "Sông núi ôi xương máu/ Nhân dân ôi ngựa trâu" và "Ôi Lênin! Bộ óc thiên tài/ Im lặng tôi xin cáo biệt Người", Hoài Thanh đã không ngần ngại đưa ra nhận xét: "Những câu ấy, theo tôi, chưa nói hết được những điều nhà thơ muốn nói, chưa nói được cái đau xót, cái tủi cực ngày xưa, cũng chưa nói được tấm lòng kính phục không bờ bến đối với Lênin vĩ đại".
Hóa ra thơ Xuân Thủy còn có chỗ chưa hay là vì "chưa nói được tấm lòng kính phục không bờ bến đối với Lênin vĩ đại". Nói cách khác, là vì tính Đảng vẫn còn hơi yếu, chưa đủ độ "hồng" cần có.
Phạm Khải cũng phải công nhận là Hoài Thanh hầu như không chê gì thơ Tố Hữu. Thêm nữa, Phạm Khải cũng chả dám đề động tới việc Hoài Thanh bình thơ Hồ Chí Minh như thế nào.
Có đoạn này- lời Hoài Thanh nói với Từ Sơn- làm tôi hơi ngạc nhiên- "Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực". Tôi không tin có văn nghệ sĩ nào sống ở miền Bắc giai đoạn sau 1954 lại có thể "sống và viết hoàn toàn trung thực", trừ khi là họ bỏ bút và đi cày. Đến ngạo nghễ như Nguyễn Tuân mà còn than rằng "tao còn sống tới giờ là vì biết hèn". Trung thực như Phùng Quán thì cái giá phải trả là kiếm sống bằng cách câu trộm cá ở Hồ Tây. Sống cái thời đó, các văn nghệ sĩ đều phải chấp nhận giả dối trong sáng tác, phê bình; bằng không chỉ còn nước bẻ bút.
Người nào còn dám khẳng định "sống và viết hoàn toàn trung thực" thời đó thì hoặc là dối người, hoặc là dối mình.
Dạo này đọc mấy bài về Hoài Thanh cũng thấy sao sao. Nhưng nhìn chung giai đoạn sau năm 1945 thì các tác phẩm văn nghệ chủ yếu phục vụ cho "ý Đảng" là chính, sau này nhiều văn nghệ sỹ cũng thừa nhận như vậy (trong các hồi ký), họ cũng biết thế là không phải, nhưng vì cái "nhân sinh" mà họ phải làm vậy. Tất nhiên, cũng có người dũng cảm nói ra ngay thời điểm như Xuân Sách chẳng hạn...
ReplyDeleteAi nghĩ đây là bài phân tích của một tiến sĩ kinh tế nhỉ? Nhưng cũng không mấy thầy dạy Văn dám phân tích lập luận kiểu này, chết thôi.
ReplyDeleteBài này hay quá anh! Lại quay lại vấn đề trung thực đang là đề tài hấp dẫn trên báo chí tuần qua.
ReplyDeleteNói ra thì có vẻ ... kỳ quặc, thiếu trách nhiệm, hay gì đó, nhưng thông thường mình quan tâm đến tác phẩm của văn nghệ sĩ, hơn là đời riêng của họ...
ReplyDeleteBác Linh cũng không thể loại trừ trường hơọp có 1 số văn nghệ sĩ, vì óc quá đặc, nên mê muội yêu đảng, và nịnh bợ 1 cách thực lòng ...
ReplyDeleteThời đó đã mần văn nghệ thì phải vào rọ rồi, bị Đảng đã quản lý cái mồm, vớ vẩn là đói ngay, nên nhiều bạn lẫy lừng đã hèn đi, mà cũng chẳng viết được gì có giá trị hay ho ngoài những nịnh bợ mà có lẽ về sau này, nếu đọc lại, họ cũng phát ngượng. Về Hoài Thanh sau 1945 thì cơ bản là tớ đồng ý với các ý kiến của bác Linh. Chả biết Từ Sơn là bác nào, nhưng bác í nếu không có tiếng ông bố, chắc cũng ất ơ chứ nhà phê bình cái cứt.
ReplyDeleteMình đồng ý là văn học của đầu thế kỷ 21 ở VN vẫn còn tư tưởng cổ hủ. Các ông phê bình nghệ thuật, các ông có chức có tước trong ngành văn học chắc lớn lên trong thời đi học nước ngoài thì đi Liên xô và đi buôn nhiều hơn đi học, tư tưởng chắc không vượt quá cái nồi cơm điện hoặc cái quần bò. Văn học thì mãi vẫn dập khuôn, phân tích là phải theo hoài thanh. câu văn đọc rất ngu nhưng nếu của một ông nào đấy tức khắc tự dưng được mác thêm cái ẩn ý tinh thần yêu nước nồng nàn trong đó. Chẳng thấy chê bai bao giờ. Đáng nhẽ học sinh sinh viên nên được học cách "chê", suy nghĩ phê bình, hơn là cứ bắt ép "đấy là hay"/ ... Đọc mấy bài phân tích của mấy ông nhà văn bình luận mới buồn cười. Có một sự lập luận ngây ngô, thiên về cãi cùn. Hay là mình quen đọc tài liệu là phải có chứng minh bằng dẫn chứng đủ độ tin cậy, nên nghe mấy ông nói khơi khơi cái này cái kia là đúng nhưng chẳng đưa một cái gì đáng để tin tưởng nên thấy ngây ngô quá vậy?
ReplyDeleteBài này rất thú vị. Linh cũng "ngâm cứu" các điển tích văn học kỹ lưỡng nhỉ?
ReplyDeleteCám ơn về nhiều thông tin mới và lời phân tích rất uyên thâm.