Monday, December 21, 2009

Sách đọc 2009

Bắt chước New York Times, New Yorker, Amazon, The Guardian và đại gia Goldmund, tôi cũng xin post những cuốn sách hay tôi đọc (hết) trong năm 2009 (tính tới giờ). Năm nay không còn mòn chân đạp tấm sưởi, ngắm tuyết bên cửa sổ nên cũng ít thời gian đọc sách nhảm hơn; mà cũng không có được cái tài đọc sách với tốc độ máy chém Robespierre như bạn Nhị Linh.

Danh sách này không xếp theo thứ tự.

1. Moon Palace- Paul Auster

Tác phẩm theo tôi là hay nhất, nhiều chất thơ nhất của Paul Auster tuy không nổi tiếng bằng bộ ba New York Trilogy của ông (được dịch ra tiếng Việt với cái tên “lạ lùng” Trần trụi với văn chương).

2. Phía sau nghi can X- Higashino Keigo

Một truyện trinh thám kỳ lạ, mới mẻ và cảm động. Đáng khâm phục nữa là khả năng kiềm chế, làm chủ ngòi bút của tác giả.

3. A Concise History of Russian Revolution- Richard Pipe

Chỉ cần cái tên tác phẩm và tên tác giả là cũng đủ hiểu về nội dung rồi. Richard Pipe là một học giả hàng đầu về Liên Xô cũ. Cuốn sách này là bản rút gọn từ ba tập đồ sộ viết về cách mạng Nga của ông. Kết luận tất nhiên cũng thấy ngay: Cách mạng Tháng 10 là thảm họa.

4. Hội hè miên man- Ernest Hemingway

Hồi ức của Hemingway về Paris, xen giữa những chuyện gossip về giới văn nghệ lưu vong tại Pháp là cuộc sống của gia đình Hemingway. Chương cuối cuốn sách và những đoạn viết (độc địa) về Scott Fitzgeralt rất hay. Hemingway luôn là một người thích sắm nhiều vai khác nhau, và điều đó không phải là ngoại lệ trong cuốn tự truyện- tiểu thuyết này. Nhưng có lẽ Hội hè miên man là cuốn sách có tính chất confessional nhiều hơn cả.

5. Sự trở lại của kinh tế học suy thoái- Paul Krugman.

Không cần phải nói gì hơn về tác giả này rồi, người góp phần đưa kinh tế vĩ mô đến với mọi nhà (giống như Steven Levitt với kinh tế ứng dụng, Richard Dawkins với thuyết tiến hóa hay Malcolm Gladwell với xã hội học đại chúng).

6. McMafia Toàn Cầu Hoá Tội Ác – Misha Glenny.

Hành trình trên thế giới tội ác toàn cầu qua ngòi bút của một phóng viên Anh. Đọc khá thú vị và lôi cuốn. Khoảng cuối năm nay, thể loại phóng sự tội phạm còn có thêm tác phẩm Gomorra rất nổi tiếng nhưng tôi chưa đọc.

7. Du hành cùng Herodotus- Ryszard Kapuscinski

Một trong những cuốn du ký hiếm hoi đáng đọc. Du ký thực sự là một thể loại rất khó viết vì người viết rất dễ rơi vào việc khoe khoang “thành tích” hay kể lể về những phong tục kỳ lạ, những xứ sở kỳ hoa dị thảo…Điều Kapuscinski đã làm được là ông không khiến người đọc du hành cùng ông. Trái lại, ông kể về hành trình của ông tới với “những người khác” và bạn đồng hành của ông là một người Ionia (người Hy Lạp định cư ở Tiểu Á) từ hơn 2000 năm trước có tên là Herodotus. Trong tác phẩm Bệnh nhân người Anh của nhà văn người Canada gốc Sri Lanka Michael Ondaatje, vật sở hữu duy nhất của “bệnh nhân người Anh” là cuốn Sử ký của Herodotus. Và cuốn sách này của Herodotus cũng là bạn đồng hành của Kapuscinski trong hàng chục năm chu du thế giới của ông. Nhưng có lẽ điều cuốn sách này khiến tôi thích hơn cả là ở giọng văn trầm tư, giàu cảm xúc và hồi tưởng của tác giả.

Cũng nhân đây, xin nói thêm một trong những cuốn sách tôi thích nhất năm 2008 là cuốn The Egyptian của Mika Waltari. Nhân vật chính trong cuốn này sống khoảng thế kỷ 14 TCN và trong cuốn sách, anh ta đi lang thang từ Ai Cập sang Tiểu Á, từ Tiểu Á tới Hy Lạp, sống giữa những người Babylon, Hitties và Crete. Những nền văn minh cổ đại luôn có gì đấy hấp dẫn tôi: những người Ai Cập ngự trên chiến xa, những người Hittie thiện chiến, những người Babylon hào nhoáng, những người Ba Tư khắc khổ và thạo bắn cung, những chiến sĩ Hy Lạp kỷ luật và hay cãi cọ…

8. Di sản của mất mát- Kiran Desai

Nỗi cô đơn trên dãy Himalaya. Không phải là nước Ấn Độ buồn đau, bí ẩn, sôi động và quyến rũ của Salman Rushdie mà là một mảnh đất bị bỏ quên, với những số phận buồn tỉnh lẻ.

9. Những kẻ thiện tâm- Jonathan Littell

Một tác phẩm đồ sộ, khiến người đọc phải kinh ngạc về tầm vóc và sự không khoan nhượng của nó.

10. The Girl With the Dragon Tattoo- Stieg Larsson

Hình như những cuốn truyện trinh thám ở Bắc Âu thường không chỉ là để giải trí đơn thuần. Cuốn sách này vừa hấp dẫn, cuốn hút người đọc lại vừa có gì đó khiến tôi cảm thấy sờ sợ không muốn đọc tiếp, có lẽ bởi những mô tả trần trụi của nó về xã hội Thụy Điển, nơi ẩn đằng sau bề mặt một xã hội dân chủ- công bằng và yên bình là những biến thái và bất công. Tập hai của cuốn này mang tên “The Girl Who Played with Fire” cũng rất hay.

(Phù, gom mãi mới đủ 10)

Trong số này thì cuốn số 2, 4, 7, 8, 9 đều do Nhã Nam xuất bản. Cuốn số 5 của Nhà xuất bản Trẻ và số 6 của NXB Văn hóa-Thông tin (trường hợp hiếm hoi sách hay của NXB này).

Một vài cuốn sách lẽ ra cũng phải được đưa vào danh sách sách hay nhất nhưng thật đáng tiếc là không thể vì dịch quá tệ. Người dịch đã góp công giết chết những tác phẩm xuất sắc này. Cả hai cuốn này đều của NXB Văn hóa-thông tin, một nhà xuất bản vô trách nhiệm và tồi tệ bậc nhất.

Không chốn nương thân, dịch từ No Country for Old Men của Cormac McCarthy

Cuộc diễu hành lễ phục sinh- dịch từ The Easter Parade của Richard Yates.

Cũng có thể xếp hai tác phẩm lớn này vào top sách tồi tệ trong năm 2009 do đóng góp của người dịch.

Tuesday, December 8, 2009

Tâm tình Thủ tướng

Thực ra thì Thủ tướng tâm sự thế nào với giới luật sư? Chả nhẽ VietnamNet "biên tập" phát biểu của Thủ tướng.

Version 1, còn cache trên Báo mới:

" Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại: "Công ước luật biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải đang nói chung chung vậy thôi chứ chúng ta chưa cãi với người ta được".

Version 2, trên trang Vietnamnet hiện nay:
" Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Hiền Phúc, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại: "Công ước luật biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải, phải đấu tranh bằng chứng cứ lịch sử, bằng luật pháp".

So sánh hai câu nói trong 2 version có thể thấy version 2 rất ngớ ngẩn, vô nghĩa, cả cụm "
Công ước luật biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng lãnh hải" đứng chỏng chơ, không hiểu để làm gì?
Xem ra rõ ràng Vietnamnet đã tầm bậy, hoặc đăng bậy hoặc biên tập lại phát biểu của Thủ tướng khiến câu văn trở nên cụt ngủn, vô nghĩa. Không biết Văn phòng Thủ tướng có biết điều này không?



Thursday, November 26, 2009

Sự màu nhiễm của ngôn ngữ

Báo Tây thì New York Times, Financial Times, Wall Street Journal....đều đồng loạt đưa tin Việt Nam phá giá.

Vietnam Devalues Currency and Raises Interest Rates (NYT 26-11-09)
Vietnam devalues
(FT 26-11-09)

Vietnam Devalues Its Currency (Reuters NYT 25-11-09)

Vietnam to Devalue Currency, Raise Rates (WSJ 25-11-09)

Vietnam devalues currency by more than 5% (FT 25-11-09)


Báo ta thì từ Thủ tướng tới Thống đốc đều khẳng định không phá giá.

Thủ tướng khẳng định không phá giá tiền đồng (Vietnam Net 25-11-09).

Hóa ra vấn đề khác nhau giữa ta với Tây chỉ là do cách hiểu khác nhau. Phá giá theo định nghĩa của ông Giàu là "Phá giá đồng tiền chỉ xảy ra khi nào chúng ta tăng giá USD quá 5% hay Chính phủ tuyên bố phá giá đồng tiền."

Còn lần này tăng giá vừa đúng 5% (!) và Chính phủ không tuyên bố phá giá nên không gọi là phá giá.

Vậy có cách nào để Chính phủ phá giá VND 50% mà vẫn có thể tuyên bố là mình không bao giờ phá giá không? Quá đơn giản. Chỉ việc cứ cách tuần một lần, điều chỉnh tỷ giá theo tín hiệu thị trường, để phản ánh cung-cầu ngoại tệ, giảm bức xúc cho doanh nghiệp mỗi tuần tăng 5% và không tuyên bố phá giá. Như vậy chỉ sau 2 tháng, tỷ giá VND/USD sẽ tăng 50% mà chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tự tin khẳng định rằng "Chính phủ không bao giờ phá giá đồng tiền và không cho phép làm điều đó".

Muôn năm ngôn ngữ Việt (XHCN).Thật là giải pháp vạn năng cho mọi vấn đề. Ví dụ bọn Tây gọi “hối lộ” thì ta gọi là “hoa hồng”. Cán bộ ta chỉ nhận “hoa hồng” chứ không bao giờ ăn “hối lộ”. Bọn nó gọi là “phá giá” thì ta gọi là “điều chỉnh tỷ giá”. Việt Nam chỉ có điều chỉnh tỷ giá chứ không bao giờ “phá giá” hết. Cũng tương tự, chúng ta không có “tù chính trị” “tù nhân lương tâm” chỉ có “người vi phạm pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”…Và còn nhiều cụm từ hay ho khác mà chắc George Orwell có tái sinh cũng chịu không thể bổ sung vào từ điển ngôn ngữ được.

Friday, September 25, 2009

Tướng Sĩ Tượng



Tin 1: trước phiên tòa

“Khác với thường lệ, trước khi phiên xử bắt đầu, tòa đã yêu cầu tất cả mọi người rời khỏi phòng xử trước khi các bị cáo được dẫn giải đến vành móng ngựa. Phóng viên trong và ngoài nước phải tác nghiệp ngoài, thông qua 2 màn hình lớn. Lý do được chủ tọa đưa ra là để giữ sự nghiêm trang và không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử cũng như các bị cáo.”


Tin 2: sau phiên tòa

“…chủ tọa Nguyễn Đức Sáu cũng cho biết, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa ánTP HCM đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.


Tòa án TP HCM đuổi người dự phiên xử, trong đó có cả các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, ra ngoài với lý do “không làm ảnh hưởng đến Hội đồng xét xử”. Nhưng cũng chính chủ tọa phiên tòa lại thừa nhận rằng trước khi xử ông ta đã “đã nhận được rất nhiều đơn từ, công văn của các ban ngành, tập thể "tha thiết" đề nghị tòa công minh xem xét giữa công và tội, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.” Và một phần nhờ đó mà án phạt ông Sĩ chỉ còn là 3 năm tù giam, thấp hơn nhiều so với khung hình phạt 10-20 năm tù giam theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.


Thật buồn cười. Ông Tòa đuổi người dự xử một phiên tòa công khai vì sợ ảnh hưởng tới Hội đồng xét xử. Nhưng ông lại gián tiếp thừa nhận rằng Hội đồng xét xử đã chịu ảnh hưởng của những “công văn của các ban ngành, tập thể” (?)… đề nghị tòa “giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”. Đó là điều buồn cười thứ nhất.


Cơ quan tư pháp không độc lập, xét xử căn cứ vào tội trạng và bằng chứng mà lại thừa nhận ảnh hưởng của các ban ngành, tập thể trong quyết định xét xử. Đó là điều buồn cười thứ hai.


Bị cáo Sĩ bị phía Nhật cáo buộc là nhận 820.000 USD tiền hối lộ nhưng như những gì báo chí tường thuật về phiên tòa thì sự việc này không hề được Viện kiểm sát nhắc đến. Từ vụ án 820.000 USD xuống còn vụ án 52 triệu VND (là số tiền ông Sĩ nhận từ những người thuê nhà hữu hảo). Đó là điều buồn cười thứ ba.


Phiên tòa “gửi giấy triệu tập tới 87 người có liên quan trong vụ án nhưng chỉ có hơn chục người có mặt”. Và việc vắng mặt tới 60-70 người liên quan đó cũng chẳng hề ảnh hưởng gì tới việc xét xử chóng vánh trong 2 ngày của phiên tòa. Đó là điều buồn cười thứ tư.


Một vụ án được đích thân “Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo”, với sự tham gia hợp tác của cơ quant ư pháp hai nước mà hậu quả của nó khiến Nhật Bản tạm ngừng viện trợ ODA cho Việt Nam mà cuối cùng thành ra một thứ đầu voi đuôi chuột, liên quan vỏn vẹn tới số tiền hơn 1 tỷ đồng cho thuê nhà sai nguyên tắc. Đó là điều buồn cười thứ năm.


Bị cáo Sĩ chắc hẳn sẽ chỉ phải ngồi tù chừng 1 năm, rồi sẽ được “đặc xá” sớm còn kịp đi ăn cưới con gái (bị hoãn do vụ án). Cũng là sui gia nhưng sui gia Tổng thống Indonesia thật xui xẻo, đường đường là sui gia Tổng thống đương nhiệm mà bị bốn năm rưỡi tù vì tội “tham nhũng”. Đúng là một quốc gia không có tình. Ở Việt Nam “đất nước tình yêu” chúng ta thì chỉ là sui gia (dù chưa chính thức) của ai đó thì tòa án đã có thể nhận được rất nhiều đơn từ, công văn (sao không thấy ông Tòa nhắc tới thư tay hay điện thoại) xin giảm tội rồi. Và theo đó mức án cũng giảm chóng mặt, từ 10-20 năm tù (khung hình phạt) xuống còn 5-6 năm tù (đề nghị của VKS) xuống nữa còn 3 năm tù (án tuyên) và chắc sẽ xuống nữa còn…xxx (đặc xá).


Giá các lô-cốt đang gây tắc nghẽn, kẹt xe, lãng phí không biết bao nhiêu của cải, tài nguyên ở TP HCM cũng giảm đi với cùng tốc độ!.

Thursday, September 10, 2009

"Diện kiến"

Sau khi báo Đảng đăng huấn thị của Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải với binh sĩ Trung Quốc đóng tại Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa cần "tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc" thì đến lượt trang web Chính phủ trang trọng đăng ảnh Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải "diện kiến" Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải diện kiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Nhìn ảnh này có thể rút ra được ít nhất một điều. Đó là muốn mặc complet cho đẹp thì nên đứng thẳng như họ Ôn, chứ vừa cúi người, vừa đưa cả hai tay ra bắt như họ Hoàng thì dáng lúm khúm, áo lại bị nhiều nếp nhăn, khó gọi là đẹp được. Đó là chưa kể hình như Phó Thủ tướng của ta tiếc tiền giặt là ở khách sạn hay sao mà thấy cái quần của ông cũng hơi bị nhăn nhúm.


Tôi cũng băn khoăn về việc sử dụng chữ "diện kiến" trong trường hợp này. Chữ "diện kiến" như tôi hiểu là "gặp mặt" nhưng được sử dụng với dụng ý đề cao người được "diện kiến" so với người đi "diện kiến" (diện kiến= thấy mặt?). Trong trường hợp này, tuy cấp bậc của ông Hải thấp hơn ông Bảo nhưng ông Hải vẫn là người đại diện Chính phủ Việt Nam trong khi ông Bảo là người đại diện chính phủ Trung Quốc. Để đảm bảo sự bình đẳng lẽ ra nên dùng từ khác có ý nghĩa cân đối hai bên như "hội kiến" chẳng hạn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo - Ảnh: Chinhphu.vn


Thursday, August 20, 2009

"Con bài chính trị"?

Báo Nhân Dân có đoạn này:

" Lê Công Ðịnh là đối tượng trực tiếp được các cơ quan tình báo, ngoại giao nước ngoài sử dụng làm "con bài chính trị", "nuôi dưỡng" thành "lãnh tụ" sau khi ở Việt Nam có sự thay đổi thể chế chính trị."

Trong mục "nhận tội" trên truyền hình hai hôm trước, Lê Công Định cũng được khai thác để nhận tội về những mối quan hệ với các quan chức ngoại giao Mỹ từ Thứ trưởng Ngoại giao cho tới Đại sứ, Tổng lãnh sự...Theo ông Định, những người này bày tỏ sự ủng hộ quan điểm tư pháp độc lập, nâng cao vai trò của luật sư...- là những quan điểm mà ông cũng theo đuổi. Không thấy ông Định thừa nhận là các quan chức ngoại giao Mỹ có mục đích "nuôi dưỡng" ông thành lãnh tụ sau này, cũng như không có sự thừa nhận về sự tiếp xúc với cơ quan tình báo nước ngoài. Vậy kết luận chính thức trên báo Đảng là từ đâu?

Thật khó hiểu được động thái của chính quyền Việt Nam. Một mặt nghênh đón thịnh soạn TNS. Jim Webb (cựu chiến binh Việt Nam, có vợ người gốc Việt), cho phép hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên được in một bài chống "lưỡi bò" của Trung Quốc. Mặt khác cho TV phát ngay bản nhận tội của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung trong thời gian ông Webb vẫn đang ở Việt Nam trong đó ông Định thừa nhận việc tiếp xúc với các quan chức ngoại giao Mỹ như một phần tội trạng của mình; đồng thời báo Nhân Dân tố cáo việc các cơ quan tình báo, ngoại giao nước ngoài sử dụng Lê Công Định làm con bài chính trị? Không rõ đây là động thái nhất quán, có chủ trương hay do các phe khác nhau tiến hành?

Nhưng cũng lạ khi vừa muốn dùng Mỹ để kiềm chế tham vọng của Tàu ở biển Đông, lại vừa (ngấm ngầm) tố cáo tình báo Mỹ, ngoại giao Mỹ giật dây cho lực lượng chống phá Nhà nước; hơn nữa lại làm như thế ngay khi ông TNS phụ trách về khu vực Đông Nam Á của Quốc hội Mỹ đang ở VN thì không thể coi là một sự tế nhị về mặt ngoại giao được.

Thursday, August 13, 2009

Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?

Bài suýt đăng báo.

Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?


Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2009 cho phép các tổ chức khoa học công nghệ do cá nhân thành lập được hoạt động trong một số lĩnh vực phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các tổ chức do cá nhân thành lập.

Nhưng mặt khác, nội dung của quyết định đặt ra một số vấn đề chưa thực sự thuyết phục. Theo Quyết định này, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Giải thích rõ hơn về quy định này, ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết các cá nhân vẫn được phép tự công bố ý kiến phản biện của mình nhưng không được phép sử dụng danh nghĩa của tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, cũng không được nêu ra tên của tổ chức KHCN mà cá nhân đó trực thuộc. Lấy ví dụ cụ thể, giả sử Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Viện nghiên cứu chính sách đầu tiên do tư nhân thành lập ở Việt Nam năm 2007) có những ý kiến phản biện về chính sách kích cầu thì Viện này cũng không được phép công bố kết quả nghiên cứu của mình cho công chúng. Tiến sĩ A ở Viện này có thể viết bài trên báo đưa ra ý kiến phản biện nhưng ông không được ghi đó là ý kiến của Viện mà ông làm việc, cũng không được gắn tên mình với Viện khi đăng bài, và có lẽ cũng không được sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện để minh họa cho các ý kiến phản biện của mình.

Điều này bất hợp lý. Nó đi ngược lại với tinh thần nghiên cứu trung thực, khách quan trong khoa học. Các kết quả nghiên cứu khoa học phải được công bố rộng rãi, nhận được các ý kiến đóng góp, phê bình từ nhiều bên liên quan thì mới có thể tạo ra một môi trường khoa học năng động và thực sự có ích. Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học, nhất là trong các ngành kinh tế và khoa học xã hội, sẽ ít nhiều phải đề cập tới lĩnh vực chính sách, và không thể mong đợi là tất cả các chính sách này đều hợp lý và hoàn thiện, mười phân vẹn mười cả. Lấy ví dụ, một nghiên cứu của một tổ chức tư nhân về chính sách kinh tế nêu ra tình trạng tiêu cực trong việc một số cán bộ xã, thôn ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo cũng có nguy cơ “phạm luật” nếu được công khai. Hay một nghiên cứu về giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong đó có phê bình những bất cập về chính sách dẫn tới tình trạng lô-cốt dai dẳng cũng vậy.

Quyết định trên, do đó đã vô hiệu hóa vai trò của các tổ chức KHCN tư nhân trong việc góp ý kiến công khai với các chính sách của Nhà nước. Nó cũng cản trở khả năng bàn bạc, đánh giá, phê bình chính những ý kiến trên của các nhà khoa học trong ngành tại các hội thảo công khai hay trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, lấy gì đảm bảo rằng các ý kiến phản biện của các tổ chức nghiên cứu tư nhân sau khi gửi cho các cơ quan Nhà nước sẽ không bị xếp xó trong chồng chồng, lớp lớp các thứ công văn, giấy tờ, làm uổng công và nản lòng những nhà khoa học tâm huyết? Nguy hiểm hơn, nó có thể tạo ra tín hiệu sai, khuyến khích tình trạng “khen lấy được” trong các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN của tư nhân cũng như Nhà nước.

Quyết định nói trên còn giới hạn khả năng của các tổ chức nghiên cứu tư nhân do đưa ra giới hạn lĩnh vực hạn hẹp cho hoạt động của các tổ chức này. Trong khi đó, một số nghiên cứu đòi hỏi tính chất liên ngành. Lấy ví dụ, nghiên cứu về phát triển một vùng sẽ đòi hỏi đánh giá nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, địa lý…Nhưng danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ mà cá nhân được phép hoạt động lại chỉ cho phép một số lĩnh vực hạn hẹp, riêng rẽ. Trong nhóm lĩnh vực “Kinh tế và kinh doanh” danh mục này cũng chỉ cho phép hai lĩnh vực là “Quan hệ sản xuất kinh doanh” và “Kinh doanh và quản trị kinh doanh”. Điều này có nghĩa là các tổ chức nghiên cứu tư nhân về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành hay kinh tế vùng sẽ không được phép hoạt động?

Trong khi đấy, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 tỏ ra khá cởi mở. Luật này quy định cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có quyền “Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật” (Điều 17). Luật cũng khuyến khích vai trò phản biện, giám định xã hội của các cá nhân: “Các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ.” (Điều 7). Thiết nghĩ, tiếp tục phát huy tinh thần cởi mở của Luật này thay vì kìm hãm sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào sự nghiệp khoa học công nghệ mới thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Tuesday, August 4, 2009

nới dây hay thắt dây?

"Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do nghiên cứu của mọi tổ chức và cá nhân, quyền dân chủ của công dân, sẵn sàng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, tiếp thu ý kiến đóng góp cho việc xây dựng chính sách, kể cả việc khuyến khích toàn dân tham gia ý kiến xây dựng các văn kiện của Đảng, các dự luật, quy hoạch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước [sic], cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách điều hành kinh tế, xã hội phải hết sức thận trọng.

Vì thế, Điều 2 của Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg cũng quy định: cá nhân “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền” để được nghiên cứu, thẩm định và tiếp thu, tuy nhiên “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.

- Liệu quy định “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ” có thể hiểu là cá nhân vẫn được phép công bố công khai ý kiến phản biện liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước?

- TS. Nguyễn Quân: Nhà nước yêu cầu cá nhân khi công bố công khai ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì không được nhân danh tổ chức KHCN hoặc không được gắn tên mình với tên của tổ chức KHCN, để tránh gây nhầm lẫn về chủ thể của ý kiến đó, hoặc làm cho công luận hiểu sai về pháp nhân hoạt động của một tổ chức KHCN, tuy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng thực chất là của tư nhân, do một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân thành lập và tự điều hành. (Ví dụ, nếu Tiến sĩ X làm việc tại Viện Y là tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, thì khi công bố ý kiến phản biện không được nói đó là ý kiến của Viện Y hoặc ý kiến của Tiến sĩ X cán bộ của Viện Y, mà chỉ được nói là ý kiến của Tiến sĩ X)."


Thursday, July 30, 2009

The Economist on the state of economics

Loạt bài trên Economist (từ vài tuần trước) phê bình kinh tế học, chủ yếu là kinh tế vĩ mô và kinh tế tài chính. Tuy hơi đơn giản hóa (như phân loại thành các nhà kinh tế "nước ngọt" và các nhà kinh tế "nước mặn") nhưng nhìn chung rất bổ ích và đáng đọc với những ai quan tâm tới kinh tế học hiện đại.

What went wrong with economics

The other-worldly philosophers

Efficiency and beyond

Wednesday, July 29, 2009

"Remembrance of things past"

Sonnet 30
William Shakespeare

When to the sessions of sweet silent thought
I summon up remembrance of things past,
I sigh the lack of many a thing I sought,
And with old woes new wail my dear time's waste:

Then can I drown an eye, unused to flow,
For precious friends hid in death's dateless night,
And weep afresh love's long since cancell'd woe,
And moan the expense of many a vanish'd sight:

Then can I grieve at grievances foregone,
And heavily from woe to woe tell o'er
The sad account of fore-bemoanèd moan,
Which I new pay as if not paid before.

But if the while I think on thee, dear friend,
All losses are restored and sorrows end.


Sonnet 30
William Shakespeare

Trong những lúc lặng im nghĩ ngợi
Tôi nhớ lại những ngày tháng xa xôi
Tôi buồn với những gì từng mong mỏi
Và tiếc cho những hoài phí trong đời.

Tôi rơi lệ, dẫu lệ chẳng quen rơi
Cho những bạn thân khuất núi lâu rồi
Tôi khóc cho tình yêu đã chết
Lòng xót thương những cảnh vật xa xôi.

Tôi đau đớn những niềm đau dĩ vãng
Thổn thức lòng những nỗi khổ từng qua
Tôi buồn thương những nỗi buồn năm tháng
Trả nợ nần cho những thứ đã xa

Nhưng nếu khi đấy nghĩ tới em thương mến
Mất mát rời tôi và nỗi đau cũng hết

Friday, July 24, 2009

For a Saturday morning




Just The Way You Are

Music by Billy Joel
Performed by Diana Krall

Don't go changing, try and please me
You never let me down before
Don't imagine you're too familiar
And I don't see you anymore

I would not leave you in times of trouble
We never could have come this far
I took the good times, I'll take the bad times
I'll take you just the way you are

Don't go trying some new fashion
Don't change the color of your hair
You always have my unspoken passion
Although I might not seem to care

I don't want clever conversation
I never want to work that hard
I just want someone that I can talk to
I want you just the way you are.

I need to know that you will always be
The same old someone that I knew
What will it take till you believe in me
The way that I believe in you.

I said I love you and that's forever
And this I promise from the heart
I could not love you any better
I love you just the way you are

I don't want clever conversation
I never want to work that hard
I just want someone that I can talk to
I want you just the way you are.

Thursday, July 23, 2009

Vị người ngồi trên?


Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hoài Thanh, trên nhiều báo chí trong nước đã có các bài của nhiều người nhằm "minh oan" cho Hoài Thanh. Đáng chú ý là một bài viết của ông con trai cả Hoài Thanh là nhà phê bình Từ Sơn (viết từ năm 2004, nhưng mới in lại trong cuốn sách "Tìm hiểu Hoài Thanh" xuất bản tháng 5/2009), trong đó ông khẳng định Xuân Sách viết không đúng sự thật trong việc Hoài Thanh xin Xuân Sách sửa mấy chữ "vịnh" về ông (Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên/ "Thi nhân" còn một chút duyên/ Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau).

Việc Từ Sơn bảo vệ cha, rửa "tiếng oan" cho cha tất nhiên cũng dễ hiểu . Có điều đoạn này của Từ Sơn viết hơi chướng:

"không biết ông Xuân Sách có nhận thức được rằng mức độ phê phán trong câu “nửa đời sau lại vị người ngồi trên” là nhẹ hơn “nửa đời sau lại phải vị người ngồi trên” hay không? Rõ ràng là câu trước mức độ đả kích chỉ nhằm vào một người, còn câu sau (thay bằng chữ phải) thì mức độ đả kích đã mở rộng giới hạn: đả kích vào một cơ chế rất tầm bậy là bắt người ngồi dưới phải nịnh bợ người ngồi trên vì người ngồi trên thích như thế. Ông Xuân Sách định ám chỉ cơ chế nào đây? Hoài Thanh là một nhà văn chân chính có đầy đủ phẩm chất yêu nước, yêu dân tộc, yêu Đảng, yêu và thực tâm gắn bó với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc thể hiện trong lối sống cũng như trong toàn bộ văn nghiệp của ông. Công lao và sự nghiệp của ông đã được Đảng, Nhà nước và rất đông các thế hệ công chúng ghi nhận. Các phẩm chất ấy Hoài Thanh ngời sáng giữa thanh thiên bạch nhật khi ông còn sống cũng như khi ông đã mãi mãi đi xa."

Dường như Từ Sơn đang tìm cách "mở rộng án" khi quy kết là Xuân Sách có ý "phản động" đả kích cơ chế, nói xấu cơ chế, nói xấu lãnh đạo? Từ Sơn muốn khẳng định là Hoài Thanh "yêu Đảng" thực lòng, do đó nếu có "vị người ngồi trên" cũng là do thực tâm ông muốn thế chứ không phải vì chữ "phải" kiểu Ngô Thì Nhậm (Gặp thời thế thế thời phải thế)? Giả sử Hoài Thanh có nịnh bợ cấp trên thì giữa việc ông nịnh bợ do ông "yêu Đảng" hay do "phải" nịnh bợ, hãy cứ để độc giả quyết định xem cái nào "nặng" hơn cái nào. Có điều tôi vẫn thắc mắc về tính logic trong mối liên hệ giữa "yêu Đảng" và "vị người ngồi trên"?

Đọc thêm một số bài "minh oan" cho Hoài Thanh là Hoài Thanh "vị nhân sinh" chứ không "vị nghệ thuật" của Từ SơnPhạm Xuân Nguyên lại càng buồn cười. Tới năm 2009 rồi mà các nhà phê bình văn học danh tiếng vẫn còn loay hoay "minh oan" rằng thật ra thì, Hoài Thanh "vị nhân sinh" chứ đâu có "vị nghệ thuật". Cứ như thể cho tới tận bây giờ, "nghệ thuật vị nghệ thuật" vẫn là một cái tội không thể chấp nhận được của các nghệ sĩ.

Nhằm "minh oan" cho nửa đời sau của Hoài Thanh, Phạm Xuân Nguyên viết: "Nỗi ức này còn để lụy cho ông nỗi oan cuối đời. Nỗi oan trong câu thơ vẽ chân dung ông: “Vị nghệ thuật nửa cuộc đời/ Nửa đời sau lại vị người ngồi trên” của Xuân Sách. Thực hư chuyện này chỉ cần mở ra đọc lại các bài ông bình thơ của các nhà thơ từng ở những vị trí lãnh đạo thời ông sống sẽ có câu trả lời thỏa đáng. “Khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ” đó là điều “thiên lương” mà tôi chắc ông đã cố giữ gìn, nâng niu."

Cũng đọc các bài phê bình của Hoài Thanh trong giai đoạn sau 54 nhưng trong cuốn “Văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản”, nhà phê bình hải ngoại Nguyễn Hưng Quốc lại có cảm nhận khác với Phạm Xuân Nguyên:

“Trong số 19 bài viết về văn học Việt Nam hiện đại được chọn in trong Tuyển tập Hoài Thanh (1982), Hoài Thanh đã tập trung viết về Hồ Chí Minh đến sáu bài, về Tố Hữu cũng sáu bài. Trong số bảy bài còn lại, có một bài viết về Sóng Hồng, một bài viết về Xuân Thủy. Tổng cộng, như vậy, có 14 bài trên tổng số 19 bài là dành cho các “lãnh tụ”.

Và mặc dù Hoài Thanh khẳng định "khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ" nhưng Nguyễn Hưng Quốc lại cho rằng phê bình văn học của Hoài Thanh nửa đời sau là điển hình cho “phê bình văn học qua con người”. Nguyễn Hưng Quốc trích một đoạn phê bình của Hoài Thanh về thơ Hồ Chí Minh để minh họa:

“Những câu thơ chúc Tết của Bác nhiều khi chỉ là lời nói thường:

Chúc hòa bình thống nhất thành công

Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi
(Tết 1961)

Nhưng rõ ràng không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào. Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói. Đằng sau lời nói có một con người vô song, một cuộc đời vô song, có cái sáng suốt, cái kiên gan của một chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu, có ý chí sức mạnh của một dân tộc anh hùng, có cả những ý tưởng cao đẹp nhất của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do đó mà từng chữ, từng câu dầu bình thường thôi vẫn có sức nặng khác thường trong lời thơ Bác.”

Quả thật, nếu đọc đoạn này thì khó mà nói là khi xem thơ, Hoài Thanh chỉ biết có thơ. Ngay trong đoạn bình, ông đã khẳng định: "Ở đây không chỉ có vấn đề lời nói mà còn vấn đề người nói".

Và trong hai câu thơ ngắn của cụ Hồ, ông không nhìn thấy thơ mà nhìn thấy Người (một con người vô song, một cuộc đời vô song), thấy Đảng (chính đảng Mác-Lênin đã được tôi rèn trong chiến đấu), thấy dân tộc (một dân tộc anh hùng), thấy lý tưởng (những ý tưởng cao đẹp nhất) và thấy nhân loại (hàng trăm triệu người trên thế giới). Cũng chính những cái ngoài thơ đó đã làm cho "từng câu dầu bình thường thôi vẫn có sức nặng khác thường trong lời thơ Bác" "không thể xem những lời ấy như bất kỳ lời nói thường nào."

Trên CAND cũng có một bài mới của Phạm Khải bênh vực cho Hoài Thanh khi bình thơ lãnh đạo. Phạm Khải lấy một số ví dụ là Hoài Thanh có khen, có chê với thơ Sóng Hồng, Xuân Thủy, Nguyễn Đình Thi (hehe, ông này có thực sự là "ngồi trên"?).

Chỉ có điều
một số chỗ bênh vực cũng hơi buồn cười. Ví dụ về thơ Xuân Thủy:

" "Như khi Xuân Thủy viết: "Sông núi ôi xương máu/ Nhân dân ôi ngựa trâu" và "Ôi Lênin! Bộ óc thiên tài/ Im lặng tôi xin cáo biệt Người", Hoài Thanh đã không ngần ngại đưa ra nhận xét: "Những câu ấy, theo tôi, chưa nói hết được những điều nhà thơ muốn nói, chưa nói được cái đau xót, cái tủi cực ngày xưa, cũng chưa nói được tấm lòng kính phục không bờ bến đối với Lênin vĩ đại".

Hóa ra thơ Xuân Thủy còn có chỗ chưa hay là vì "chưa nói được tấm lòng kính phục không bờ bến đối với Lênin vĩ đại". Nói cách khác, là vì tính Đảng vẫn còn hơi yếu, chưa đủ độ "hồng" cần có.

Phạm Khải cũng phải công nhận là Hoài Thanh hầu như không chê gì thơ Tố Hữu. Thêm nữa, Phạm Khải cũng chả dám đề động tới việc Hoài Thanh bình thơ Hồ Chí Minh như thế nào.

Có đoạn này- lời Hoài Thanh nói với Từ Sơn- làm tôi hơi ngạc nhiên- "Điều mà cha có thể hoàn toàn yên tâm và tự hào trước lúc đi xa là cha đã sống và viết hoàn toàn trung thực". Tôi không tin có văn nghệ sĩ nào sống ở miền Bắc giai đoạn sau 1954 lại có thể "sống và viết hoàn toàn trung thực", trừ khi là họ bỏ bút và đi cày. Đến ngạo nghễ như Nguyễn Tuân mà còn than rằng "tao còn sống tới giờ là vì biết hèn". Trung thực như Phùng Quán thì cái giá phải trả là kiếm sống bằng cách câu trộm cá ở Hồ Tây. Sống cái thời đó, các văn nghệ sĩ đều phải chấp nhận giả dối trong sáng tác, phê bình; bằng không chỉ còn nước bẻ bút.

Người nào còn dám khẳng định "sống và viết hoàn toàn trung thực" thời đó thì hoặc là dối người, hoặc là dối mình.