Thursday, August 13, 2009

Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?

Bài suýt đăng báo.

Có nên bí mật các nghiên cứu phản biện xã hội?


Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/7/2009 cho phép các tổ chức khoa học công nghệ do cá nhân thành lập được hoạt động trong một số lĩnh vực phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của các tổ chức do cá nhân thành lập.

Nhưng mặt khác, nội dung của quyết định đặt ra một số vấn đề chưa thực sự thuyết phục. Theo Quyết định này, cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ “nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”. Giải thích rõ hơn về quy định này, ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết các cá nhân vẫn được phép tự công bố ý kiến phản biện của mình nhưng không được phép sử dụng danh nghĩa của tổ chức KHCN do cá nhân thành lập, cũng không được nêu ra tên của tổ chức KHCN mà cá nhân đó trực thuộc. Lấy ví dụ cụ thể, giả sử Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Viện nghiên cứu chính sách đầu tiên do tư nhân thành lập ở Việt Nam năm 2007) có những ý kiến phản biện về chính sách kích cầu thì Viện này cũng không được phép công bố kết quả nghiên cứu của mình cho công chúng. Tiến sĩ A ở Viện này có thể viết bài trên báo đưa ra ý kiến phản biện nhưng ông không được ghi đó là ý kiến của Viện mà ông làm việc, cũng không được gắn tên mình với Viện khi đăng bài, và có lẽ cũng không được sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện để minh họa cho các ý kiến phản biện của mình.

Điều này bất hợp lý. Nó đi ngược lại với tinh thần nghiên cứu trung thực, khách quan trong khoa học. Các kết quả nghiên cứu khoa học phải được công bố rộng rãi, nhận được các ý kiến đóng góp, phê bình từ nhiều bên liên quan thì mới có thể tạo ra một môi trường khoa học năng động và thực sự có ích. Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học, nhất là trong các ngành kinh tế và khoa học xã hội, sẽ ít nhiều phải đề cập tới lĩnh vực chính sách, và không thể mong đợi là tất cả các chính sách này đều hợp lý và hoàn thiện, mười phân vẹn mười cả. Lấy ví dụ, một nghiên cứu của một tổ chức tư nhân về chính sách kinh tế nêu ra tình trạng tiêu cực trong việc một số cán bộ xã, thôn ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo cũng có nguy cơ “phạm luật” nếu được công khai. Hay một nghiên cứu về giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong đó có phê bình những bất cập về chính sách dẫn tới tình trạng lô-cốt dai dẳng cũng vậy.

Quyết định trên, do đó đã vô hiệu hóa vai trò của các tổ chức KHCN tư nhân trong việc góp ý kiến công khai với các chính sách của Nhà nước. Nó cũng cản trở khả năng bàn bạc, đánh giá, phê bình chính những ý kiến trên của các nhà khoa học trong ngành tại các hội thảo công khai hay trên các phương tiện truyền thông. Hơn nữa, lấy gì đảm bảo rằng các ý kiến phản biện của các tổ chức nghiên cứu tư nhân sau khi gửi cho các cơ quan Nhà nước sẽ không bị xếp xó trong chồng chồng, lớp lớp các thứ công văn, giấy tờ, làm uổng công và nản lòng những nhà khoa học tâm huyết? Nguy hiểm hơn, nó có thể tạo ra tín hiệu sai, khuyến khích tình trạng “khen lấy được” trong các kết quả nghiên cứu của các tổ chức KHCN của tư nhân cũng như Nhà nước.

Quyết định nói trên còn giới hạn khả năng của các tổ chức nghiên cứu tư nhân do đưa ra giới hạn lĩnh vực hạn hẹp cho hoạt động của các tổ chức này. Trong khi đó, một số nghiên cứu đòi hỏi tính chất liên ngành. Lấy ví dụ, nghiên cứu về phát triển một vùng sẽ đòi hỏi đánh giá nhiều mặt kinh tế, xã hội, giáo dục, địa lý…Nhưng danh mục các lĩnh vực khoa học công nghệ mà cá nhân được phép hoạt động lại chỉ cho phép một số lĩnh vực hạn hẹp, riêng rẽ. Trong nhóm lĩnh vực “Kinh tế và kinh doanh” danh mục này cũng chỉ cho phép hai lĩnh vực là “Quan hệ sản xuất kinh doanh” và “Kinh doanh và quản trị kinh doanh”. Điều này có nghĩa là các tổ chức nghiên cứu tư nhân về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành hay kinh tế vùng sẽ không được phép hoạt động?

Trong khi đấy, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 tỏ ra khá cởi mở. Luật này quy định cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có quyền “Công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật” (Điều 17). Luật cũng khuyến khích vai trò phản biện, giám định xã hội của các cá nhân: “Các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ.” (Điều 7). Thiết nghĩ, tiếp tục phát huy tinh thần cởi mở của Luật này thay vì kìm hãm sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào sự nghiệp khoa học công nghệ mới thực sự cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

15 comments:

  1. Em nghĩ đến trường hợp các ông A, B, C nghiên cứu các đề tài khác nhau với tư cách cá nhân. Sau đó 3 ông này cung cấp kết quả nghiên cứu cho nhau để nghiên cứu các đề tài khác nữa. Tiếp đó ông A, B, C công bố công khai các kết quả nghiên cứu với các tham chiếu trỏ đến các nghiên cứu của nhau. Vậy thì về hình thức, 3 ông này không tham gia vào tổ chức nghiên cứu khoa học tư nhân nào của VN cả, cũng ko tham chiếu đến kết quả nghiên cứu của tổ chức NCKN tư nhân nào của VN cả.

    Vậy thì cái quyết định ngày 24/07/2009 của TTg có hiệu lực thế nào với trường hợp này?

    ReplyDelete
  2. Có lẽ cái từ phản biện xã hội nghe nó đao to búa lớn quá chăng mà bác nào cũng sợ?

    Bản chất của các cơ quan nghiên cứu tư nhân là tính độc lập, không phụ thuộc vào chính phủ hay tổ chức công nào. Phản biện hay đồng tình với chính sách nhà nước cũng đều phải độc lập. Chứ con hát mẹ khen hay thì còn nghiên cứu khoa học làm cái gì nữa?

    Nhà nước có cơ quan nghiên cứu của họ, sao không bảo các cơ quan ấy phát biểu đối thoại với các cơ quan nghiên cứu tư nhân?

    Môi trường khoa học như thế, người như bác Linh nên lấy vợ (hình như là mai cưới thì phải) rồi nghiên cứu vợ cho lành. Nhưng em đoán là phản biện ở đấy cũng khó khăn phết.

    ReplyDelete
  3. Hóa ra bác Linh bữa giờ không viết blog vì âm mưu viết báo, bất thành mới đem ra blog:)

    ReplyDelete
  4. Theo thứ tự quan trọng của các thông tin thì mọi chuyện khác hãy tạm gác đó đã, để
    CHÚC MỪNG bạn Linh trăm năm hạnh phúc !
    (Chuyện cấm đoán ở nước ta thì còn dài, mai mốt trở lại bàn cũng kịp chán)

    ReplyDelete
  5. Anh Linh sắp lấy vợ à? Chúc mừng nhé :D.

    ReplyDelete
  6. chúc mừng bác Linh

    không biết sau khi lấy vợ bác còn thời gian (hay được phép) viết blog khõng ? :D

    phản biện ở thiên đường XHCN này thì nói tới đời chắt của bác chắc cũng chưa hết ...

    ReplyDelete
  7. Cảm ơn các bác đã có lời chúc mừng :).
    Nhưng thông tin bạn Marcus đưa ra là chưa chính xác lắm đâu ạ :D

    ReplyDelete
  8. Thông tin chính xác là anh Linh (về nguyên tắc) sẽ lấy vợ, tuy nhiên chưa rõ lúc nào và đối tượng là ai :-D

    ReplyDelete
  9. Hình như thông tin của Marcus về bạn Linh còn được khối người quan tâm hơn là bí mật của các nghiên cứu phản biện xã hội :)

    ReplyDelete
  10. vì sao mà " suýt đăng" nhỉ?

    ReplyDelete
  11. ^^ chúc anh Linh lấy được vợ đẹp và thông minh.

    ReplyDelete
  12. Đọc mấy bài "nghiên cứu" của các bác ở mấy cái viện mới thành lập kia tớ thấy chất lượng cũng bình thường. Kết luận về vấn đề thì các bác có trước rồi, còn lại là nói cảm tính cho đủ chữ đủ trang chứ nghiên cứu gì. Đọc nghe leng keng nhưng chả có gì mới mẻ hay ho. Chính ra mấy cái viện lại tạo uy tín và khố oai cho bài của các bác. Ví dụ như vụ bauxite, thấy mấy bác nhà văn, nhà sử học, xã hội học, chả biết mả mẹ gì cũng phán như đúng rồi, làm dân kỹ thuật cảm thấy buồn cười.

    ReplyDelete
  13. Chắc là sợ có vụ gì động trời hơn bauxite nên lo chặn trước mà :(

    ReplyDelete
  14. @Mimi: ô hô, thế thì fải chờ xem bạn này làm khoa học và kinh tế thế nào hẵng

    Bao h làm đc như TS Quang A thì hẵng nhận xét nhé.

    ReplyDelete
  15. Nhận xét thì cứ nhận xét thôi chứ cần đéo gì phải làm được cái này cái kia. Cứ phải là cựu hoa hậu mới có quyền vào ban giám khảo hoa hậu à?

    ReplyDelete