Ý tưởng cổ phần hóa/tư nhân hóa đại học công ở Việt Nam là một ý tưởng phiêu lưu và hết sức khó hiểu. Ý tưởng này cũng vấp phải sự phản đối của hầu hết các nhà giáo dục. Điều đáng lưu ý là trong khi tiến trình cổ phần hóa bị chậm lại gần đây cùng với sự phình to của các tập đoàn nhà nước được chính phủ hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh vay nợ...thì một số người trong chính phủ lại muốn biến các trường đại học thành các công ty cổ phần.
Trên VNN có bài khá chi tiết của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình Fulbright Việt Nam về vấn đề này.
Mô hình phát triển đại học trên thế giới rất đa dạng. Ở các nước châu Âu, hầu hết (thậm chí ở một số nước như Phần Lan hay Ai-len, toàn bộ) các trường đại học là trường công và nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Ở Mỹ, bên cạnh hệ thống trường công rộng rãi còn phát triển một hệ thống trường tư. Bản thân các trường công cũng nhận được nguồn thu rất đa dạng: từ ngân sách của bang, từ đóng góp của các nhà hảo tâm, đóng góp của cựu sinh viên và tiền đóng học phí của sinh viên. Với việc nhận ngân sách của bang, các trường công thường sẽ áp dụng mức học phí thấp hơn cho sinh viên là cư dân của bang (in-state), thường chỉ bằng 1/2 tới 1/3 học phí áp dụng cho sinh viên ngoài bang (outstate). Gần đây, người ta đã bắt đầu nhắc tới việc "tư hữu hóa" trường công ở Mỹ, nhưng thực chất vấn đề không phải là tư hữu hóa mà chỉ là hiện tượng tỷ lệ vốn ngân sách của chính phủ rót cho các trường công ngày càng thu hẹp trong các năm gần đây, và các trường công phải tăng học phí hay huy động nguồn tài trợ từ các nguồn tư nhân khác. Tỷ lệ tài trợ của chính quyền bang hay thành phố cho các trường đại học công ở Mỹ đã giảm từ 74% ngân sách vào năm 1991 xuống còn 64% vào năm 2004. Có một số trường hợp đặc biệt như Đại học Virginia tuy là đại học công nhưng phần đóng góp của chính quyền bang rất thấp, chỉ chiếm 8% ngân sách của trường. Tính trung bình, năm 2000, khoảng 4,5% ngân sách của các bang ở Mỹ được sử dụng để tài trợ cho hệ thống giáo dục đại học công.
Điều đáng chú ý là ở Mỹ, tuyệt đại đa số các trường tư đều là các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, thường do một hội đồng quản trị quản lý với mục đích phi lợi nhuận. Chỉ có rất ít trường tư là hoạt động vì mục đích lợi nhuận và đều là các trường nhỏ, không tên tuổi. Cả lý thuyết lẫn thực tiễn đều cho thấy giáo dục là một loại hàng hóa đặc biệt, không thể coi nó là một hàng hóa thông thường như que kem, cái bút để có thể kinh doanh chỉ với động cơ lợi nhuận. Ngay một người chủ trương để thị trường quyết định mọi thứ (kể cả kêu gọi hợp pháp hóa ma túy) như nhà kinh tế được giải Nobel là Milton Friedman cũng không ủng hộ việc tư nhân hóa các trường công. Thay vào đó, ông đề xuất sử dụng các phiếu giáo dục (school voucher) nhằm tăng quyền tự do lựa chọn trường học của người đi học. Hiểu nôm na đó là phiếu chi tiền cho phép người học có thể lựa chọn học ở trường nào tùy ý mình, nhưng chỉ được sử dụng để đi học thôi chứ không dùng được cho mục đích khác. Hiện nay ở một số nơi tại Mỹ, người ta đã áp dụng thí điểm school voucher cho các trường phổ thông. Trong bài của anh Tự Anh cũng nhắc tới school voucher như một giải pháp có thể. Tuy nhiên, hiệu quả của school voucher vẫn còn là một vấn đề bàn cãi, và thường nó chỉ được sử dụng cho giáo dục phổ thông chứ chưa cho giáo dục đại học.
Cả lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế đều cho thấy đề án tư nhân hóa trường công ở Việt Nam, biến chúng thành các công ty cổ phần là một sáng kiến hết sức khó hiểu. Chưa kể việc một số người sẽ thu được rất nhiều lợi nhuận từ việc này thì việc biến các đại học công thành công ty cổ phần (nghe nói dự kiến ban đầu là 15 đại học?) thì chuyện biến các đại học công thành công ty cổ phần cũng sẽ làm lệch lạc hoàn toàn định hướng giáo dục. Chẳng hạn, chắc chắn hoạt động nghiên cứu ở các cơ sở đại học này sẽ bị xem nhẹ vì không mang lại lợi nhuận ngay lập tức, thay vào đó sẽ là xu thế ồ ạt tuyển sinh và đầy ứ các ngành học được coi là "thời thượng".
Việc cải tổ đại học công là việc cần thiết nhưng hoàn toàn có thể nâng cao hiệu quả hệ thống đại học này bằng các biện pháp thực chất hơn như tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, mở rộng hệ thống đại học tư thục, kiểm soát chất lượng của các trường qua các chỉ tiêu cần đạt, minh bạch hóa hệ thống...Ở đây, tôi không có ý định bàn gì về việc làm thế nào để cải cách đại học công. Đã có mấy nhóm nghiên cứu cả trong nước và ngoài nước quy tụ những giáo sư, những nhà nghiên cứu giáo dục có uy tín và kinh nghiệm tìm hiểu và đề xuất về những giải pháp trong vài năm qua (còn việc Bộ Giáo dục lắng nghe họ như thế nào thì tôi không rõ). Như tôi được biết thì hình như không có ai trong số các nhà nghiên cứu này ủng hộ việc cổ phần hóa giáo dục. Google các bài viết liên quan tôi cũng không tìm được nhà giáo dục hay chuyên gia kinh tế có uy tín nào ủng hộ việc này*. Thế nhưng đề án vẫn cứ được tiến hành và quy chế về cổ phần hóa đại học (cùng một số thứ khác) sẽ sớm được trình lên Thủ tướng.
Dù thế nào thì sự cải thiện giáo dục đại học là cả một quá trình đòi hỏi nhiều công việc, nhiều cố gắng, nhiều sự điều chỉnh. Chứ còn biến đại học công thành đại học tư không phải là liều thuốc tiên để chữa cho cả hệ thống đang rệu rã, yếu kém, bất công và tham nhũng. Nó không khác gì việc Nhà nước bán tháo, rũ bỏ trách nhiệm của mình. Ngay cả ở Nga, ở Đông Âu khi các nước này tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế, người ta cũng không nghĩ tới việc "cổ phần hóa" các trường đại học công.
*Sáng nay thì thấy có bài phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc CEPR thuộc ĐH Quốc gia trong đó TS. Thành ủng hộ cổ phần hóa đại học. Luận điểm của TS. Thành là ""Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục". Mặc dù thừa nhận tính chất ảnh hưởng ngoại biên của giáo dục nhưng theo phân tích của anh Thành thì giáo dục cũng không khác gì bất cứ loại hàng hóa nào khác. Các phân tích của anh Thành chỉ chung chung như trong sách giáo khoa đối với một hàng hóa bất kỳ chứ cũng không gắn với thực tế giáo dục Việt Nam.
Milei and populism
2 hours ago
Đối với tôi, vấn đề cổ phần hóa/tư nhân hóa đại học công không phải là vấn đề đáng quan ngại. Vấn đề đáng quan tâm hơn, như bài viết đã đề cập, đó là tăng quyền tự chủ cho các trường đại học (cơ chế), và một khía cạnh khác là tìm được người lãnh đạo giáo dục có tài. Trường hợp trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh ở Hà Nội (hiệu trưởng là GS Văn Như Cương) là một ví dụ điển hình rằng giáo dục "tư nhân" không có nghĩa là không tốt.
ReplyDeleteXin giới thiệu 2 bài viết hay về giáo dục của GS Văn Như Cương:
Chất lượng giáo dục = người lãnh đạo + cơ chế
http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6531/index.aspx
Chọn người lãnh đạo giáo dục như thế nào?
http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6258/index.aspx
Giáo dục và y tế là hai lãnh địa thiêng liêng mà chính phủ nào cũng phải cân nhắc khi chạm vào, vì nó thể hiện tính ưu việt của xã hội, đó là nơi duy nhất mọi người dân có thể hy vọng được đối xử bình đẳng( hy vọng thôi). Trước đây đã có lúc người ta đòi cổ phần hóa một số bệnh viện lớn ở SG, nay lại đến trường đại học. Có cảm giác như thời thế sắp xoay chuyển mạnh hay sao mà các con cá lớn tranh thủ đớp mồi để lặn cho nhanh.
ReplyDeleteTôi liên tưởng đến thời Borit Yeltsin, lúc đó người ta bằng mọi giá cổ phần hóa các tài sản của nhà nước sô viết, thực ra là một bước công khai của quá trình tư nhân hóa, nhờ phép màu cổ phần hóa đó mà sau này nước Nga có thêm nhiều tỉ phú.
Nghe bạn Chu Chỉ My nói mà sợ quá. Thiết nghĩ mọi 'sáng kiến' đều bắt nguồn từ ý định tốt, chỉ đến lúc thực hiện vì còn quá bỡ ngỡ nên sẽ dễ bị trục lợi. Chẳng nói đâu xa, ngay cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn đầy rẫy bất cập, 51% sở hữu NN không đem lại quyền quyết định gì cho những người muốn đổi mới nó, cty phình lên một cách nhanh chóng với khoản góp vốn kếch sù được quản lý bởi các cổ đông lớn. Cùng với đó là nghiệp vụ kế toán non yếu, báo cáo tài chính không minh bạch, rồi thị trường chứng khoán có quá nhiều giao dịch nội gián, tất cả chỉ làm dòng tiền đổ về một phía, còn hiệu quả phát triển cho chính doanh nghiệp thì chưa rõ đâu vào đâu.
ReplyDeleteNói chung nếu NN muốn thử nghiêm thì cứ thử, song điều quan trọng nhất là các cổ đông nhỏ phải tự biết mình sẽ được gì, sẽ mất gì.
Ví dụ đơn giản nếu anh là giáo viên/viên chức có độ trăm triệu trong tay định mua cổ phiểu mà bản thân anh biết rằng chất lượng lâu nay nhôm nhoam, quản lý kém, ban bệ vẫn thế thì hãy cẩn thận. Hãy để cái bánh cho những người 'nhiều tiền' ăn với nhau.
"Cổ phần hóa" các trường đại học công không có gì sai hoặc khó hiểu cả, nếu như nó là một bước của quá trình tư nhân hóa.
ReplyDeleteNếu coi giáo dục là việc cung cấp kiến thức và kỹ năng làm việc cho con người thì Nhà nước làm hay tư nhân làm có gì khác nhau đâu. Do quán tính thời bao cấp (đối với người già) và từ cách nghĩ về tính "ưu việt" của Nanny State ở châu Âu (đối với người trẻ), nên chúng ta thường dị ứng với "thương mại hóa giáo dục", dị ứng với tư nhân làm giáo dục.
Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia Nhà nước ôm hết lĩnh vực giáo dục, đến cái việc quá đơn giản như xuất bản sách giáo khoa cũng ôm luôn. Mặc dù nay đã có một số trường tư mở ra (nhiều trường tốt hơn nhiều so với trường công), nhưng phần lớn trường học vẫn là trường công. Nhà nước hiện phải trả lương cho gần 1 triệu giáo viên và cán bộ giáo dục, chưa kể tiền chi cho xây dựng, bảo dưỡng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho trường lớp. Không có quốc gia bình thường nào chịu nổi một ngân sách như vậy. Mặc dù tiền chi cho giáo dục đã chiếm hơn 20% ngân sách Nhà nước nhưng con số tuyệt đối vẫn còn quá bé, bởi vậy mới có tình trạng "trường không ra trường", "thầy không ra thầy trò không ra trò" mà mọi người thường lớn tiếng chỉ trích.
Do đó, tư nhân hóa là con đường duy nhất để giải quyết các vấn nạn giáo dục ở Việt Nam. Nếu như 20% ngân sách Nhà nước đó chỉ dành tập trung cho những trường công cần thiết để đào tạo nhân tài thật sự thì Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một số trường hiện đại tầm cỡ quốc tế. Tất nhiên nó còn phải dành cho giáo dục phổ cập (vì bắt buộc nên phải miễn phí), mà theo luật ở nước ta thì bắt buộc đến cấp 2.
Về cái school voucher của M. Friedman, nó chính là cái voucher dành cho giáo dục phổ cập. Ý của ông này là cấp nó để học sinh tự do chọn trường, công hay tư tùy thích, chứ dĩ nhiên ông này không phản đối giáo dục tư nhân.
Giáo dục đào tạo thực ra là một dịch vụ. Trong xã hội hiện đại tính cho đến nay, có một số chỉ có Nhà nước mới làm được, chẳng hạn như phòng thủ quốc gia, an ninh, một phần phần công việc bảo vệ môi trường... Phần lớn dịch vụ còn lại chỉ có tư nhân đảm nhiệm mới tốt. Một số Nhà nước và tư nhân cùng làm nhưng có cạnh tranh, trong đó có giáo dục. Nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới là trường tư, điều đó thì ai cũng biết.
Vấn đề mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận là chuyện khác, nó phụ thuộc vào xu hướng của các cá nhân hoặc nhóm cá nhân mở trường. Những tuyên bố "phi lợi nhuận" cần được hiểu là kiếm lời không phải là mục đích chính, chứ người ta phải cân đối thu chi, nếu không thì làm sao tồn tại được.
Còn chuyện định giá tài sản nhà nước khi "cổ phần hóa" sao cho minh bạch, sao cho không để đất đai nhà cửa sở hữu nhà nước bán rẻ cho cá nhân, v.v... là chuyện khác.
Khi Nhà nước muốn lùi khỏi những việc không cần đến chức năng của Nhà nước, đó là việc tốt, đó chính là trách nhiệm đáng ghi nhận, sao lại nói Nhà nước "rủ bỏ trách nhiệm" ?
Trong quá trình tự do hóa kinh tế và tự do hóa xã hội, mỗi bước tiến đều gắn với một bước rút lui của Nhà nước. Dĩ nhiên, số đông dân chúng mỗi khi rời khỏi tấm chăn của Nhà nước sẽ không khỏi cảm thấy lạnh lẽo.
Cảm ơn ý kiến bác Hoàng Hải Vân. Tôi xin thảo luận vài điểm trong bài của bác.
ReplyDelete"Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia Nhà nước ôm hết lĩnh vực giáo dục, đến cái việc quá đơn giản như xuất bản sách giáo khoa cũng ôm luôn."
Câu này của bác cũng hơi đúng, nhưng chỉ hơi đúng thôi. Ở gần như toàn bộ các nước phát triển, hệ thống giáo dục phổ thông gần như toàn bộ nằm trong tay nhà nước, ở hầu hết các nước châu Âu, hệ thống giáo dục đại học cũng chủ yếu là giáo dục đại học công. Chỉ riêng trường hợp của Mỹ và một số nước theo mô hình Mỹ là hệ thống đại học tư phát triển. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đại học tư của Mỹ đều không phải là các "công ty" đại học mà đều là các tổ chức giáo dục-nghiên cứu phi lợi nhuận. Theo GS. Lâm Quang Thiệp thì 98% đại học tư ở Mỹ là phi lợi nhuận. Ở Việt Nam, nếu tính ra thì tỷ lệ chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục là rất lớn và tỷ lệ các trường tư ngày một tăng, không thể nào nói là Nhà nước ôm hết lĩnh vực giáo dục được (nhất là nếu xét về khía cạnh chi tiêu). Còn việc độc quyền xuất bản sách giáo khoa là một việc khác, tôi cũng không đồng ý chuyện này.
'Do đó, tư nhân hóa là con đường duy nhất để giải quyết các vấn nạn giáo dục ở Việt Nam." Đây là một kết luận hơi vội vàng và không có bằng chứng hay phân tích nào hỗ trợ. Nên lưu ý là tư nhân hóa trường công là một việc chưa từng có ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, ngay cả ở Đông Âu và Liên Xô trước đây, trong quá trình tư nhân hóa rầm rộ, người ta cũng không tính tới "con đường duy nhất" này. Hơn nữa, việc coi nó là một "con đường duy nhất" cũng sẽ dẫn tới thái độ cực đoan, coi nó là liều thuốc thần để chữa bách bệnh giáo dục. Với đầu óc đi tìm một thứ thuốc thần, người ta sẽ rất dễ mắc sai lầm.
"Về cái school voucher của M. Friedman, nó chính là cái voucher dành cho giáo dục phổ cập. Ý của ông này là cấp nó để học sinh tự do chọn trường, công hay tư tùy thích, chứ dĩ nhiên ông này không phản đối giáo dục tư nhân."
Friedman không phản đối giáo dục tư nhân. Tất nhiên, vì chẳng có ai có đầu óc lại phản đối nó. Vấn đề là Friedman cũng chưa từng bao giờ đòi tư hữu hóa hệ thống giáo dục công. Cái mà Friedman quan tâm là tăng tự do lựa chọn của cá nhân và tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường.
"Một số Nhà nước và tư nhân cùng làm nhưng có cạnh tranh, trong đó có giáo dục. Nhiều trường Đại học danh tiếng trên thế giới là trường tư, điều đó thì ai cũng biết."
Mệnh đề này chưa thuyết phục. Nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới là trường tư, nhưng không có nghĩa là biến trường công thành trường tư sẽ cải thiện chất lượng đào tạo. Hơn nữa, tất cả các trường đại học tư danh tiếng trên thế giới đều là các trường phi lợi nhuận. Các trường hoạt động vì lợi nhuận ở Mỹ có một tỷ lệ lớn là các trường bán bằng, dạy học online và không có tên tuổi gì.
Giáo dục đào tạo là một dịch vụ nhưng đó là một dịch vụ có tính ngoại ứng (externalities) rất cao, nghĩa là lợi ích tạo cho xã hội lớn hơn nhiều so với lợi ích tạo cho cá nhân. Trong khi các quyết định đầu tư của tư nhân thì chỉ dựa trên lợi ích cá nhân. Hơn nữa, còn các yếu tố về tính công bằng, khả năng tạo cơ hội...trong giáo dục cần phải tính tới.
Tóm lại, nếu Việt Nam tiến hành tư nhân hóa các trường đại học, biến trường đại học thành các công ty cổ phần hoạt động vì lợi nhuận thì đây là việc làm chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Khi làm việc này, những người chịu trách nhiệm cần đưa ra những nghiên cứu nhằm chứng minh việc chưa từng có này là có hiệu quả, là cần thiết, là giải pháp...và phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Chứ không thể coi đây là một chủ trương đúng đắn một cách nghiễm nhiên được.
Cám ơn bạn Linh đã có lời trao đổi lại. Trong một cái comment ngắn không thể nói đầy đủ về lý lẽ, tôi chỉ nói thêm vài lời vắn tắt về những điều bạn đưa ra :
ReplyDelete1-Bạn Linh bảo “Ở gần như toàn bộ các nước phát triển, hệ thống giáo dục phổ thông gần như toàn bộ nằm trong tay nhà nước”. Điều đó có thể đúng, nhưng cần nhớ rằng ở những nước đó người ta phổ cập giáo dục phổ thông. “Phổ cập” là bắt buộc, bắt buộc thì miễn phí, miễn phí phải là học trường công. Vì vậy mới sinh ra cái voucher của M. Friedman, là cái phiếu Nhà nước thanh toán tiền học với trường tư cho những người trong diện phổ cập. Có cái voucher đó thì khuyến khích được trường phổ thông tư, không có thì người ta buộc phải học trường công.
2-Bạn nói xét trên khía cạnh chi tiêu gia đình thì không thể nói Nhà nước ôm hết lĩnh vực giáo dục được. Điều này không đúng, vì phần lớn là chi cho học phí và các khoản đóng góp cho trường công. Tôi chưa có con số thống kê chính xác học sinh trường công trường tư, nhưng chắc chắn là tỉ lệ học trường tư rất thấp. Ở Việt Nam học sinh sinh viên trường công cũng nộp học phí và nhiều thứ tiền khác cho nhà trường. Đó là điều phi lý. Đây chẳng qua là việc tăng thuế trá hình để bổ sung ngân sách cho trường công mà thôi.
3-Bạn nói tư nhân hóa trường công là “chưa có tiền lệ trên thế giới”. Đúng vậy. Tư nhân hóa nền kinh tế cũng chưa có tiền lệ mãi cho đến đầu những năm 1980 khi Mrs. Thatcher cho tiến hành ở nước Anh. Chưa có tiền lệ không có nghĩa là không thể làm. Nước Nga và Đông Âu tư nhân hóa ào ạt cái gì và cái gì không muốn tư nhân hóa, đó không phải là mô hình chúng ta nên bắt chước. Bạn thử nghĩ coi : mở một trường tư và chuyển một trường công thành một trường tư (tất nhiên chuyện này còn xa hơn là “cổ phần hóa” mà chúng ta đang nói tới) khác nhau cái gì ? Nó chỉ là việc Nhà nước thu hồi lại vốn mình đã đầu tư cho cái trường ấy thôi, còn nội dung thì cái trường tư và cái trường được “tư nhân hóa” không khác gì cả, sao lại phải chờ có “tiền lệ” ?
4-Về “98% đại học tư ở Mỹ là phi lợi nhuận” thì cần phải hiểu sự khác biệt giữa những tuyên bố và thực tế. Nhưng dù hiểu như thế nào thì một đại học tư cũng không bao giờ là một tổ chức từ thiện không thu học phí. Đó là chưa kể uy tín, danh tiếng cũng là một hình thức của lợi nhuận.
5-Về quan điểm mang tính đạo lý của bạn : “Giáo dục đào tạo là một dịch vụ nhưng đó là một dịch vụ có tính ngoại ứng (externalities) rất cao, nghĩa là lợi ích tạo cho xã hội lớn hơn nhiều so với lợi ích tạo cho cá nhân. Trong khi các quyết định đầu tư của tư nhân thì chỉ dựa trên lợi ích cá nhân. Hơn nữa, còn các yếu tố về tính công bằng, khả năng tạo cơ hội...trong giáo dục cần phải tính tới”. Ý của bạn là trường công đem lại lợi ích cho xã hội lớn hơn trường tư ? Điều này không có sức thuyết phục. Một sinh viên học chương trình ấy, với những ông thầy ấy (có nhiều giáo viên trường công sang dạy trường tư) chẳng lẽ ngồi trong ngôi trường do tư nhân quản lý lại xấu hơn ngôi trường do nhà nước quản lý ? Cái quan trọng là sản phẩm giáo dục, tức là người sinh viên ra trường làm được cái gì. Đó mới là sự thuyết phục. Đọc cái tít bài trên Vietnamnet “Trường đại học sẽ biến thành hội buôn ?” nhiều người thấy khó chịu. Trước đây kỳ thị tư nhân kinh doanh buôn bán, nay thì kỳ thị tư nhân làm văn hóa, giáo dục. Không biết cái não trạng cao đạo đó đến bao giờ mới chấm dứt ? Còn “tính công bằng” và “khả năng tạo cơ hội” mà bạn bảo phải cần tính đến, đó là cái gì vậy ? Theo tôi thì “tính công bằng” hay “cơ hội” đã được tính đến trong chủ trương phổ cập giáo dục miễn phí rồi. Trong hoàn cảnh một nước nghèo như nước ta làm được như vậy là quá tốt rồi, nhưng trong thực tế Nhà nước có thực hiện được chủ trương này đâu. Cấp 1 vẫn thu phí, cấp 2 vẫn còn học phí. Thế mà mới định chuyển giao một phần đại học cho tư nhân làm nhiều người đã vội la toáng lên là mất lập trường, mất quan điểm.
Tôi cũng xin góp ý cho anh Linh trong nhận xét này: "ở hầu hết các nước châu Âu, hệ thống giáo dục đại học cũng chủ yếu là giáo dục đại học công".
ReplyDeleteNhiều nước châu Âu đã phải đối diện với những bất cập của chính sách miễn học phí ở giáo dục đại học, và từ vài năm trước, họ đã quay trở lại thu học phí của sinh viên. Không phải cứ "công" 100% là tốt. Và tất nhiên, tư nhân hóa 100% cũng không phải là hay.
Em có vài điều xin hỏi bác Hoàng Hải Vân.
ReplyDelete1. Bác có ghi chú là ở các nước phát triển mà hệ thống giáo dục phổ thông gần như nằm toàn bộ trong tay nhà nước người ta phổ cập giáo dục phổ thông. Điều này liên quan gì đến vấn đề tranh luận ở đây?
2. Bác bảo ý kiến rằng "xét trên khía cạnh chi tiêu gia đình thì không thể nói Nhà nước ôm hết lĩnh vực giáo dục được" là không đúng vì các khoản chi tiêu đó là phi lý, đúng vậy không nhỉ? Có gì liên quan giữa sự phi lý của các khoản chi tiêu đó và tính xác thực của việc người dân vẫn phải đóng góp cho giáo dục? Mà tại sao nộp học phí cho trường công lại là phi lý?
3. Anh Linh không nói là nhất thiết phải chờ tiền lệ, mà chỉ nói rằng chuyện cổ phần hóa đó chẳng phải là tất yếu hay duy nhất gì cả, nếu định tiến hành thì phải có nghiên cứu kỹ lưỡng.
4. Theo ý kiến của bác, các trường đại học tư ở Mỹ cũng là vì lợi nhuận, nhất là khi hiểu lợi nhuận theo nghĩa rộng. Điều này em thấy đúng. Nhưng tôi thắc mắc là tại sao 98% các trường đại học này phải tuyên bố là họ làm việc không vì lợi nhuận trong khi phần lớn các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ và hàng hóa khác thì lại không tuyên bố như vậy? Thông điệp ngầm hiểu ở đây là giáo dục không phải là một mặt hàng kinh doanh bình thường và cần phải chú trọng tới những những mục đích khác lớn hơn là lợi nhuận về tài chính. Tôi thấy giáo dục nếu là một mặt hàng thì nó rất đặc biệt, không thể áp dụng các khái niệm và cơ cấu vận hành của việc buôn bán, trao đổi các loại hàng hóa dịch vụ bình thường khác sang được.
5. Anh Linh có nêu ra một trong những đặc điểm đặc biệt của giáo dục "đó là dịch vụ có tính ngoại ứng rất cao (externalities), nghĩa là lợi ích tạo cho xã hội lớn hơn nhiều so với lợi ích cho cá nhân" và chỉ ra rằng "trong khi đó các quyết định đầu tư của tư nhân thì chỉ dựa trên lợi ích cá nhân". Điều này có nghĩa có thể có mâu thuẫn về lợi ích, nên chuyện tư nhân hóa không thể là tất yếu hay duy nhất.
Anh Linh không nói là trường công là hơn, mà chỉ nói rằng chuyện cổ phần/tư nhân hóa đó là phiêu lưu (em thấy đúng vì chưa có tiền lệ và chưa có cơ sở khoa học nào) và khó hiểu (em cũng thấy đúng vì vẫn chưa hiểu được, những giải thích của bác không làm em thấy sáng ra)
Bác Hoàng Hải Vân uyên bác thế mà có cái not-for-profit/nonprofit như thế nào nói cũng không xong. Và thực ra mô hình bệnh viện, đại học not-for-profit (đặc biệt là ở Mỹ) nó hoạt động cụ thể như thế nào cũng không rõ. Cơ cấu giám sát, hoạt động, tổ chức, thuế và lợi nhuận nằm trong "law" và "bylaw" chứ không phải trong "tuyên bố".
ReplyDeleteVề ý kiến của bạn Phùng Hà Thanh : Chuyện mà bạn Linh nói hệ thống giáo dục phổ thông gần như nằm trong tay Nhà nước ở các nước phát triển, tôi bảo sở dĩ như vậy là vì ở các nước đó người ta phổ cập giáo dục phổ thông, nghĩa là giáo dục phổ thông bắt buộc. Nhà nước bắt buộc nên Nhà nước phải chi tiền. Tư nhân muốn làm thì Nhà nước phải trả tiền lại cho tư nhân, ví dụ thông qua cái voucher như đã nói.Điều liên quan là ở chỗ đó.
ReplyDeleteVề ý kiến của bạn Khuê Việt : Nếu bạn biết những quy chế nonprofit mà các trường tư hoặc một số tổ chức khác áp dụng thì bạn đã hiểu. Chuyện profit hay nonprofit không phải là đề tài bàn ở đây nên không cần phải nói rõ.
Tại sao không nhỉ? Nó liên quan trực tiếp đến lý luận (so sánh) của bác mà. Ở đây là việc chia lợi nhuận.
ReplyDeleteBác Hoàng Hải Vân ơi, cái voucher ấy hiện nay mới chỉ thí điểm ở một số nước, một số trường thôi. Nó cũng chưa được áp dụng rộng rãi vì cũng còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, một bang (hình như Arizona) đã cấm dùng school voucher vì cho rằng nó đi ngược với luật của bang quy định cấm dùng tiền của chính phủ tài trợ cho các trường học có tính tôn giáo. Chưa kể hiệu quả của school voucher vẫn đang là vấn đề được tranh luận sôi nổi trong giới nghiên cứu.
ReplyDeleteThực ra đề cập school voucher ở đây là không liên quan nhiều lắm vì chúng ta đang bàn luận tới vấn đề giáo dục đại học trong khi school voucher tới nay mới chỉ được áp dụng (thí điểm) ở giáo dục phổ thông. Tôi chỉ nhắc tới vì trong bài viết của mình, TS. Tự Anh có đề cập tới nó như một giải pháp "xã hội hóa" giáo dục. Nhưng nếu so sánh việc người Mỹ triển khai "school voucher" này với việc Việt Nam dự định tiến hành thí điểm cổ phần hóa 15-20 trường Đại học đã cho thấy sự khác biệt rất lớn.
Ở Mỹ, school voucher được áp dụng ở mức độ địa phương, do chính quyền thành phố hay bang tiến hành ở một số trường học trên diện hẹp. Các kết quả sau đó được đánh giá tỷ mỷ, số liệu cung cấp cho giới nghiên cứu và có rất nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của việc áp dụng school voucher tới học lực học sinh. Và mặc dù school voucher đã được áp dụng từ năm 1990 nhưng cho tới nay, nó vẫn chưa phải được áp dụng toàn bộ trên nước Mỹ mà chủ yếu giành cho các đối tượng thu nhập thấp, da màu, sống ở các khu vực có trường học chất lượng thấp.
Trong khi đó, ở Việt Nam, việc cổ phần hóa đại học là một giải pháp có tính cực đoan hơn nhiều so với (school voucher). Nhưng lại không có bất cứ nghiên cứu nào được các cơ quan có trách nhiệm đưa ra để chứng minh rằng đây là một giải pháp cần thiết, hợp lý, hạn chế được các tiêu cực, giải quyết được vấn nạn giáo dục, tốt hơn các khả năng khác... Người ta chỉ biết rằng đấy là một "chủ trương" của Chính phủ. Đó mới là vấn đề lớn nhất trong hoạch định chính sách của Việt Nam.
Bác HHV nói rằng trước Thatcher, ở phương Tây người ta cũng chưa biết tới tư nhân hóa để nói rằng không nhất thiết phải có tiền lệ cho một quyết định đúng đắn. Tôi cũng đồng ý là không phải cái gì Tây làm thì cũng đúng ở ta hay cái gì ta làm mà Tây chưa từng làm thì không tốt. Nhưng theo tôi, nếu ta làm một việc mà cả thế giới người ta không làm (tư hữu hóa trường đại học công, biến đại học thành cơ sở kinh doanh) thì chúng ta phải hết sức thận trọng, trước hết phải đặt ra câu hỏi tại sao thế giới người ta không làm như thế? Sau đó là phải trả lời câu hỏi tại sao thế giới không làm mà ta vẫn cần phải làm. Tất cả những vấn đề đó tôi không hề thấy có câu trả lời nào cả. Loanh quanh chỉ vẫn khái niệm cũ kỹ rằng giáo dục là hàng hóa và hàng hóa nào thì cũng có thể kinh doanh.
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteTheo BH biết thì trường THPT, ĐH bên Hà Lan toàn là tư. Do Nhà Nước phải tuân thủ luật "free education", nên tư nhân được quyền mở trường, nhưng phải tuân thủ và đáp ứng được nhiều quy định (condition) do nhà nước ban hành để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
ReplyDeleteLương giáo viên là chính phủ chi trả. Học phí của học sinh là chính phủ tài trợ, học phí trên ĐH là phải vay của chính phủ để trả. Sau này có việc làm thì trả sau, còn nếu không có việc làm thì không phải trả.
Bên cạnh đó, các trường học được nhà nước trợ cấp tài chính. Bao nhiêu, còn tùy thuộc vào lượng học sinh trường đó, và chất lượng giảng dạy của trường đó.
Bộ GDĐT phải có trách nhiệm giám sát (inspecton) các trường, hàng năm phải gửi reports lên Chính Phủ.
Có câu này họ thường nói: Chính Phủ quyết định "cái gì", trường học quyết định "như thế nào".
Hồi năm 2004, thì 2/3 income của các trường ĐH là từ chính phủ.
BH không biết cấu trúc trong nước thế nào.
Tôi cũng không nghĩ là cái voucher đó đã được áp dụng phổ biến và cũng không cho là nó có liên quan gì đến việc "cổ phần hóa" đại học mà chúng ta đang nói. Tôi cũng không đề cập đến việc biến trường đại học thành công ty kinh doanh, vì chuyện tư nhân hóa các trường đại học theo tôi không nhất thiết sẽ dẫn đến đó. Tôi chỉ ủng hộ việc mở rộng trường tư thôi và theo tôi là trường tư hoặc trường được "tư nhân hóa" không có gì khác nhau cả.
ReplyDeleteViệc nói qua nói lại nên chấm dứt tại đây. Cám ơn bạn Linh nhiều.
Ở VN, những quyết định quan trọng ánh huởng tới toàn dân thường đưọc 1 nhóm người quyết định suông mà không dựa trên 1 cơ sở khoa học hay thống kê nào ..
ReplyDeleteGD VN đang trên bờ vực thắm (nếu không nói là đang rơi xuống vực rồi) mà lãnh đạo kiểu nguyễn thiện nhân không nhìn ra được cái bệnh, cái gốc : đó là sự lãnh đạo dốt nát cuả Đảng ..
Trong hoàn cảnh này mà càng cổ phần hoá sẽ càng thảm bại
"Những tuyên bố "phi lợi nhuận" cần được hiểu là kiếm lời không phải là mục đích chính, chứ người ta phải cân đối thu chi, nếu không thì làm sao tồn tại được."
ReplyDeletePhải cân đối thu chi, nhưng bác Hoàng Hải Vân lờ đi điều cốt yếu của một tổ chức "phi lợi nhuận" là phần lời đó KHÔNG ĐƯỢC PHÉP đem chia nhau như trong trường trường hợp công ty "vì lợi nhuận".
1/ Tôi không hiểu VN đã có quy chế « tổ chức vô vị lợi » chưa, hình như chưa mà chỉ có những khẳng định của tổ chức này, tổ chức khác rằng mình hoạt động « vô vị lợi », cho nên bác Hoàng Hải Vân mới tỏ ý nghi ngờ. Nhưng ở các nước Âu Mỹ (có lẽ hầu khắp thế giới) thì khó có thể nghi ngờ như vậy. Cái khác cơ bản giữa một trường tư « vô vị lợi » với một trường tư khác là ở trường thứ nhất chủ sở hữu là người hay tổ chức (phần lớn là các tổ chức) đã đăng ký hoạt động vô vị lợi theo luật pháp, nên KHÔNG cá nhân nào có tư cách pháp nhân là cổ đông, do đó không có chuyện chia lãi. Điều đó không mâu thuẫn với việc trường « vô vị lợi » vẫn phải hoạt động một cách kinh tế nhất, để có thể phát triển hay tối thiểu là tồn tại ! Còn trường « vị lợi » hoạt động theo quy chế doanh nghiệp (điều này cũng được xác nhận trong Quy chế « cổ phần hoá các cơ sở công có thu » của bộ Tài chính), mà mục tiêu là lãi để chia cho các cổ đông, khó có thể nói là điều này không ảnh hưởng tới các chọn lựa, quyết định của trường.
ReplyDelete2/ Là một trong những người đã hỗ trợ ngay từ đầu nhóm sáng lập ra trường dân lập đầu tiên ở VN những năm cuối thế kỉ trước – trường Thăng Long - (bằng cách đóng góp thường xuyên những năm đầu, khi trường cần), tôi không phản đối việc có một hệ thống trường tư bên cạnh các trường công. Ngày nay, việc mở trường đại học tư không còn khó khăn gì lắm, nhưng nhìn kỹ hệ thống trường này chưa đóng góp được gì nhiều vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học VN : ngoài việc cung cấp thêm một số ghế « đại học » cho học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, chưa có trường nào thoát khỏi được những cơ chế kìm hãm nền đại học – hoặc chỉ một số rất nhỏ, ở một vài lĩnh vực nhỏ -, xây dựng được « thương hiệu » đại học đích danh của mình, thậm chí cạnh tranh được với những trường công hiện có. Vậy tại sao có sự đồng thuận của một số người có tiền muốn nhảy vào lĩnh vực giáo dục và một số quan chức chính phủ để mở ra cái quy chế cổ phần hoá nói trên ? Câu trả lời, tôi sợ rằng rút cục vẫn lại quy về một chữ « lợi ». Cái lợi nhãn tiền, ngắn hạn của một số nhỏ chứ không phải cái lợi lâu dài của đa số thanh niên, của dân tộc VN. Nếu thực tâm muốn cải tổ nền giáo dục đại học VN, người ta đã lắng nghe và cố gắng thực thi nhiều ý tưởng rất tâm huyết của những nhà giáo có uy tín, chẳng hạn như những điều được nêu trong Kiến nghị của giáo sư Hoàng Tuỵ (và nhóm nhà giáo, nhà nghiên cứu đồng tâm với ông).
3/ Để chứng minh điều ngược lại, tôi nghĩ có một phép thử đơn giản. Chính phủ hãy ghi rõ trong Quy chế cổ phần hoá này điều khoản sau đây (tất nhiên phải viết lại theo ngôn ngữ pháp lý một cách chính xác nhất) : hội đồng trường được cổ phần hoá (dù các cổ đông tư nhân nắm bao nhiêu phần trăm trong đó) không được quyền bán với bất kỳ lý do nào (quyền sử dụng) đất đai, dù chỉ là một mét vuông, của trường được cổ phần hoá ; không được sử dụng bất kỳ một phần nào của cơ sở trường được giao vào các hoạt động kinh doanh ngoài giáo dục (như cho thuê mặt bằng để mở hàng quán v.v.). Khi đó, nếu vẫn còn những người nhảy vào mua cổ phần thì nỗi sợ trên kia mười phần đã giải toả được năm, bảy rồi...
VVN có bài viết cuả TS Lê đăng doanh. Xin trích
ReplyDelete"Tôi xin nhấn mạnh rằng, không chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình công ty cổ phần thì vẫn phải cải cách mạnh mẽ theo hướng trao thêm nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Không cải cách quản lý giáo dục, chỉ thông qua cổ phần hoá để "cởi trói" là một điều xa vời. "
Theo thực trạng và năng lực điều hành và quản lý cuả Đảng và chính phủ ngaỳ hôm nay và trong tưong lai (vì không có gì thay đổi) thì dự án cổ phần hoá ĐH cũng giống như câp phép cho dự án sân golf chỉ là cái cơ hội để các bác nhà ta có thêm tiền cho con cháu đi du học ..