Saturday, May 23, 2009

Roh Moo-hyun



Roh Moo-hyun, cựu Tổng thống Nam Hàn tự sát bằng cách nhảy xuống vực do hổ thẹn trước những vụ tham nhũng liên quan tới gia đình ông. Cụ thể, vợ và cháu rể ông bị cáo buộc nhận hối lộ 6 triệu đô-la từ một công ty.


Ngày 30/4 vừa qua, trước khi bị các công tố viên thẩm vấn về vai trò của ông trong cáo buộc tham nhũng, ông nói với các phóng viên:
"Tôi không thể nhìn vào mặt các bạn bởi hổ thẹn. Tôi xin lỗi đã làm nhân dân thất vọng".

Ngày 22/4, ông viết trên trang web của mình "Các bạn có thể vứt bỏ tôi. Tôi không còn tượng trưng cho các giá trị các bạn theo đuổi. Tôi không còn đủ khả năng để nói tới những điều như dân chủ, tiến bộ và công bằng."

Roh Moo-hyun từng là niềm hy vọng lớn của người Hàn. Ông được coi là người đứng ngoài nền chính trị ruỗng nát của Hàn Quốc, nơi những mối quan hệ "thân tình" giữa các quan chức Nhà nước và các ông trùm tư bản khiến cho tham nhũng và hối lộ đã trở thành một đặc điểm của chính trị và quyền lực. Là một luật sư bảo vệ nhân quyền, ông tranh cử với tuyên ngôn về một nền chính trị sạch, chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông nhận được sự ủng hộ của nhiều người trẻ tuổi, nhất là tầng lớp trung niên ngày nay từng tham gia phong trào chống đối chính quyền quân sự trong những năm 80. Roh Moo-hyun hy vọng tạo ra sự đổi thay trong chính trị Hàn Quốc, phá vỡ mối liên hệ ngầm giữa chính trị và "đại gia", chống lại sự thao túng thông tin của các tập đoàn truyền thông khổng lồ và bớt dựa vào Mỹ trong các chính sách đối ngoại. Nhưng rút cục, Roh Moo-hyun hay những người quanh ông cũng không tránh khỏi vết chàm của tham nhũng.

Kết quả là sự sụp đổ và nỗi hổ thẹn. Thất bại ấy đối với Roh Moo-hyun còn cay đắng muôn phần vì hẳn ông từng tin rằng mình có thể tạo ra sự thay đổi với hình ảnh của một chính trị gia "sạch". Hẳn ông cũng đau đớn và hổ thẹn hơn nữa khi đã làm thất vọng những người từng ủng hộ ông, những người từng tin tưởng vào ông, vào những giá trị trong sạch, tự cường và liêm chính mà ông từng là hiện thân. Cái tâm trạng của Roh Moo-hyun khi nói "Tôi không thể nhìn vào mặt các bạn bởi hổ thẹn. Tôi xin lỗi đã làm nhân dân thất vọng" có lẽ cũng không khác mấy lời Hạng Vũ khi nói với người lái đò ở Cai hạ "Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Tịch còn mặt mũi nào nhìn thấy các bậc phụ lão Giang Đông nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao"*

Roh Moo-hyun chọn cái chết để lấy lại danh dự bản thân và lòng tôn trọng của nhân dân. Ông xứng đáng nhận được sự tôn trọng của nhân dân. Như một vị tướng đầy quả cảm và quyết tâm lúc thất trận liền tự sát để bảo toàn danh dự.

Trước Roh Moo-hyun đã có hai tổng thống phải xin lỗi dân chúng vì người thân của mình dính dáng vào các vụ tham nhũng, hối lộ hay bất minh tài chính. Đó là các tổng thống Kim Young-sam và Kim Dae-jung. Họ đều từng là những người hùng trong cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, chống lại chế độ độc tài quân sự trong quá khứ. Khi lên làm Tổng thống, họ đã có nhiều cải cách nhằm tăng cường dân chủ, đoàn kết dân tộc, hạn chế quyền lực của các tập đoàn khổng lồ và trong sạch hóa hệ thống chính trị. Nhưng trong một cái ổ toàn cạm bẫy và tham nhũng, khó tồn tại được những nhà chính trị hoàn toàn "sạch". Và cho dù họ có sạch thực sự thì những người thân và trợ thủ của họ cũng khó lòng giữ sạch được. Con trai của hai vị cựu tổng thống này đều bị dính vào các vụ tham nhũng và họ đều phải đứng ra xin lỗi nhân dân do trách nhiệm tinh thần trước việc người nhà tham nhũng. Trước đó nữa, hai tổng thống do chế độ quân sự lập ra là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo từng bị truy tố và kết án tử hình (nhưng sau đó được ân xá) vì tội nhận hối lộ hàng trăm triệu USD từ các tập đoàn.

Rõ ràng, con đường đi tới dân chủ và một nền chính trường sạch ở Hàn Quốc vẫn còn là con đường đầy chông gai mà chỉ sơ sảy chân trên đó có thể phải trả giá bằng danh dự, và đôi khi là cả mạng sống của mình như cái giá mà cựu tổng thống Roh Moo-hyun đã phải trả. Dù sao, nền dân chủ của Hàn Quốc cũng mới chỉ có 16 năm tuổi.

Nhưng một dân tộc có những người lãnh đạo dám cúi đầu hối hận, xin lỗi trước nhân dân vì những điều sai trái mà người thân của mình làm, thậm chí có người từ tuyệt đỉnh vinh quang dám lao đầu xuống vực để chuộc lỗi với nhân dân- dân tộc đó rồi sẽ trường tồn và phồn vinh như những gì họ từng chứng tỏ cho thế giới trong 50 năm phát triển và 15 năm dân chủ.

Còn một dân tộc có những quan chức trơ tráo và vô sỉ, những ông quan than trách "nhân dân bây giờ ỉ lại lắm", những ông quan hùng hốn mắng những người trí thức là xuyên tạc, là tiếp tay cho phản động, những nhà lãnh đạo cả đời chưa bao giờ biết nói lời xin lỗi mà chỉ luôn khẳng định "chủ trương đúng đắn"?

Dân tộc đó đừng nên trách ai (...) nếu cứ mãi nghèo và mãi hèn.

Hàn Quốc đã có hai vị tổng thống bị tòa án kết tội tham nhũng, ba tổng thống phải xin lỗi nhân dân vì người thân phạm pháp và một tổng thống lao mình xuống vực để chuộc lỗi với nhân dân.

Còn chúng ta? Chúng ta có những nhà lãnh đạo vô cảm, những quan chức vô cảm, những nghị sĩ vô cảm. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta còn có nhân dân vô cảm.


* Câu này ở Việt Nam lẽ ra một số người cũng có thể nói. Nhưng có ai nói? Hạng Vũ được người Trung Hoa suy tôn làm anh hùng, không phải bởi vì đánh bại nhà Tần, làm Tây Sở Bá Vương lừng lẫy. Có khi chỉ vì câu nói này.

15 comments:

  1. Bài viết rất hay, nhưng đoạn kết hơi đóng. Anh nên hé mở cánh cửa tới một con đường nào đó nữa... :)

    ReplyDelete
  2. Bài viết hay tuyệt. Tôi xin ngả mũ trước bác Linh. Đúng là đâu đó luôn có người dũng cảm, có người nghĩ khác.

    ReplyDelete
  3. Câu kết luận nghe như muốn khóc. Bi kịch của một dân tộc đâu chỉ ở người lãnh đạo tồi mà chính là nơi "nhân dân vô cảm."
    Nhưng dẫu tất cả "đã lạnh tanh trước những dung tục đời thường" thì bài viết của bạn vẫn làm mình liên tưởng đến 2 câu thơ của Đỗ Trung Quân
    "Nên anh vẫn cứ muốn nói hoài về hoa cỏ
    Để còn biết giật mình khi chạm một làn hương."
    Keep it up, Linh nhé.

    ReplyDelete
  4. Càng lên cao gió càng mạnh, thế mới thấy cái quy trình phấn đấu xưa cũ "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" vẫn còn nhiều giá trị vận dụng lắm thay!

    ReplyDelete
  5. Chính xác là nhân dân vô cảm... sự vô cảm này làm trầm trọng hóa bệnh vô cảm, tham nhũng, ích kỷ của quan chức chính quyền.
    HQ nhờ áp lực của nhân dân mà các quan chức, nghệ sĩ... đa phần có cách sống trong sáng.

    ReplyDelete
  6. Không thể hay hơn! Xin có lời khen ngợi và ngả nón khâm phục, thưa bạn!

    ReplyDelete
  7. Bên Hàn QUốc và Nhật Bản toàn "hàng hiếm".
    BH thấy họ bị áp lực từ xã hội nhiều và họ không có sự kiên trì chống lại nó. BH không nghĩ rằng vì họ "đa phần có cách sống trong sáng".

    Những nghệ sĩ của HQ JP tự vẫn, thường viết lại rằng do bị áp lực quá lớn đối với họ.

    Số người tự tử ở Nhật Bản và Hàn Quốc khá cao.
    Lý do tự vẫn thường là bị mất đi uy tín, thất nghiệp, gặp vấn đề trong tài chánh.

    Nếu BH trong trường hợp ông Roh này, không đi tự vẫn đâu. Tự vẫn làm gì? Xin lỗi nhân dân, từ chức là được rồi. Mà nếu có đi thì không dám nhảy núi đâu. Híc, đau lắm.

    Người Việt mình có thói, dù có khó khắn chăng mấy đi nữa, họ vẫn có tính khôi hài. Còn người Nhật Bản, TQ, HQ sống thầm lặng, kín đáo lắm.

    Có nước nào lại có hài Táo Quân như mình không?
    =))

    ReplyDelete
  8. "..Chúng ta còn có nhân dân vô cảm..."

    Đây là câu mà em đã chờ đợi từ lâu lắm rồi :)

    ReplyDelete
  9. "Sau khi dời chính trường ... ông bị điều tra tham nhũng ...bị các công tố viên triệu tập thẩm vấn".

    Tôi cho rằng vấn đề chính là ở chỗ này. Nếu nhưng không bị thẩm vấn hoặc các công tố viên không có đủ hết quyền để điều tra mọi góc ngách ... thì chưa chắc ông ta đã chọn kết cục thế này.

    Nói dân VN vô cảm thì cũng có 1 phần đúng, nhưng phải nói nguyên nhân chính để dân ta không thể vượt qua ngưỡng vô cảm đó là họ không có luật pháp bảo vệ. Nếu bây giờ mà Bộ CT "thí điểm" để quốc hội được thành lập 1 ban điều tra tham nhũng riêng với thành viên do "dân bầu ra" (VD bác Linh trưởng ban chả hạn). Cho toàn quyền xem xét mọi tài liệu và thẩm vấn. Tất nhiên bác Linh cũng phải làm đúng quyền hạn và chịu sự giám sát của QH. Tôi tin là khối ông phải xin lỗi ...rồi cái bác gì chuyên gia vớt xác ở sông Hồng ý sẽ làm việc không xuể đâu.
    Tôi sợ lúc đó dân ta lại "đa cảm" quá ... đem các loại nón mũ ra dùng ý chứ.

    ReplyDelete
  10. "Nhưng hơn thế nữa, chúng ta còn có nhân dân vô cảm."

    Chính cái "thiên đường" XHCN đã tạo ra những con người như vậy. Dưới thời nô lệ cũng có những con người vô cảm.

    ReplyDelete
  11. Tôi run cả người khi đọc bài viết này của bạn.

    ReplyDelete
  12. "nhân dân" nếu nói như thế là chúng ta đang chỉ chung mọi người, trong đó có chúng ta sao? Không phải tất cả người dân vô cảm mà vì họ ko tìm ra được con đường để đi đến sự thật, con đường để "giải thoát", họ bị đè nén, bị nhồi nhét... Ai đó hãy can đảm chỉ ra đâu là ánh sáng đi...Cám ơn a.Linh đã viết bài viết thực tế như thế

    ReplyDelete
  13. Dân tộc đó đừng nên trách ai (...) nếu cứ mãi nghèo và mãi hèn.
    -------------------

    Xin lỗi bác Linh tôi nghĩ rằng những nhà lãnh đạo của một dân tộc được tạo nên từ chính dân tộc đó.

    Tổng thống Hàn Quốc biết xấu hổ bởi vì sức ép của dân tộc Hàn Quốc lên ông lớn đến nỗi ông không chịu đựng được nỗi nhục nhã mà phải tự tử.

    Thế tôi hỏi bác dân tộc bác muốn nói đến đó có gây sức ép gì lên vị lãnh đạo của họ để vị lãnh đạo của họ biết xấu hổ

    Hay dân tộc của bác muốn nói đến chỉ biết nghe lời lãnh đạo, như cách nói "tôi đồng tình với chủ trương lớn".

    Tôi nghĩ rằng nên xem lại tính cách của dân tộc trước khi phán xét những vị lãnh đạo của dân tộc. Nhân nào thì cho ra quả nấy.

    ReplyDelete
  14. @Duy Linh: Bác đánh đồng dân tộc và lãnh đạo, e rằng không phải thế

    ReplyDelete
  15. minh dong y voi ban Linh, lanh dao da ngu dot, nhung nguoi dan VN vi da song trong canh kem kep da lau nen suy nghi thu dong va ho hinh nhu it ai nhan thay dieu do. Tham chi rat nhieu nguoi da di nuoc ngoai, hoc hanh o nuoc ngoai ma van mang tu tuong hu lau. Cha trach luc toi ve tham VN, nhieu khi dung xe truoc den do cung tro thanh mot thang he vi ko ai ung xe ca ma. Chong toi thuong noi voi toi la "dan Viet Nam nhu the, nhung em ko duoc nhu the". Vi chong toi la nguoi nuoc ngoai nen anh ay thuong nhac nho toi vay do. Nhieu khi cung tuc lam vi bi chong coi thuong nguoi dan VN chi vi cach cu xu theo kieu bi dan ap quen roi nen ko hoi why what when....

    ReplyDelete