Wednesday, May 13, 2009

Tác động của kích cầu

Bình luận của TS. Vũ Thành Tự Anh, chương trình Fulbright về hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ. Nhìn chung, theo ông Tự Anh thì các gói kích cầu này không hiệu quả. Đáng chú ý là nghiên cứu này có tham khảo ý kiến một số doanh nghiệp nhưng theo tôi, mẫu hơi bé (14-16 doanh nghiệp với câu hỏi về hiệu quả kích cầu, 28 doanh nghiệp với câu hỏi về vấn đề của DN) nên khó chính xác. Không biết các cơ quan như VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp có các khảo sát về vấn đề này trên quy mô lớn hơn không?

Theo TS. Tự Anh thì vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là suy giảm nhu cầu thị trường, trong khi các biện pháp kích cầu chủ yếu là nhằm tăng vốn của doanh nghiệp. Chính sách kích cầu được nhắc tới nhiều nhất là chính sách bù lãi suất nhưng ông Tự Anh nghi ngờ rằng một số lớn vốn vay này sẽ quay trở lại ngân hàng dưới hình thức đảo nợ. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ không phải là kích cầu mà là chính sách giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn. Chỉ có điều khác với chính sách giải cứu thông thường là trong chính sách giải cứu (chính danh) thì thường đòi hỏi sự minh bạch trong thông tin, với những điều kiện gắt gao cho các doanh nghiệp tham gia chương trình giải cứu…Nhưng với chính sách kích cầu qua lãi suất như hiện nay thì hình như không ai biết được DN sử dụng số vốn vay thế nào: để sản xuất kinh doanh mới hay để trả nợ cũ…

Nói chung, định hướng chính sách kích cầu hiện nay không rõ ràng và không có sự phân định giữa các khái niệm kích cầu hay kích cung, kích cầu hay giải cứu…Tất cả các gói chính sách ấy đều được gộp vào dưới cái tên “kích cầu” trong khi thiết kế của nó, hay tác động thực tế của nó, chưa chắc đã nhằm làm tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ là kích cầu nếu doanh nghiệp vay vốn đó để đầu tư. Nhưng nếu doanh nghiệp vay vốn đó để đảo nợ thì sẽ không còn gọi là kích cầu được nữa, mặc dù nó vẫn có thể có tác dụng tích cực nào đó. Vấn đề không phải là đảo nợ là xấu hay tốt mà là chúng ta không theo dõi được tiến trình đó và có sự mâu thuẫn giữa chính sách dự định và thực tế chính sách. Về nguyên tắc thì hỗ trợ lãi suất cấm đảo nợ nhưng thực tế thì việc này vẫn diễn ra mà không thể kiểm soát được. Thay vào đó, nếu thực sự thấy cần thiết thì có lẽ Chính phủ nên đưa ra một gói “giải cứu” (bail-out) riêng biệt với gói “kích cầu”.

Những chính sách như miễn thuế thu nhập cá nhân, theo tôi không có tác dụng gì khi chỉ có 300.000 người chịu thuế này trên cả nước và nhóm này có mức độ chi tiêu trên thu nhập thấp. Chính sách giảm thuế VAT và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể có hiệu quả thiết thực hơn, nhất là nếu (với thuế VAT) nhằm vào các mặt hàng phổ thông, có đối tượng tiêu dùng là người thu nhập thấp và (với thuế TN doanh nghiệp) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động. Cũng nên mở rộng việc giảm thuế cho các hộ kinh doanh. Thêm vào là các chương trình khuyến khích tiêu dùng. Việc chi tiền trực tiếp cho các hộ gia đình nghèo xem ra gặp khá nhiều vấn đề về chi phí giao dịch (transaction costs) cao và tham nhũng lan tràn trong hệ thống. Nhưng có thể triển khai các chương trình nhỏ hơn, hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình nghèo hay các công nhân mất việc. Ở thành phố, ví dụ có thể triển khai hỗ trợ dưới hình thức các coupon mua sắm cho người nghèo và công nhân mất việc?

5 comments:

  1. Số người chịu thuế thu nhập cá nhân cao hơn 300.000 chứ.
    Theo Tổng Cục thuế, có khoảng 10 triệu người làm ăn công ăn lương sẽ được cấp mã số thuế; trong số đó có khoảng 4,5 triệu người trong diện có thu nhập đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
    Riêng ở TPHCM, theo ước tính của cơ quan thuế, có khoảng 2 triệu người đăng ký thuế thu nhập cá nhân trong đó có 1,5 triệu người có thu nhập từ tiền lương, tiền công; 230.000 cá nhân có thu nhập từ kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể); khoảng 250.000 người có thu nhập từ các khoản khác (cá nhân hành nghề độc lập: bác sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ...).

    ReplyDelete
  2. Sao em đọc ở trên báo Tuổi Trẻ thì là thế này:

    http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=315827&ChannelID=3
    "Một loại ý kiến (chiếm đa số) không tán thành tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế TNCN cho các đối tượng nộp thuế khác trong sáu tháng cuối năm vì nhiều lý do, trong đó có việc “số lượng người phải nộp thuế TNCN không nhiều (khoảng 300.000 người)…"

    ReplyDelete
  3. Hộ kinh doanh từ 1/1/2009 cũng nộp thuế thu nhập cá nhân bác Linh ạ. Nếu con số người phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 4.5 triệu người, thì bác có thay đổi nhận định rẵng miễn thuế thu nhập cá nhân không có tác dụng gì không?

    Dân làm công ăn lương như em thì thấy tác dụng nhiều đấy. Thay vì è cổ ra đóng thuế trên từng đồng tiền kiếm được, nhờ miễn thuế nên em được một khoản kha khá để ăn nhà hàng, du lịch, chơi bời, bia bọt etc., kích thích ra phết! Em cũng sẽ rất thất vọng nếu sáu tháng cuối năm nhà nước chỉ giảm thuế 200.000 đồng/tháng/ người. 200.000 ngàn ăn một nữa nhà hàng còn không đủ, làm sao kích cầu được. Tại sao không giảm thuế theo tỷ lệ phần trăm? Những người có thu nhập cao mới là đối tượng tiêu xài để kích cầu, mà đối với những người này giảm 200.00 đồng chả có ý nghĩa gì cả. Còn nếu cho rằng họ thu nhập cao rồi không cần phải kích thích thì tốt nhất là đừng giảm nữa. Ngân sách nhà nước chỉ teo đi một khoản mà chẳng được ích lợi gì.

    ReplyDelete
  4. Vâng, nếu 4,5 triệu người thì đúng là có tác dụng. Nhưng không hiểu sao báo Tuổi Trẻ lại đưa là 300.000 người???

    Câu này của bác "Những người có thu nhập cao mới là đối tượng tiêu xài để kích cầu, mà đối với những người này giảm 200.00 đồng chả có ý nghĩa gì cả" thì em không đồng ý vì nếu tính tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập thì những người thu nhập cao có tỷ lệ này thấp hơn người có thu nhập thấp, vì thế kích cầu nên nhằm vào những người có thu nhập thấp và trung bình thay vào người có thu nhập cao. Thêm nữa, người có thu nhập cao cũng có xu hướng tiêu dùng hàng nhập khẩu nhiều hơn nhiều người có thu nhập thấp.

    Và chính cái bác bảo nếu giảm 200k/tháng/người ko bõ bèn gì với người thu nhập cao là luận điểm để phản đối việc hạ thuế thu nhập cho người thu nhập cao. Bởi vì nếu thay vào đó mà trợ cấp 200k cho người nghèo thì chắc chắn họ sẽ tiêu phần lớn số tiền đó.

    ReplyDelete
  5. Em thì nghĩ rằng người có thu nhập cao có xu hướng chi tiêu vào dịch vụ nhiều hơn người có thu nhập trung bình và thấp. Nếu mức giảm là 200.000 đồng, thì có giảm hay không giảm cũng không thay đổi đáng kể hành vi tiêu dùng của họ. Nhưng nếu giảm theo tỷ lệ phần trăm, họ sẽ có cơ hội chi tiêu vào dịch vụ nhiều hơn. Cũng có thể họ chi tiêu vào hàng nhập khẩu, nhưng cái tỷ lệ đấy là bao nhiêu so với hàng nội địa, em không biết.

    Người nghèo tất nhiên cũng cần hỗ trợ, nhưng không nhất thiết phải bằng công cụ thuế, mà bằng các công cụ khác hiệu quả hơn. Ý em nói tóm lại là nếu dùng thuế làm công cụ kích cầu, thì đối tượng nên hướng tới là người thu nhập cao. Còn người thu nhập trung bình và thấp, thuế không phải là công cụ thật sự hiệu quả.

    ReplyDelete