Tuesday, June 9, 2009

Mất điện

Chẳng có cái nước nào như cái nước này, giữa Thủ đô (đang tưng bừng kỷ niệm1000 năm) mà cắt điện liên tục khu vực tôi đang sống trong hai buổi tối nóng nhất mùa hè. Không một lời báo trước, không một lý do và ngay trong khi Quốc hội đang họp. Và cũng sẽ chẳng có ai thắc mắc gì cả. EVN cứ độc quyền, một mình một chợ, ai muốn nói gì cũng mặc. Suy cho cùng thì cái sự độc quyền, bất chấp dư luận đó cũng rất tương thích với bản chất của chế độ chính trị đang cai trị đất nước này- một thể chế chấm chấm chấm. Và nhân dân rồi cũng quen đi, mất điện thì ra bờ hồ hóng gió chứ chẳng ai đòi Chính phủ cách chức Tổng giám đốc EVN cả.

Hôm vừa rồi, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và nhiều quan chức khác đã có buổi tọa đàm với nhà kinh tế được giải Nobel Paul Krugman tại Hà Nội. Buổi gặp mặt này có thể xem là "ké" của một trường doanh nhân, tranh thủ 2 tiếng đồng hồ trước khi Paul Krugman về nước. Nghĩ cũng thảm, đường hoàng chính phủ một quốc gia mà phải hưởng sái của một trường đào tạo nghề. Còn thảm hơn khi nghĩ tới cảnh Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng... chen chúc trong buổi gặp "tranh thủ" Krugman trong 2 tiếng trước khi ông ta ra sân bay. Trong khi không biết bao nhiêu khoản tiền khổng lồ của vốn ngân sách, vốn ODA biến mất không dấu vết.

Trong buổi gặp mặt này, một vị Bộ trưởng đặt câu hỏi làm thế nào để Việt Nam tránh cái bẫy của một nước phát triển trung bình, với mức thu nhập 3000-5000 USD một năm. Trong khi Việt Nam vẫn nằm trong số các nước nghèo nhất thế giới, trong khi đường xá thủ đô nát bươm, trong khi buổi đêm Hà Nội ở nhiều nơi, người ta phải trông vào ánh trăng thay cho ánh điện, gió trời thay cho quạt điện (như lúc tôi viết những dòng này ở ban công nhà), trong khi giáo dục bị giầy vò bởi các tham vọng cá nhân, như một trang giấy bị xé nát thì người ta "lo sợ" rằng Việt Nam sẽ "chỉ" là một nước có thu nhập trung bình. Nếu như các vị đang nắm trọng trách trong Chính phủ kia có thể đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình trong cuộc đời làm việc của các vị (10-15 năm nữa?) thì đã thật sự là điều đáng mừng và tôi không mong gì hơn. Trước câu hỏi này, Krugman cũng tỏ ra bối rối và chỉ nói "các bạn xin hướng về tương lai, nhưng không được đốt cháy giai đoạn. Không nên nghĩ là Việt Nam có thể trở thành Thụy Điển trong 20 năm"

Cũng trong buổi gặp này, một vị Thứ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư đặt câu hỏi cho Paul Krugman là ông dự đoán xem trong 10 năm nữa, khủng hoảng sẽ xảy ra vào năm nào? Câu hỏi này khiến tôi thắc mắc không hiểu ông Thứ trưởng có nhầm Krugman với ông thầy phong thủy của bà tỷ phú Hồng Kông không? Lẽ ra thay vì hỏi Krugman câu đó, vị Thứ trưởng trên nên hỏi lại cựu sếp của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá, người đã tìm ra công thức để xác định chu kỳ khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam*. Đến đây, tôi lại nghĩ về công tác dự báo ở Việt Nam. Khi mà nhiều người còn có tư duy coi dự báo là kế hoạch, rằng dự báo phải chính xác như lau như ly thì chẳng ai có thể dự báo tốt được, trừ khi dự báo theo kiểu thầy bói quả quyết nói mò. Có vị đại biểu Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ kiểm điểm lại công tác dự báo, không để các dự báo không chính thức gây nhiễu mà chỉ cho phép một cơ quan dự báo Quốc gia đưa ra kết quả dự báo. Lý do cho phát biểu này là vì dự báo của CIEM, cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự khác biệt so với chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra. Dù sao, tôi nghĩ ở Việt Nam, người ta có xu hướng quá quan trọng công tác dự báo nhưng các số liệu dự báo đưa ra thì lại rất "bí ẩn", không rõ quá trình xây dựng như thế nào.

Nói cho chính xác thì hầu hết các câu hỏi còn lại trong Hội thảo khá bám sát vấn đề. Tuy nhiên, như biên bản cuộc họp cho thấy thì đây cũng chỉ là buổi gặp mặt nói chuyện cho vui thôi, với điều kiện thời gian hạn chế và người trả lời thậm chí còn gần như không biết gì về kinh tế Việt Nam. Trong việc này, các quan chức Chính phủ cũng có thể học được đôi điều từ người thuyết trình. Với sự trung thực của một nhà khoa học, Krugman khẳng định mình chưa tìm hiểu về kinh tế Việt Nam và ông không phải là tiếng nói có thẩm quyền về kinh tế Việt Nam. Thái độ này rất khác với một số không ít các quan chức Chính phủ, những người luôn tự cho mình biết mọi thứ nhưng chẳng phải chịu trách nhiệm về một thứ gì (trách nhiệm luôn thuộc về ai đó không phải tôi).

Hà Nội đang những ngày nóng nhất, ban ngày hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, nhiệt độ ngoài trời lên tới 45 độ C; buổi tối hơi nóng vẫn không thuyên giảm, đi đường mờ mịt hơi nóng và bụi. Giá trà đá ven hồ Ngọc Khánh tăng gấp đôi, lên 2000 đồng/cốc, với lý do là "cháy đá" trong hai hôm nay. Thời tiết như thế cũng khiến con người bực bội, chán chường hơn, nhất là trong những buổi đêm không điện như thế này.


* Công bằng mà nói, tôi nghĩ ông Trần Xuân Giá là người giỏi và có trình độ. Nhưng phát biểu trên của ông quá "casual" cho một người ở vị thế như ông, nó có thể thích hợp với những câu chuyện trà dư tửu hậu chứ không thích hợp cho một cuộc phỏng vấn báo chí. Khi một quan chức quản lý kinh tế hàng đầu, đồng thời từng là một giáo sư kinh tế phát biểu trên báo chí như vậy (một cách hoàn toàn nghiêm túc chứ không phải đùa vui) về quy luật số 8 của khủng hoảng thì kinh tế học trở thành chuyện làm quà. Và độ tin cậy trong các phát biểu của các quan chức sẽ bị đặt dấu hỏi (khi mà Thủ tướng khẳng định tháng 5 hết khủng hoảng, Phó Thủ tướng cho rằng tăng học phí sẽ giảm học sinh bỏ học, Bộ trưởng Tài chính "xúi" người dân mua cổ phiếu vào khi thị trường đang rớt giá thảm hại, Tổng thanh tra Chính phủ không phân biệt được giữa "hoa hồng" với hối lộ, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định không tăng giá xăng chỉ vài ngày trước khi giá xăng tăng, cựu Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư tìm ra quy luật số 8 cho khủng hoảng ở VIệt Nam...và còn gì nữa, ai nữa?)

Điều này, đến lượt nó, sẽ tạo ra các hiện tượng tiêu cực hay khó lường trong phản ứng của dư luận trước các thay đổi chính sách. Người cầm quyền mà bất tín thì dân chúng thấp cổ bé họng cũng không thể không bất tín.

13 comments:

  1. Em nghĩ hài hước chính là sự cứu rỗi bình quân đầu người miễn phí cuối cùng của chế độ tem phiếu, được phát không (khỏi xếp hàng) cho các tầng lớp nhân dân tiến bộ (bị) CNXH yêu. Những thứ khác thì phải sống, chiến đấu, lao động, và học tập... (may ra) mới có được. ;))

    ReplyDelete
  2. Một điều không biết nên buồn hay vui là có vẻ như niềm tin của người dân VN là vô hạn, căng mãi mà không đứt. Mặc cho cụ làm gì, mặc cho các cụ nói gì, dân ta vẫn cứ yên vui. Ai lên ai xuống cũng chẳng phải là chuyện lớn.

    ReplyDelete
  3. Ngồi trong đêm mất điện, bạn nghĩ đến bao vấn đề của đất nước, trong khi đó, các anh lãnh đạo, mà dân gian gọi là lờ đờ thì không nghĩ, không thấy hoặc không muốn nghĩ, muốn thấy. Hay ngoài mất điện họ còn muốn chờ mất cả nước luôn nhỉ.

    ReplyDelete
  4. Giấc mơ bước tới thiên đàng chủ nghĩa xã hội.

    ReplyDelete
  5. Quan chức hài hước mang tới không khí lạc quan, yêu đời cho người dân trong thời buổi khó khăn.
    Đó là chưa kể đến những tác động thiết thực như thế này: nghe (hoặc xem) quan chức nói thì dân sẽ đỡ mất tiền mua vé xem hài kịch, mua sách Những người thích đùa...
    Tôi nghĩ chưa bao giờ như bây giờ, quan chức Việt Nam chứng tỏ họ vẫn rất hữu ích...
    Hehehehe!

    Kiến nghị: Bác Linh làm ơn bỏ cái chức năng gõ mã kiểm tra đi.

    ReplyDelete
  6. Không gõ mã kiểm tra nó hay ra spam lắm, như blog cũ của tôi, toàn spam. Nhưng tôi sẽ thử bỏ 1 thời gian xem sao.

    ReplyDelete
  7. Cho mình vào cười một phát vì cái comment của nhà Khuê Việt :D

    ReplyDelete
  8. Sống, chiến đấu, lao động, học tập đi các bạn. Rồi sẽ có điện thôi, bao nhiêu năm nay vẫn vậy mà :-D

    ReplyDelete
  9. Bạn today20 lập trường kiên định hình như ở chỗ không bị mất điện :P

    ReplyDelete
  10. Thấy khâm phục sức chịu đựng của bà con ta. Hình như có nỗi sợ vô hình nào đó treo lủng lẳng trên đầu từng người dân Viêt để họ cứ cắm cúi tiếp tục chịu đựng những thứ phi lý thế này diễn ra. Về quê, chỉ còn cách là dắt cháu chạy nhong trong xóm vì ban ngày bị cắt điện (để tiết kiệm), không còn biết có thể làm gì trong 1 bối cảnh văn hóa, giải trí đã vô cùng thiếu thốn.

    Cũng nói thế để biết Thủ đô mất điện 2 ngày chưa thấm tháp vào đâu cả.

    ReplyDelete
  11. Dụ mua chứng khoán lúc ở đáy là hợp lí chứ anh Linh, vấn đề đáy ở đâu là do mỗi ng thôi.


    Cảm nhận chung của tôi là nc ta từ lãnh đạo đến người dân đều như những đứa trẻ chưa trưởng thành (immature), không ai dẫn dắt, đào tạo kô bài bản, làm gì cũng thiếu chuyên nghiệp, thiếu cơ sở khoa học, hay học lỏm và bắt chước chứ không theo bài bản (ngay như bắt chước Trung Quốc nhiều thứ mà làm nhiều khi cũng không xong). Nghĩ thì cũng tội nghiệp lắm thay, người phê bình thì nhiều mà người đủ năng lực để làm thì ít (do không được khuyến khích, do quan liêu, CÔCC, v.v...)

    ReplyDelete
  12. muốn nhìn thấy nó xấu, nó tồi tệ,nó bẩn thỉu...hay nó như thế nào thì hẳn nhiên là nó ra thế ấy và chỉ có thế ấy mà thôi.
    Nếu đủ nhiệt huyết, đủ dũng cảm để biến lời nói trên thành hành động thì thiết nghĩ những người như anh và những người bạn của anh có thể lập hẳn một hội nhóm để giải phóng, hay là để khai trí cho dân tình cái xứ vì nghèo nàn mà làm cho ngu đần, mụ mị này rồi đấy.

    ReplyDelete