Monday, May 25, 2009

Kinh tế học của "biết xấu hổ"

đây là comment trên blog Tản mạn đàm của Đỗ Quốc Anh. Bạn QA cho rằng việc đề cao tính biết xấu hổ có thể dẫn tới tác dụng không hay là những người biết xấu hổ sẽ bị đẩy lui khỏi bộ máy. Comment này chỉ là ý nghĩ tản mạn, lúc nào có thời gian sẽ nghĩ kỹ hơn về việc này.

Có cần xấu hổ

Ý kiến này của QA khá thú vị nhưng cũng chưa thực sự chính xác. QA cho rằng việc tôn cao đạo đức của sự biết xấu hổ sẽ đẩy những người biết xấu hổ ra khỏi bộ máy (như kiểu tiền xấu đẩy tiền tốt khỏi lưu thông?). Nhưng tôi lại nghĩ ngược lại, việc tôn cao đạo đức của sự biết xấu hổ sẽ khiến những người biết xấu hổ sẵn sàng tham gia bộ máy hơn. Liêm sỉ trở thành một phẩm chất cần thiết để tham gia tầng lớp lãnh đạo. Đây cũng là một đặc điểm của nền cai trị Khổng giáo, đề cao liêm sỉ của kẻ làm quan.

Nhưng tất nhiên không thể chỉ dựa vào việc biết liêm sỉ hay đạo đức của kẻ làm quan mà vẫn phải đề cao pháp trị. Như trong vụ việc ở HQ, nều tư pháp không độc lập, nếu công tố viên không thẩm vấn các cựu Tổng thống, nếu giới truyền thông không theo dõi gắt gao, đưa tin dồn dập thì cựu Tổng thống HQ sẽ không cảm thấy "xấu hổ" tới mức phải tự sát.

Sự suy đồi của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay không phải vì đạo đức của sự biết xấu hổ được đề cao hơn trước. Đơn giản nó là quy luật người nói dối trơ trẽn hơn cả sẽ là người trụ lại. Tức là cuộc thi tuyển các Nhạc Bất Quần, anh nào Nhạc Bất Quần nhất thì sẽ trở thành minh chủ võ lâm. Chứ còn các Lệnh Hồ Xung thì chỉ có ở nhà gẩy đàn cho vợ thôi.

Đặt trên góc độ cost-benefit, nếu anh biết xấu hổ nhiều hơn, anh sẽ ít tham gia quan trường ở VN hơn. Tại sao? Không phải vì việc người ta đề cao đạo đức này khiến cái mất của anh nhiều hơn mà vì người ta coi nhẹ đạo đức này khiến cái được của anh ít hơn.

Vậy tại sao dù xã hội VN lại có xu hướng đề cao sự biết xấu hổ của quan chức hơn trước trong khi các quan chức ngày càng ít biết xấu hổ hơn? Đó cũng là vì quy luật hàng hóa. Về phía cầu, sự biết xấu hổ được đánh giá cao hơn do phía cung (các quan chức) càng ngày càng ít người biết xấu hổ. Cái gì hiếm thì đắt giá. Nhưng về phía cung thì yếu tố quyết định lượng cung lại là sự không biết xấu hổ. Tức là càng không biết xấu hổ thì anh lại càng dễ trở thành quan chức. Và do bên bán ở thế độc quyền nên bán ra cái gì là người mua phải chịu.

Nhưng nghĩ lại cũng chưa chắc xã hội VN đánh giá cao sự biết xấu hổ hơn trước đây. Có lẽ còn ngược lại. Tiêu chuẩn đạo đức vô sỉ sẽ từ giới cầm quyền sẽ lan ra toàn xã hội.

1 comment:

  1. Tôi cũng đồng ý với bạn rằng không thể chỉ dựa vào việc biết liêm sỉ hay đạo đức của kẻ làm quan mà vẫn phải đề cao pháp trị.
    Còn vụ tự tử của TT HQ như một hành động chuộc lỗi có thể làm nhẹ bớt sự phán xét của dư luận nhưng thực ra thì cũng chỉ là một sự xám hối muộn mằn, vì dù sao sự cũng đã rồi và nếu không có việc điều tra thẩm vấn để tố sự việc ra ánh sáng thì chắc gì ông ta đã "xấu hổ". Cũng chẳng thể bao biện rằng ông xấu hổ vì hành động nhận tiền của người thân, vì đa phần chẳng có ông quan lớn tham nhũng nào đi nhận tiền lobby trực tiếp cả, tất cả đều thông qua con cháu ông hết. Chỉ mấy ông quan cò con mới làm vậy.
    Anyway, ít nhiều thì cũng thông cảm cho sự xấu hổ đó, nhưng tôi chẳng quá đề cao nó. Hãy biết xấu hổ trước để ngăn bản thân đừng nhúng tay vào việc xấu, còn hơn làm rồi mới xấu hổ.

    ReplyDelete