Sunday, May 17, 2009

Thấy gì qua các nghiên cứu về kích cầu ở Việt Nam

(Bản rút gọn bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần, số cuối tuần trước)


Thấy gì qua các nghiên cứu về kích cầu ở Việt Nam

Trong thời gian qua, đã có nhiều bài viết trên báo chí phân tích các khía cạnh khác nhau trong chính sách kích cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng các nghiên cứu chi tiết có phương pháp luận để đánh giá các chương trình kích cầu này. Bài viết này nhằm so sánh, tổng hợp các nghiên cứu về chính sách kích cầu đã được tiến hành bởi các cơ quan nghiên cứu trong thời gian gần đây (từ cuối năm 2008 tới 3/2009).

Có bốn nghiên cứu được đề cập trong bài viết này: đó là Bài thảo luận chính sách số 4 của Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard -gọi tắt là Báo cáo Harvard) ; Thảo luận chính sách số 1 về Chính sách Kích cầu của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - gọi tắt là Báo cáo CEPR; Báo cáo của nhóm tác giả tại Trung tâm phân tích và dự báo (CAF) và Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển (DEPOCEN) theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - gọi tắt là Báo cáo CAF-DEPOCEN; và nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Nông nghiệp (IPSARD)- gọi tắt là Báo cáo IPSARD.

Kích cầu liệu có hiệu quả?

Câu hỏi thứ nhất được đặt ra trong một số nghiên cứu về chính sách kích cầu là liệu chính sách kích cầu có hiệu quả không trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Báo cáo Harvard tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của chính sách kích cầu ở Việt Nam. Theo báo cáo này, gói kích thích tài khóa và tiền tệ do Chính phủ đề xuất có thể không mang lại tác động mong muốn tới nền kinh tế trong việc đẩy lui suy thoái. Không những thế, chính sách kích thích tổng cầu này có thể làm tăng lạm phát và rủi ro của hệ thống tài chính, làm gia tăng các mất cân đối kinh tế. Theo các tác giả của báo cáo này, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu trên tổng tiêu dùng cao nên việc kích cầu sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu tăng và làm gia tăng cung tiền dẫn tới lạm phát. Thêm nữa, với chế độ tỷ giá hối đoái cố định và hiện tượng đô-la hóa trong nền kinh tế, hiệu lực của chính sách tiền tệ trở nên hạn chế. Việc giảm lãi suất sẽ không kích thích doanh nghiệp và người tiêu dùng tiêu tiền mà khiến họ chuyển sang tích trữ vàng và ngoại tệ.

Các mất cân đối vĩ mô của Việt Nam như thâm hụt thương mại cao (20% GDP), thâm hụt ngân sách cao, dự trữ ngoại tệ không nhiều (25 tỷ đô-la) cũng không cho phép Chính phủ có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách kích cầu có hiệu quả. Báo cáo Harvard đề xuất các giải pháp thay thế cho chính sách kích cầu bằng các chính sách tái cơ cấu như giảm giá đồng nội tệ, ưu tiên đầu tư cho các dự án sử dụng nhiều lao động, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư công nhưng vẫn phải đảm bảo tính minh bạch.

Chia sẻ nhiều lo ngại về các mất cân đối của nền kinh tế Việt Nam với báo cáo Harvard, nhóm tác giả ở CEPR cho rằng chính sách kích cầu chỉ là một phần trong một giải pháp tổng thể đối với nền kinh tế Việt Nam và cần tới các chính sách cải cách khác, chứ không chỉ trông đợi riêng vào chính sách kích cầu. Trong phạm vi chính sách kích cầu, nghiên cứu của CEPR khẳng định áp dụng chính sách kích cầu với quy mô lớn sẽ kèm theo thâm hụt ngân sách nặng nề. Nếu Chính phủ huy động thêm 1 tỷ USD/năm trong hai năm 2009-2010 thì sẽ phải chấp nhận mức thâm hụt gần 7% GDP. Nếu Chính phủ muốn huy động nhiều hơn mức trên thì mức thâm hụt sẽ nhanh chóng đạt vượt mức 10% GDP và gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế. Giả thiết các con số ước tính của CEPR là chính xác thì để huy động 6 tỷ USD cho kích cầu, thâm hụt ngân sách nhiều khả năng sẽ vượt qua mức 8% GDP vào năm nay (mức thâm hụt dự kiến trong đề xuất mới đây của Chính phủ). Nếu số tiền kích cầu lên tới 10 tỷ đô-la như một số thông tin gần đây thì mức thâm hụt này còn cao hơn nữa.

Trong khi đấy, báo cáo của CAF-DEPOCEN khẳng định chính sách kích cầu là đúng đắn và kịp thời. Báo cáo của CAF-DEPOCEN cho rằng dư địa để chính sách tiền tệ tác động tới nền kinh tế Việt Nam hiện nay là hạn chế và kích cầu qua ngân sách bằng các công cụ như giảm thuế, tăng chi tiêu công là rất cần thiết.

Kích cầu vào đâu?

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là nên kích cầu vào đâu và như thế nào? Tuy không thực sự ủng hộ chính sách kích cầu, báo cáo Harvard cho rằng chính phủ cần cải tổ việc đầu tư công bằng cách đơn giản hóa thủ tục đầu tư công, chuyển trọng hướng đầu tư từ các dự án đòi hỏi nhiều vốn sang các dự án sử dụng nhiều lao động.

Báo cáo CAF-DEPOCEN dựa vào kết quả một nghiên cứu về hiệu quả kích cầu ở Mỹ để đề xuất Chính phủ nên kích cầu hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp vì những người có thu nhập thấp sẽ có khuynh hướng tiêu dùng cao hơn những người thu nhập cao hơn. Do đó, kích cầu vào đối tượng này sẽ có hiệu quả hơn trong việc tạo ra số nhân cao trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra một loạt các đề xuất chính sách như miễn thuế thu nhập cá nhân cho những người có thu nhập thấp; giảm thuế VAT cho các mặt hàng thiết yếu có tỷ lệ nội địa hóa cao; giảm đóng góp của doanh nghiệp vào các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ cấp thất nghiệp; đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn và đầu tư vào giáo dục.

Hai báo cáo của CEPR và IPSARD có những nghiên cứu kỹ thuật khá sâu về ảnh hưởng của kích cầu đối với nền kinh tế trên cơ sở áp dụng mô hình kinh tế. Nghiên cứu của CEPR sử dụng mô hình bảng cân đối liên ngành liên vùng 2005 để xem xét ảnh hưởng của kích cầu đối với từng thành phần tổng cầu và từng ngành kinh tế. Nghiên cứu này chỉ ra kích cầu vào tiêu dùng sẽ mang lại sức lan tỏa cao hơn vào đầu tư hay xuất khẩu. Đặc biệt, chính sách kích cầu vào khu vực nông thôn có sức lan tỏa mạnh nhất khi tăng một đồng tiêu dùng của khu vực nông thôn sẽ kích thích sản xuất ra 1,622 đồng. Trong khi đấy, nếu kích cầu một đồng vào tiêu dùng khu vực thành thị sẽ chỉ tạo ra 1,4 đồng, kích cầu một đồng vào đầu tư tạo ra 1,435 đồng, và vào xuất khẩu tạo ra 1,505 đồng. Trong các ngành kinh tế thì nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm có mức độ lan tỏa cao. Vì thế đầu tư vào các ngành này sẽ tạo ra hiệu quả kích cầu mạnh hơn so với đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khai khoáng hay dịch vụ.

Nghiên cứu của IPSARD cũng có một số kết quả tương tự như báo cáo của CEPR. Nghiên cứu này sử dụng “Ma trận hạnh toán xã hội” (Social Accounting Matrix- SAM) 2005. Đây là bảng số liệu thể hiện quan hệ chi tiêu- thu nhập phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế và các tác nhân kinh tế. Các tác giả nghiên cứu IPSARD tính ra rằng nếu kích cầu với số tiền tương đương 1% GDP (tương đương với khoảng 750 triệu đô-la theo giá hiện hành) cho nông nghiệp, sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Trong khi nếu đầu tư cùng số tiền đó cho công nghiệp thì GDP cả nước chỉ tăng lên 0,64% và nếu cho dịch vụ thì sẽ chỉ tăng 0,94%. Rõ ràng kích cầu cho nông nghiệp là hiệu quả hơn cả về mặt kinh tế. Sở dĩ như vậy vì sức lan tỏa của ngành nông nghiệp cao hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ. Tăng cầu cho nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập của rất nhiều người dân có thu nhập thấp và có khuynh hướng tiêu dùng (tính bằng tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập) cao. Đến lượt mình, việc này sẽ làm tăng cầu của các ngành khác.

Không những thế, hiệu quả đối với lao động việc làm của kích cầu nông nghiệp lại càng quan trọng. Theo nghiên cứu của IPSARD, kích cầu 1% GDP vào nông nghiệp sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm mới, lớn hơn nhiều so với kích cầu với cùng số tiền vào công nghiệp hay dịch vụ (chỉ tạo ra từ 200-370 ngàn việc làm).

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn là những việc làm hết sức cần thiết và đúng đắn vì vừa có tính hiệu quả cao được thể hiện qua sức lan tỏa lớn, lại vừa giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động phải trở về nông thôn do hậu quả khủng hoảng. Nông nghiệp –nông thôn Việt Nam đã từng “cứu” Việt Nam qua hai cuộc biến động kinh tế lớn cuối thế kỷ 20 nhờ khả năng hấp thụ lao động của nó. Lần thứ nhất là giai đoạn 1989-1991, khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường và hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước bị đóng cửa, giải thể, hay thải hồi lao động. Lần thứ hai là trong khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Lần này, chính sách kích cầu vào nông dân-nông thôn sẽ là một giải pháp đúng đắn để đưa đất nước bước ra khỏi khủng hoảng. Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu theo hướng hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…là hết sức cần thiết.

Mặt khác, cũng cần thấy là chính sách kích cầu chỉ là một phần của giải pháp chống khủng hoảng. Nếu quá chú trọng tới nó, coi nó là chìa khóa vạn năng thì sẽ càng làm chậm các cải cách cơ cấu cần thiết khác và dẫn tới các mất cân đối nghiêm trọng trong nền kinh tế như thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách, tỷ giá hối đoái giả tạo, và khả năng một số nhóm lợi ích trục lợi, biến việc thực thi chính sách (dù đúng đắn khi đề ra) thành con tin.


VHL

1 comment: