Tuesday, April 21, 2009

Giá trị thực của nghiên cứu khoa học

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6722/index.aspx
Trên Tuần Việt Nam, Giáo sư Văn Như Cương tỏ ý không tán đồng lắm với việc đánh giá năng lực nghiên cứ các nhà khoa học theo các công trình được công bố trên tạp chí, nhất là tạp chí quốc tế. Ông lấy ví dụ GS. Tạ Quang Bửu, một nhà khoa học tầm cỡ nhưng không có công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành.

"Có thể lấy ví dụ về cố GS Tạ Quang Bửu, một nhà toán học hàng đầu của Việt Nam. Ông là người đọc rộng, biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại, các bài giảng về toán của ông rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe.

Nhưng ông không viết một bài nào để đăng, có thể ông bận nhiều việc quản lý, hoặc có thể ông không thích. Ví dụ đó, dĩ nhiên, là một trường hợp "dị biệt" của một thời kỳ lịch sử."

Nhận định trên của giáo sư Cương xem ra không có cơ sở. GS Tạ Quang Bửu có thể là một người học rộng, hiểu nhiều, uyên bác và thông thái nhưng thực tế không thể xem ông là "nhà toán học hàng đầu của Việt Nam" chỉ vì ông "biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại" hay có những bài giảng "rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe". Một nhà khoa học hàng đầu luôn phải được đánh giá căn cứ vào các công trình nghiên cứu. GS Bửu có thể là một nhà sư phạm tài năng, một nhà quản lý có tài và có tâm nhưng không thể là nhà toán học hàng đầu nếu ông không có đóng góp nghiên cứu gì thực sự xuất sắc cho toán học Việt Nam và thế giới. Trên thực tế, người ta biết tới tài năng của giáo sư Bửu ở vai trò quản lý của ông, trên cương vị Bộ trưởng Giáo dục.

Giáo sư Cương cũng cho rằng ở các trường đại học, với các giáo sư đầu ngành thì nên ưu tiên cho mục đích nghiên cứu hơn là mục đích giảng dạy, ngược lại các giảng viên trẻ thì nên ưu tiên cho giảng dạy hơn là nghiên cứu. Quan điểm này tôi nghĩ cũng sai lầm. Nói chung, ở các nước, những giảng viên trẻ là thành phần năng nổ nhất trong nghiên cứu và các trường đại học lớn thường cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc thu hút những nhân tài mới hoàn thành tiến sĩ về dạy. Trong khoa học, rất nhiều công trình quan trọng cũng do những người trẻ sáng tạo.

Đoạn sau giáo sư Cương cũng viết cũng không hợp lý lắm:

"Nhưng đa số công trình tầm tầm bậc trung thì rất khó, có người khen hay, có người lại cho là không có ý nghĩa gì. Bởi vậy người ta mới nêu ra một tiêu chí có phần gượng ép: Bài đăng ở tạp chí quốc tế thì hay hơn bài ở tạp chí trong nước, đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín thì còn hay hơn nữa. Bài nào được trích dẫn nhiều hơn thì chất lượng hơn…
Đối với hoàn cảnh cụ thể những nước đang phát triển như VN, phải có thêm những tiêu chí đánh giá ý nghĩa thực tiễn to lớn của những đề tài khoa học ứng dụng.
Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về “Mắm tôm và bệnh tả” dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng. "

Nếu như không thể đánh giá được ý nghĩa của các công trình "tầm tầm bậc trung" thì lấy gì làm tiêu chuẩn tốt hơn ngoài các bài đăng tạp chí và các tiêu chí với bài đăng tạp chí như trên. Còn việc đánh giá ý nghĩa thực tiễn của các đề tài ứng dụng thì trước hết, chỉ áp dụng được với các công trình có tính ứng dụng và thứ hai, đánh giá thế nào và ai đánh giá (chẳng nhẽ lại phải thành lập CÁC hội đồng đánh giá ý nghĩa thực tiễn của các đề tài trong nhiều lĩnh vực khác nhau). Cũng nói thêm, tôi nghĩ nghiên cứu "mắm tôm và bệnh tả" hoàn toàn có thể đăng được ở các tạp chí quốc tế nếu như nó có cơ sở và được tiến hành một cách khoa học, có kết quả tốt.

18 comments:

  1. GS Cương đã dè dặt rào đón bằng từ "dị biệt", nghĩa là lý luận của ông có thể không đúng với số đông và không áp dụng được cho những trường hợp thông thường.

    Dĩ nhiên chuyện giảng bài hấp dẫn, dễ hiểu chẳng liên quan gì đến chuyện GS Tạ Quang Bửu có phải là nhà toán học xuất sắc hay không. Việc đưa những chi tiết này vào chỉ làm ý kiến của GS Cương kém giá trị đi.

    ReplyDelete
  2. Sao bác Cương lại nói thế về Tạ Quang Bửu nhỉ. NXB Giáo dục mới đây in cả một quyển to tướng tác phẩm của TQB, chi chít công thức :)) Thế hóa ra không phải là các bài báo à?

    ReplyDelete
  3. Giáo sư Văn Như Cương là một nhà sư phạm rất có tiếng, nhưng về nghiên cứu thì không có nhiều kết quả đặc biệt lắm (cụ thể hình như giáo sư chỉ có hai bài báo thì phải), nên chắc cụ cũng muốn tự thanh minh cho bản thân chút.

    Còn về cụ Tạ Quang Bửu thì tôi nhớ là ngày còn trẻ cụ cũng có nhiều công trình lắm mà, không rõ có chính xác không.

    ReplyDelete
  4. Đọc mấy đoạn bác Linh trích dẫn cũng đủ để phản đối bài của bác Cương rồi. Trước đây tôi có đọc qua về ông Tạ Quang Bửu, không nhớ rõ là ông có phải là "nhà toán học hàng đầu" không.

    Cuộc tranh cãi "Khoa học vị khoa học" hay "Khoa học vị nhân sinh" xem ra cũng sẽ làm hỏng khoa học, và làm hỏng nhân sinh.

    ReplyDelete
  5. Hehe bác Cương cần phải về xem quyển "Tạ Quang Bửu" của NXB Giáo dục, 2005 (Nguyễn Văn Đạo chủ biên). Có đến ngót 500 trang (to ạ) tác phẩm của TQB, khoảng 5-6 quyển sách, vài bài báo, đăng cả trong nước lẫn nước ngoài. Tất nhiên là tôi chả đọc vì không hiểu gì :) nhưng thấy trình bày dễ hiểu sáng sủa và nói đến những cái tên quen quen như là Schroedinger, Hilbert, René Thom...

    Phần sau của sách có một loạt bài về TQB của rất nhiều người viết (thật ra là tập hợp lại từ hai quyển sách trước đó đã in) - không có bài nào của bác Cương :))

    ReplyDelete
  6. Theo tôi không nên vì những nhận xét chưa chính xác của giáo sư Văn Như Cương mà đánh giá thấp giáo sư Tạ Quang Bửu. Giáo sư Bửu là nhà khoa học lỗi lạc không chỉ về toán học mà cả về vật lý học, sinh học và ngôn ngữ học.
    Khi xưa trong chiến tranh, miền Bắc nước ta bị ngăn cách thông tin với phương Tây, nhưng các nhà khoa học tự nhiên vẫn tiếp cận và cập nhật đầy đủ những kết quả nghiên cứu mới nhất của thế giới, là công của giáo sư Tạ Quang Bửu.

    Hàng tháng, có khi hàng tuần, với tư các cá nhân, ông đã mời nhiều nhà khoa học hàng đầu của Anh, Pháp và một số nước phương Tây đến Hà Nội và ông tổ chức các siminar về những thành tựu mới nhất của toán học, vật lý, sinh học... Ông trực tiếp chủ trì các seminar ấy, nhiều khi ông phải trực tiếp làm phiên dịch, rồi tự mình tổng kết phổ biến cho giới khoa học trong nước. Nhiều nhà khoa học trên thế giới hết sức ngạc nhiên khi thấy những am hiểu của ông chuyên sâu không kém gì họ.

    Là Bộ trưởng Bộ Đại học (không phải Bộ Giáo dục), nhưng giáo sư Tạ Quang Bửu không bao giờ coi mình là một quan chức hành chính. Chúng ta nên đọc lại những di sản của ông trước khi bình phẩm ông là người như thế nào. Trong một cuốn sách viết về cuộc đời của mình, giáo sư Bửu có nêu một phân vân : Nếu như ông nghiên cứu ít hơn và dành thời gian cho quản lý nhiều hơn liệu có tốt hơn là chuyện ông đã làm ngược lại. Chính ông cũng không tự đánh giá được điều đó.

    Nhưng hậu thế phải ghi nhận rằng, chính nhờ giáo sư Tạ Quang Bửu mà giới khoa học (tự nhiên) Việt Nam ở miền Bắc, trong gian nan của chiến tranh và trong hoàn cảnh cô lập thông tin thời kỳ đó, đã không chút hỗ thẹn với thế giới.

    Chúng ta nên tìm hiểu những di sản của giáo sư Tạ Quang Bửu trước khi hạ những lời bình phẩm ông là người như thế nào.

    HOÀNG HẢI VÂN

    ReplyDelete
  7. đôi khi BH cũng đặt nghi vấn cho mấy Tiến Sĩ Gió Sư tốt nghiệp trong nước. Ví dụ tiêu biểu BH vừa thấy là ông Tiến Sĩ Đỗ Xuân Thọ.

    http://blog.360.yahoo.com/blog-9PUQpQQidKhQocJ_rXe6Iis-?cq=1&p=695&n=28500

    ReplyDelete
  8. trong nhà mình nnhiều giáo sư tiến sĩ photocopy quá, tiến sĩ không bị cópy thì lại không ở trong nước.

    Trí thức trùm chăn, :))

    ReplyDelete
  9. Thực ra trong bài này bạn Linh phê bình bài viết của GS Văn Như Cương thì đúng hơn. Ngay cả khi bạn Linh có thông tin đầy đủ về cố GS Tạ Quang Bửu thì bài viết của GS Cương cũng không thể được đánh giá cao hơn. Nói một cách đơn giản, nếu người đọc hiểu thế nào là ngụy biện và nắm rõ các tiêu chí giới khoa học đánh giá một nhà khoa học lớn thì không cần biết về GS Tạ Quang Bửu, vẫn có thể phê bài viết của GS Cương là: Không đạt.

    ReplyDelete
  10. Nói là nói GS Cương không chính xác, nhưng xem danh mục tác phẩm của TQB in trong sách (28 đề mục - NXB cho biết là "chưa đầy đủ") thì có khoảng 5-6 quyển sách (kể cả giáo trình), còn lại là bài báo, nhưng tuyệt đại đa số là bài báo kiểu "Bác Hồ và khoa học" hay góp ý để ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp phát triển etc. Không biết bác HHV nói qua GS Bửu mà giới khoa học VN tiếp cận được các thành tựu "mới nhất" của thế giới là dựa trên cái gì. Sách của GS Bửu chủ yếu viết vào giai đoạn rất sớm, và chủ yếu là phổ biến khoa học (thống kê học chẳng hạn), và phát triển một số thứ từ trước đó như toán học của Bourbaki. Các seminar có thể coi là phổ biến khoa học chân chính được không ạ?

    ReplyDelete
  11. Tôi nghĩ hầu hết đều công nhận cống hiến to lớn của GS Tạ Quang Bửu cho đất nước trong những vai trò ông đã từng nắm. Nếu nhìn theo thước đo của GS Văn Như Cương, thì GS Tạ Quang Bửu càng có nhiều đóng góp lớn. Tuy vậy, nếu nhìn theo thước đo khoa học thế giới, cụ thể là làm gì để tăng thêm hiểu biết chung của nhân loại, thì hiện giờ tôi vẫn không rõ lắm về công hiến của GS Bửu. Bình luận của bác Hoàng Hải Vân cũng không làm rõ vấn đề này, còn theo bình luận của bác Nhị Linh thì có lẽ là cống hiến tương đối ít. Tất nhiên, GS Bửu vẫn có thể là nhà toán học lỗi lạc hàng đầu trong ngành toán học Việt Nam thời bấy giờ.

    ReplyDelete
  12. Đối với giới nghiên cứu Toán ở Việt Nam, thế nào là "nhà Toán học"? GS Cương cho rằng cố GS Tạ Quang Bửu là nhà Toán học vì: "...đọc rộng, biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại, các bài giảng về toán của ông rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe".

    Việc so sánh với mắm tôm của GS Cương là lập lờ, nguỵ biện. Mắm tôm là cái riêng biệt ở VN. Toán học, với tư cách khoa học tự nhiên, hiện diện ở khắp nơi. Không ở nơi nào trên thế giới 1+1 = 3 cả. Bởi vậy bất cứ nghiên cứu nào có giá trị đều được xứng đáng được đăng ở các tạp chí quốc tế có uy tín.

    ReplyDelete
  13. Bác Văn Như Cương rất nổi tiếng, nhưng mỗi lần bác phát biểu trên báo chí thì nghe ý kiến của bác nó cứ kì kì thế nào ấy. Mình có đưa ra vài ý kiến nhận xét về một bài phát biểu khác của bác Văn Như Cương, mời mọi người xem (http://blog.360.yahoo.com/blog-6DNqc.c_equCesHv_zk-?cq=1&p=76).
    Hoàn toàn đồng ý với nhận xét của bạn Linh.

    ReplyDelete
  14. Tôi đồng ý với bạn Linh về những phê phán với phát biểu của ông Cương. Không nên cố tình bao che cho những yếu kém của nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Các trường đại học ở ta không hề dậy sinh viên kiến thức về nghiên cứu khoa học 1 cách bài bản. Nhìn lại những gì mình đã học, ngay cả cái luận văn tốt nghiệp đại học của mình mà thấy xấu hổ. Nhưng vì ngày xưa không thầy nào biết nhiều về nghiên cứu để chỉ cho mình rằng nó chưa đủ, nó quá sơ sài, thậm chí kết luận kia là sai.

    Thi thoảng những người bạn mới sang bên này học hỏi: “ê mày, sao tao thấy cái này đơn giản thế, nó hiển nhiên là đúng mà sao tụi Mỹ nó cũng say mê nghiên cứu, say mê thảo luận, tao chả thấy nó ra cái gì cả”. Và có lẽ rất nhiều người ở ta quen cái tư duy này. Nói gì cũng phải đi từ nền tảng nghiên cứu khoa học có sẵn, và phải chứng minh nó chứ không chỉ tôi nghĩ trong đầu là nó như thế. Không thể hypothesize những thứ tự mình cho rằng nó đúng và mình thấy thích. Cũng như không thể kết luận bất cứ điều gì mà mình hiển nhiên cho rằng nó đúng nhưng lại không dựa trên kết quả nghiên cứu.

    Một chi tiết nữa, hiệu trường các trường đại học, trưởng khoa bên này vẫn phải làm nghiên cứu mửa mật ra, vẫn phải cho bài ra đăng, thậm chí là nhiều hơn tụi nhân viên của mình. Không thế thì còn lâu mới đủ sức giữ ghế, đủ sức kiếm funding. Mà không kiếm được funding thì automatically tạch. Làm càng to, lương càng cao thì sức ép càng lớn.

    Nếu mắm tôm mà chữa được bệnh tả mà dựa trên nghiên cứu khoa học đúng đắn thì nó sẽ có ý nghĩa lắm chứ, và chắc chắn là người ta sẽ cho đăng nó. E rằng nó chỉ là một mớ thông tin truyền miệng theo kiểu mật cá trắm chữa bệnh rồi đủ các loại bà rằng ở VN cũng chữa bệnh.

    ReplyDelete
  15. Bài này của bác Cương nhận xét bằng ngôn ngữ các bạn thanh niên xa mẹ là chủ trương "đóng cửa tự sướng", không muốn so sánh với thiên hạ xem mình đến đâu nhưng lại muốn được đánh giá cao nên mới thích đóng cửa bầu nhau thế.

    Chính bởi vì đóng cửa lại chẳng biết thiên hạ người ta làm gì, nghiên cứu, công bố gì nên mới phát biểu lung tung những câu như: "Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về “Mắm tôm và bệnh tả” dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng." @Bác Cương

    Mời bác Cương đọc tài liệu sau:
    http://www.springerlink.com/content/q3618338q476481x/fulltext.pdf

    Cụ thể hơn là trang 200 dòng từ 12 đến 16.

    ReplyDelete
  16. Link trên là một chương trong cuốn sách Microorganisms in Foods 6:
    http://www.springer.com/life+sci/food+science/book/978-0-306-48675-3

    Các nghiên cứu về vi khuẩn gây bệnh trong mắm tôm, mắm cá, mước mắm có thể tìm cũng trong cuốn sách trên ở một chương khác ở link sau (từ trang 382 trở đi):

    http://www.springerlink.com/content/h5587t0729316656/fulltext.pdf

    Trong đó có cả từ nước mắm bằng tiếng Việt (không dấu) :)

    ReplyDelete
  17. Cảm ơn bạn Hoàng Yến đã có tìm hiểu và cung cấp thông tin :)

    ReplyDelete
  18. Tôi lại cho rằng ông Cương chỉ bao biện và bốc phét. Ngay cả những khái niệm "nhà khoa học Việt Nam tầm cỡ thế giới" trong nhiều trường hợp cũng cần phải suy nghĩ lại. Còn nếu muốn cho 1 ví dụ duy nhất về nhà khoa học nổi tiếng thế giới người Việt thời ông Tạ Quang Bửu thì để tôi nêu tên cho. Chỉ có điều không hiểu sao VN lại cứ muốn quên tên ông này. Xin mời các anh em đoán trước đi.

    ReplyDelete