Bài viết của Huy Đức trên SGTT là một sự việc khá lạ lùng.
Lạ lùng là ở chỗ bài này lại lên báo được. Mặc dù bài viết có vẻ "khen" chính quyền địa phương huyện Bến Cát đã mạnh tay, dám cưỡng chế cả đất của anh Hai, chị Hai đương kim Thủ tướng nhưng có lẽ nội dung bài này không dừng ở chỗ đấy.
Đọc bài viết này, người ta có thể suy ra nhiều điều (đúng hay sai). Tại sao người nhà Thủ tướng lại dính vào một vụ làm ăn nhập nhằng như thế? Làm thế nào mà hơn 600 ha đất trồng cao su đã tăng từ giá 50 triệu/ha lên 1 tỷ/ha (giá đền bù)? Tức là số tiền chênh lệch mà các hộ gia đình này trong đó có nhà chị Hai Thủ tướng được nhận đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Bàn tay ai phù phép cho việc số đất này đầu tiên được bán với danh nghĩa vườn cây rồi cuối cùng trở thành bán quyền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ?
Một câu hỏi nữa là tại sao thanh tra Bình Dương đã kết luận việc cấp sổ đỏ là trái luật pháp mà người ta không có những biện pháp xử lý những người làm trái đó. Cũng không làm rõ xem ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các vi phạm pháp luật này, có dấu hiệu tham nhũng, hối lộ hay cố ý làm trái hay không?
Riêng điều 141 Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 đã có quy định đối với việc vi phạm pháp luật về đất đai của người quản lý.
"Điều 141. Xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. "
Thay vào đó chính quyền chấp nhận sự đã rồi. Và các hộ gia đình kia được nhận 1 tỷ trên mỗi ha, gấp 20 lần giá mua của họ. Trồng cao su mà lãi thế, trách gì toàn thấy người nhà quan chức đi trồng.
Trong bài báo của Huy Đức cũng nêu ý sau: "Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một số bài báo đề nghị Nhà nước cũng nên giữ chữ tín, Nhà nước sai thì Nhà nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ."
Tôi thấy lập luận trong một số bài báo "gần đây" mà anh Huy Đức dẫn lại là vô lý. Trước hết không có khái niệm Nhà nước chung chung mà phải cụ thể, ví dụ như chính quyền tỉnh Bình Dương. Sự nhập nhằng về khái niệm như thế cũng sẽ dẫn tới nhập nhằng về trách nhiếm. Việc xử lý theo kiểu vì chính quyền tỉnh đã sai nên chính quyền tỉnh không thu hồi sổ đỏ cũng là không hợp lý. Nếu sổ đỏ này được cấp một cách trái pháp luật thì chính quyền cần vô hiệu hóa nó. Những thiệt hại của các hộ gia đình do chính quyền tỉnh Bình Dương gây ra (vì cấp sổ đỏ sai trái) sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh với các hộ (và những thỏa thuận này, cũng như số tiền chính quyền đền bù, cần nêu công khai để chịu sự giám sát của dư luận và báo chí) hoặc qua con đường tòa án (các hộ này có thể kiện chính quyền tỉnh Bình Dương vì làm sai, gây thiệt hại cho họ). Đó là cách giải quyết rõ ràng, minh bạch và cũng sẽ tạo nên một tiền lệ tốt cho việc làm của chính quyền các cấp, bởi chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật với những gì họ làm. Chứ cứ giải quyết kiểu bùng nhùng như hiện nay thì tình trạng chính quyền "bán" đất cho một số đại gia hay người nhà các quan chức một cách bất hợp pháp sẽ còn kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, bởi lẽ sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm trước những việc làm sai trái và tham nhũng đó cả.
Một khía cạnh khác từ bài này: phải chăng với việc bài viết này được đăng báo, thế của ông Dũng đang yếu dần? Trước kia, thỉnh thoảng chúng ta vẫn được nghe về các phi vụ làm ăn của vợ ông K, con ông K, con ông M...nhưng đó đều là các thông tin ngoài luồng, không nằm trong hệ thống báo chí XHCN. Còn trong trường hợp này là những thông tin được đăng tải trên báo chí chính thức về vụ mua bán và chuyển quyền sử dụng đất đai trái pháp luật liên quan tới gia đình chị ruột Thủ tướng!
Ở Anh, Bộ trưởng Nội Vụ Anh từng phải xin lỗi vì liệt kê nhầm mấy bộ phim người lớn do chồng bà xem vào số tiền Internet chính phủ phải thanh toán, với số tiền là 10 bảng Anh. Còn ở Việt Nam, người đọc thở phào (và ngạc nhiên) khi nghe tin cho dù vợ chồng chị ruột Thủ tướng phản đối, "chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào."
What the Cease-Fire Deal Really Means
3 hours ago
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete