Sunday, May 10, 2009

Cổ phần hoá nhân dân

1. Bài này trên Diễn Đàn khá thú vị. Tôi copy luôn vào đây vì Diễn Đàn bị FPT firewall ở Việt Nam (thật, tôi chưa thấy ISP nào lại tránh né chính trị như FPT, luôn tự nguyện firewall mọi thứ có thể, kể cả những trang web có thiện chí do các trí thức mở ra như Diễn Đàn, Minh Biện...).

Tại sao không cổ phần hoá nhân dân ?

Mấy ngày hôm nay được đọc những chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về " ...cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp... ", và nhất là những lời cổ vũ của :

  • Một bậc đã từng là quan to chức trọng, như Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà – nguyên Vụ trưởng Chính sách công (Bộ Tài chính), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu và hiện nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình – : 'Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một ngành kinh tế.... Vì vậy, nó phải có tính kinh tế và tính chuyên nghiệp như các ngành kinh tế khác.
    (http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/846148/)

  • Một người tuổi trẻ tài cao đã đỗ tiến sĩ ở Nhật, như Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội : Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục ... Con người muốn có giáo dục thì phải mua dịch vụ bởi hấp thụ giáo dục làm tăng vốn con người.
    (http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/845559/)

  • Một nhà báo, nhà bỉnh bút lừng danh như ông Hoàng Hải Vân – nguyên tổng thư ký toà soạn báo Thanh Niên – : "Cổ phần hóa" các trường đại học công không có gì sai hoặc khó hiểu cả, nếu như nó là một bước của quá trình tư nhân hóa. Nếu coi giáo dục là việc cung cấp kiến thức và kỹ năng làm việc cho con người thì Nhà nước làm hay tư nhân làm có gì khác nhau đâu.
    (http://everywhereland.blogspot.com/2009/05/co-phan-hoa-ai-hoc-cong.html#comments)

Bát Thạch Kiều tôi, tuy có nhiều điều chưa hiểu, chẳng hạn như không biết chữ "vốn con người" trong ngữ cảnh của tiến sĩ Thành nó là cái quái quỷ gì... tại sao "cổ phần hoá" lại là bước đầu của "tư nhân hoá", tại sao cứ phải cổ phần hoá mới có tính chuyên nghiệp, vân vân... nhưng đại thể cũng nắm được rõ nguyên tắc : cứ hoạt động kinh tế là phải cổ phần hoá mới tốt. Mà dịch vụ cũng là hàng hoá, giáo dục là dịch vụ, cho nên giáo dục là hàng hoá, cho nên phải cổ phần hoá... Đúng, đúng, đúng quá ! Lý luận chặt chẽ không chê vào đâu được.

Đã hiểu nguyên lý ấy rồi thì, thừa thắng xông lên, Bát Thạch Kiều tôi lại tự hỏi : Bộ Giáo Dục thì cũng là để quản lý giáo dục, mà quản lý thì cũng là dịch vụ chứ gì nữa, sao không cổ phần hoá Bộ Giáo Dục luôn thể...

Nhưng, hượm đã, còn các bộ khác thì sao ??? cũng là quản lý đất nước mà, đó chẳng phải là những dịch vụ cần tính chuyên nghiệp rất cao đấy ư ??? Vậy ta nên cổ phần hoá Chính Phủ luôn cho rồi, như thế mới rốt ráo. Cứ cho là gọi vốn vài trăm tỷ đô đi nữa, thiếu gì người nước ngoài hay các công ty nước ngoài có thể hùn vốn để mua (mà hình như một công ty lớn bên nước bạn vĩ đại đã đặt cọc rồi thì phải). Sau đó tuyển chọn hiền tài, săn những cái đầu tinh tuý tốt nghiệp Harvard, MIT, Thanh Hoa... thiếu gì, ối chà ! tương lai đất nước sẽ được quản lý tốt mười mươi hơn hẳn hiện nay ấy chứ ?

Tiến thêm một bước nữa, bàn về Đảng. Trong châm ngôn "Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân Dân làm chủ" thì rõ ràng lãnh đạo là một dịch vụ chứ còn gì, cũng như osin ... Đảng là đầy tớ của Nhân Dân mà, vậy cũng phải có giá thị trường như osin. Thế thì phải cổ phần hoá cả Đảng luôn mới là cơ bản. Trung Quốc đang dư vài ngàn tỷ đô trong ngân khố chưa biết làm gì, ta chỉ việc khéo léo chào hàng... Mời ông Lý Quang Diệu làm chủ tịch hội đồng quản trị đi, cả thế giới sẽ phải khâm phục đấy.

Hà hà ! Rõ ràng giải pháp cơ bản, thần diệu, cho đất nước Việt Nam không ngoài ba chữ Cổ phần hoá.

Trở lại cái tựa của bài này, sao không cổ phần hoá nhân dân luôn thể ? Ối giời ! Bạn bảo tư bản thế giới nó có mà ngu cả đám à ? Sau khi cổ phần hoá bộ phận lãnh đạo và bộ phận quản lý rồi thì các công ty đó sẽ có lời, dĩ nhiên, vì chỉ một ngài chủ tịch công ty lô can thôi cũng biết nói : " dự án nếu không hiệu quả, làm sao chúng tôi đầu tư? " Mà các công ty lãnh đạo và quản lý đó có lời thì tự nhiên nhân dân nước này sẽ khố rách áo ôm nghèo mạt rệp đến mười tám đời (vua Hùng) nữa không ngóc đầu lên nổi, còn ai thèm mua cái nhân dân như thế ?

Bạn nói chi ? Thế có khác gì hiện nay ư ? Này ! Đừng có mà ... (chỗ còn lại nhạy cảm quá, xin tự ý đục bỏ).


Bát Thạch Kiều


2. Bài này cũng trên Diễn Đàn, của GS. Hà Dương Tường, tôi cũng xin copy lại ở đây để các bạn tham khảo:

Cổ phần hoá trường công : một « phép thử đơn giản »

Hà Dương Tường

Bộ Tài chính vừa ban hành « Dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần ». Báo điện tử VietnamNet đã đưa tin ngày 17.4 và đăng toàn văn quy chế này ngày 4.5.2009. Cả hai bản tin đều được đặt dưới nhan đề gần như nhau, nhấn mạnh khía cạnh cổ phần hoá các trường học dù rằng quy chế còn nói tới các đơn vị thuộc lĩnh vực văn hoá thể thao và lĩnh vực « sự nghiệp kinh tế ». Đó cũng là điều dễ hiểu vì giáo dục vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất, dùng chữ thời thượng ở trong nước là « nhạy cảm » nhất. Nhiều bài viết trên báo chí, hoặc trên các diễn đàn truyền thông khác (blog, website tư nhân...)1 cũng nói lên điều đó. Khi đọc bản tin đầu trên VietnamNet, một thân hữu của Diễn Đàn cũng đề nghị chúng tôi có lời bình về khía cạnh cổ phần hoá trường học công này. Nhưng viết gì ?

Trên mặt báo này, một năm trước, khi mới chỉ có những lời đồn đại về ý tưởng « cổ phần hoá trường công » này, giáo sư Bùi Trọng Liễu đã có bài « Vì sao không nên cổ phần hoá đại học công ? ». Trong bài phân tích vắn tắt nhưng xác đáng này, tác giả đã đưa ra 4 lý do phản bác « những lập luận, trung thực hay không, cho rằng Nhà nước ta đang cần ngân quĩ, cổ phần hóa đại học công là một cách để đại học công có thêm trang bị và phương tiện sinh hoạt ». Trung thực hay không, nhiều người vẫn tiếp tục đưa ra các lập luận đó, coi « cổ phần hoá » như một biện pháp duy nhất để giải quyết những bế tắc của nền giáo dục hiện nay2, mặc dù những « lỗ hổng chết người » mà chủ trương cổ phần hoá đã tạo ra trong lĩnh vực kinh tế và chẳng có gì cho phép tin là nó sẽ không tiếp tục tạo ra khi được áp dụng trong lĩnh vực đào tạo.

« Cởi trói » cho giáo dục chăng ? Hàng chục, hàng trăm ý kiến tâm huyết của các nhà giáo, nhà văn hoá, của người dân ở khắp các vùng đất nước đã được gióng lên, chỉ rõ những khuyết tật rất cơ bản của nền giáo dục và những hướng đi cần thiết để « cải tổ », « chấn hưng » nó một cách nghiêm chỉnh, dứt khoát. Tất cả đều như nước đổ lá khoai. « Đảng và Chính phủ » và những viên chức cần mẫn của họ được giao trọng trách quản lý giáo dục, từ mức quốc gia xuống tới các tỉnh thành, có những ưu tiên mà có lẽ chỉ có họ và túi tiền của họ mới hiểu được, thì còn viết gì nữa ?

Tuy nhiên, người làm báo vẫn cứ phải đọc, phải theo dõi tin tức, và trong thời buổi báo chí đi đúng « lề đường bên phải » hiện nay, đọc các blog... Lợi thế nữa của blog là nó cho phép phản ứng với các tin, bài một cách mau lẹ hơn, trực tiếp hơn trước một vấn đề được nêu ra. Vậy xin chia sẻ với bạn đọc « lời bình » ngắn dưới đây (có chỉnh sửa nhỏ ở một hai chỗ) nhân đọc bài « Cổ phần hoá đại học công » trên blog Everywhere Land và vài lời bình sau đó.


Một « phép thử đơn giản »

1/ Tôi không hiểu VN đã có quy chế « tổ chức vô vị lợi » chưa, hình như chưa mà chỉ có những khẳng định của tổ chức này, tổ chức khác rằng mình hoạt động « vô vị lợi », cho nên bác HHV mới tỏ ý nghi ngờ. Nhưng ở các nước Âu Mỹ (có lẽ hầu khắp thế giới) thì khó có thể nghi ngờ như vậy. Cái khác cơ bản giữa một trường tư « vô vị lợi » với một trường tư khác là ở trường thứ nhất chủ sở hữu là người hay tổ chức (phần lớn là các tổ chức) đã đăng ký hoạt động vô vị lợi theo luật pháp, nên KHÔNG cá nhân nào có tư cách pháp nhân là cổ đông của trường, do đó không có chuyện chia lãi. Điều đó không mâu thuẫn với việc trường « vô vị lợi » vẫn phải hoạt động một cách kinh tế nhất, để có thể phát triển hay tối thiểu là tồn tại ! Còn trường « vị lợi » hoạt động theo quy chế doanh nghiệp (điều này cũng được xác nhận trong Quy chế « cổ phần hoá các cơ sở công có thu » của bộ Tài chính), mà mục tiêu là lãi để chia cho các cổ đông, khó có thể nói là điều này không ảnh hưởng tới các chọn lựa, quyết định của trường.

2/ Là một trong những người đã hỗ trợ ngay từ đầu nhóm sáng lập ra trường dân lập đầu tiên ở VN những năm cuối thế kỉ trước – trường Thăng Long - (đóng góp ít ỏi nhưng thường xuyên vài ba năm đầu), tôi không phản đối việc có một hệ thống trường tư bên cạnh các trường công. Ngày nay, việc mở trường đại học tư không còn khó khăn gì lắm, nhưng nhìn kỹ hệ thống trường này chưa đóng góp được gì nhiều vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học VN : ngoài việc cung cấp thêm một số ghế « đại học » cho học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, chưa có trường nào thoát khỏi được những cơ chế kìm hãm nền đại học – hoặc chỉ một số rất nhỏ, ở một vài lĩnh vực -, xây dựng được « thương hiệu » đại học đích danh của mình, thậm chí cạnh tranh được với những trường công hiện có. Vậy tại sao có sự đồng thuận của một số người có tiền muốn nhảy vào lĩnh vực giáo dục và một số quan chức chính phủ để mở ra cái quy chế cổ phần hoá nói trên ? Câu trả lời, tôi sợ rằng rút cục vẫn lại quy về một chữ « lợi ». Cái lợi nhãn tiền, ngắn hạn của một số nhỏ chứ không phải cái lợi lâu dài của đa số thanh niên, của dân tộc VN. Nếu thực tâm muốn cải tổ nền giáo dục đại học VN, người ta đã lắng nghe và cố gắng thực thi nhiều ý tưởng rất tâm huyết của những nhà giáo có uy tín, chẳng hạn như những điều được nêu trong Kiến nghị của giáo sư Hoàng Tuỵ (và nhóm nhà giáo, nhà nghiên cứu đồng tâm với ông). Nếu thực tâm muốn mở thêm trường tư thục thì cứ bỏ tiền mà làm, có ai ngăn cản đâu.

3/ Để chứng minh điều ngược lại, tôi nghĩ có một phép thử đơn giản. Chính phủ hãy ghi rõ trong Quy chế cổ phần hoá này điều khoản sau đây (tất nhiên phải viết lại theo ngôn ngữ pháp lý một cách chính xác nhất) : hội đồng trường được cổ phần hoá (dù các cổ đông tư nhân nắm bao nhiêu phần trăm trong đó) không được quyền bán với bất kỳ lý do nào (quyền sử dụng) đất đai, dù chỉ là một mét vuông, của trường được cổ phần hoá ; không được sử dụng bất kỳ một phần nào của cơ sở trường được giao vào các hoạt động kinh doanh ngoài giáo dục (như cho thuê mặt bằng để mở hàng quán v.v.). Khi đó, nếu vẫn còn những người nhảy vào mua cổ phần thì nỗi sợ trên kia mười phần đã giải toả được năm, bảy rồi...

Hà Dương Tường

11 comments:

  1. Tôi thấy bài này, vốn là một lời bình trên hot blog của anh, đáng chú ý hơn, vì tác giả Hà Dương Tường cũng từng hỗ trợ cho việc thành lập đại học dân lập Thăng Long - trường đại học dân lập đầu tiên ở VN (sau 1975).

    http://www.diendan.org/viet-nam/co-phan-hoa-truong-cong/

    ReplyDelete
  2. Cám ơn LINH. Bài ngắn thôi nhưng súc tích, đám vô lại mười mấy tên đang ngồi ở bắc bộ phủ nếu có đi học tí chữ nghĩa thì hẳn phải thấy NHỤC lắm.
    Mạn phép LINH cho tôi copy về blog tôi nhé! Cám ơn!

    ReplyDelete
  3. @tranduong: Vâng, tôi xin bổ sung bài của GS. Hà Dương Tường trên post.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn anh đã đăng lại bài của Diễn Đàn và thông tin cho biết báo chúng tôi bị tường lửa.
    Tuy nhiên, trong bài của tôi lúc anh chép lại có một đoạn (cũng nói lên điều đó. Khi đọc bản tin đầu trên VietnamNet, một thân hữu của Diễn Đàn cũng đề nghị chúng tôi có lời bình về khía cạnh cổ phần hoá trường học công này. Nhưng viết gì ?) bị nhầm chỗ. Chỗ đúng của nó là sau "website tư nhân...)". Xin anh vui lòng sửa giùm.
    HDT

    ReplyDelete
  5. Thực ra đã và đang có hình thức "cổ phần hóa thủ tướng và những quan chức". Như hiện này tôi đang giữ gần 1.5% "cổ phần ... anh Ba" trong "nhóm cổ đông G16". Luật lệ cực kỳ chặt chẽ, từ việc tuyển chọn ai được "góp cổ phần" vào "nhóm", được góp bao nhiêu, ... thời gian đầu tư, chia lợi nhuận theo "vụ việc" ... tuyệt đối cấm "đầu tư riêng" trong các thành viên. ...
    Vâng, sắp tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam sẽ đổi tên thành nước Cổ phần xã hội hóa Việt nam. Chả có gì lạ, luôn đi tắt và đón đầu mà.

    ReplyDelete
  6. Tôi đã sửa. Cảm ơn GS. Hà Dương Tường.

    ReplyDelete
  7. Không phải chỉ mỗi FPT đâu bác ạ. Cả VDC, EVN cũng firewall đó.

    ReplyDelete
  8. Ý tưởng "cổ phần hóa" thật sáng tạo, cũng hay ngang chủ trương "xã hội hóa", hay "nhà nước và nhân dân cùng làm" thôi mà.
    @Gà Thiến (:-O): Firewalling là "chủ trương lớn" bạn ạ.

    ReplyDelete
  9. Tôi nghĩ sớm muộn gì các trường đại học cũng sẽ bị/được cổ phần hoá. Nó nằm trong chủ trương của Đảng và NN hay không thôi. Nếu chủ trương quyết làm thì chắc là sẽ làm.
    Cổ phần hoá trường học sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhiều đối tượng. Đất đai các trường đại học trong thành phố hầu hết nằm ở các vị trí khá đẹp. Dù đã bị tùng xẻo khá nhiều để chia cho cán bộ công nhân viên xây nhà, nhưng số còn lại cũng không phải ít. Việc cổ phần hoá tức khắc biến một số mảnh đất vô giá trị thành đất vàng, kim cương. Những người có cổ phần tức khắc trở nên giàu hơn.
    Đời một hiệu trưởng chỉ có từ 5 đến 10 năm, vậy nên nếu cổ phần hoá được cho phép, chắc nhiều hiệu trưởng sẽ tích cực đẩy mạnh. Các giáo viên, cứ tính theo thâm niên, cấp bậc (như tính lương hiện tại) sẽ được mua bao nhiêu cổ phần. Nhà nước chiếm 51%, 15% cho cán bộ công nhân viên, 20 % cho đối tác chiến lược, còn 14% thì có thể 10% bán ra ngoài và 4% bán cho đối tác nước ngoài.
    Lúc đó thì hay nhỉ. :)

    ReplyDelete
  10. HIện tại chỉ có các bác trong TW mới có khả năng cho con đi du hoc. (mặc dù lương chính thức không đủ mua gạo). CỔ phần hoá ĐH hay cổ phần hoá tiểu học cũng chỉ là cơ hợi tốt để mở rộng thành phần có khả năng cho con cháu đi du học ...(hiệu trưởng , hiệu phó, tới lãnh đạo khoa ...) như vậy, VN sẽ có báo cáo là đã xoá đói giảm nghèo cho các thành phần mới trên ....
    Chủ trương hay quá đấy chứ ....

    ReplyDelete
  11. Trước 30 tháng Tư 75, tôi thường nghe đến câu "Tiên học phí, hậu học văn" áp dụng cho những sinh viên học sinh theo học các trường tư thục. Còn các trường công lập KHÔNG thu tiền và thường đóng vai trò trường chuẩn, là lá cờ đầu trong ngành giáo dục.

    Sau 30 tháng Tư, các trường tư từ đại học đến trung tiểu học, mẫu giáo gì gì đều được quốc doanh hóa. Học sinh, sinh viên đến trường không còn phải lo học phí. Đến giai đoạn đổi mới, theo tôi được biết công lập, bán công hay dân lập gì gì cũng thu tiền. Mức độ học phí tùy thuộc vào trường.

    Ở Hoa Kỳ tôi chưa thấy một đại học công nào cổ phần hóa cả.

    Tại sao nhà nước không trả lại cho tư nhân, cho các tôn giáo các cơ sở giáo dục đã quốc doanh sau ngày 30 tháng Tư thay vì cổ phần hóa?

    Tại sao nhà nước không khuyến khích và cho phép tư nhân trong và ngoài nước xây dựng thêm đại học tư.

    ReplyDelete